Hướng tới “nghệ thuật chân chính”

Những ngày này, trong không khí nồng thắm và ấm áp chào mừng 87 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2012), những người làm báo không khỏi xúc động trước sự quan tâm, thăm hỏi, động viên của các cấp lãnh đạo; sự chia sẻ, đồng cảm của cộng đồng doanh nghiệp và bạn đọc.

Báo chí trong xã hội ta được vinh danh là Báo chí Cách mạng; nội dung có thể đúc kết như bức trướng chữ vàng mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã trao cho Hội Nhà báo Việt Nam: “Báo chí Cách mạng Việt Nam: Trung thành, Đoàn kết, Trí tuệ, Đổi mới vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Trong thực tế, từ khi triển khai công cuộc đổi mới đất nước, lực lượng báo chí nước ta đã phát triển mạnh cả về lượng và chất. Đến nay nước ta có 786 cơ quan báo viết, 592 tạp chí, 67 đài phát thanh - truyền hình, 61 báo điện tử và hàng ngàn trang tin điện tử.

Đã có trên 17.000 nhà báo được cấp thẻ hoạt động báo chí trong nước, nước ngoài. Cùng với xu thế dân chủ hóa trong đời sống xã hội, đổi mới thông tin là mảnh đất hun đúc những tài năng báo giới.

Nhà báo và cơ quan báo đã được tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tiếp cận các nguồn thông tin để thực hiện chức trách của mình, cung cấp cho xã hội và công chúng dòng thông tin chính thống một cách kịp thời, nhanh chóng, xuyên suốt trên các phương tiện thông tin đại chúng, mà điều này cách đây vài thập kỷ ta không thể hình dung.

Ngày nay cơ quan báo, nhà báo muốn làm tròn trách nhiệm của mình phải thông tin trung thực mang tính đa chiều; vừa làm nhiệm vụ tuyên truyền, cổ vũ các tầng lớp nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, luật pháp Nhà nước; vừa đi sâu vào thực tế đời sống phát hiện những gút mắc, cản ngại, đề xuất những ý kiến xác đáng giúp Đảng, Nhà nước xây dựng, bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách phù hợp với thực tế, vì công cuộc phát triển của đất nước.

Là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, với chức trách của mình, báo chí ngày càng thể hiện vai trò xung kích trong việc đấu tranh, góp phần trấn áp cái xấu, cái ác, cách hành xử gian dối; phát hiện và kiên trì đấu tranh chống lại các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, xà xẻo của công và các tệ nạn xã hội nhức nhối khác.

Bên cạnh đó, báo chí nước ta còn khẳng định trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân trong việc góp sức xây dựng dân giàu-nước mạnh, ổn định tư tưởng-xã hội. Bằng việc phản ánh thực tế đúng đắn và kiến nghị các giải pháp kịp thời, đồng thời khơi dậy tiềm năng tinh thần và vật chất của đội ngũ doanh nhân và trong nhân dân, báo chí đã góp phần thúc đẩy đưa đất nước vượt qua thách thức, khủng hoảng.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đảo lộn, u ám, thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí đã có cách làm sáng tạo, tổ chức nhiều chương trình, cuộc thi qua đó đã phát hiện và nhân rộng điển hình các nhân tố mới của các cá nhân, tập thể trên nhiều mặt trận.

Điều quan trọng là báo chí đã khẳng định yếu tố tích cực là dòng chủ lưu trong đời sống xã hội, để các tầng lớp nhân dân hiểu rõ, sát cánh cùng chính quyền, triển khai có hiệu quả các giải pháp Chính phủ đề ra, cùng vượt qua những khó khăn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển trong điều kiện kinh tế đầy biến động.

Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế thế giới 2008 đến nay, đội ngũ những người làm báo cũng đứng trước vô vàn khó khăn, thách thức. Yêu cầu của bạn đọc, nhiệm vụ được giao đối với cơ quan báo ngày càng đòi hỏi cao nhưng lượng phát hành, doanh số quảng cáo ngày càng suy giảm do tác động chung nền kinh tế.

Trước việc những tranh luận gần đây về “báo lá cải”, về “xu hướng thương mại hóa báo chí”, thậm chí là việc đưa tin bịa đặt, sai sự thật… - dù là số ít cá biệt, vẫn đáng lên án vì xã hội ta không cổ súy, dung túng những hành vi, cách làm như vậy trong hoạt động báo chí. Nhà nước, nhân dân đòi hỏi trong tình thế khó khăn báo chí càng tỏ rõ bản lĩnh chính trị của mình.

Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đến thăm báo Nhân Dân, đã nhắn nhủ: “Cần nhận rõ điều gì làm nên sức hấp dẫn của tờ báo. Phải chăng là nói đúng sự thật một cách truyền cảm, thuyết phục, nói những điều mà người nghe đang cần, không phải cứ nói ngược, nói nhiều tiêu cực, rút tít giật gân… thì mới hấp dẫn. Ngược lại, đó là tầm thường hóa, không phải là nghệ thuật, càng không phải là nghệ thuật chân chính”.

Các tin khác