Huyền tích Lý Thường Kiệt linh hiển xứ Thanh

(ĐTTCO) - Anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất, có công đánh Tống bình Chiêm và xây dựng đất nước. Vốn tên thật là Ngô Tuấn, sinh trưởng ở Thăng Long, Hà Nội, được vua ban quốc tính thành họ Lý, và sự nghiệp hiển hách thường được nhắc tới với chiến công trên sông Như Nguyệt ở xứ Kinh Bắc.
Đền thờ Lý Thường Kiệt.
Đền thờ Lý Thường Kiệt.

Thế nhưng thật ngạc nhiên khi ngôi đền cổ nhất thờ Lý Thường Kiệt lại nằm ở xứ Thanh, với những câu chuyện linh hiển kỳ lạ.

Những hiện tượng kỳ lạ về ngôi đền thượng cổ

Theo đường Quốc lộ 1, từ Hà Nội chúng tôi vượt 130km về phía Nam đến gần cầu Đò Lèn bắc qua sông Lèn của Thanh Hóa, rồi rẽ phải đi tiếp khoảng 10km dọc theo con sông này đến đền thờ Lý Đại Vương. Một không gian linh thiêng giữa vùng đất trù phú, cảnh sắc nên thơ. Đây là ngôi đền cổ xưa nhất nước ta thờ Thái úy Lý Thường Kiệt, luôn đón đông đảo du khách trong và ngoài nước về dâng hương.

Đền thờ Lý Thường Kiệt tọa lạc trên một diện tích đất rộng lớn ở thôn 3, xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung. Cổng đền hướng ra dòng sông Lèn êm đềm. Kiến trúc gian chính ngôi đền gồm nhà 5 gian 2 chái, mái lợp ngói âm dương, cột kèo và các “vì” được chạm khắc tinh xảo với các họa tiết hoa văn về các linh vật và cây cỏ thiên nhiên.

Nhà văn, nghệ sĩ nhiếp ảnh xứ Thanh Trần Đàm cho chúng tôi biết, theo các tài liệu còn ghi lại ban đầu nơi đây chỉ là ngôi miếu nhỏ nằm bên chùa Linh Xứng để thờ Lý Đại Vương, về sau bị hư hại xuống cấp, người dân trong vùng chung tay xây dựng thành ngôi đền khang trang bề thế hơn. Đây là một trong những ngôi đền cổ nhất xứ Thanh với tuổi thọ gần 1.000 năm. Đền rất linh thiêng, được người dân bảo vệ tôn nghiêm và sùng kính.

Nhờ có lời nguyền lâu đời truyền lại và những hiện tượng linh thiêng mà ngôi đền vẫn còn giữ được nét nguyên sơ, cổ vật không bị mất cắp như một số nơi khác. Một ông từ giữ đền thổ lộ rằng, tất cả những gì liên quan đến ngôi đền dù là nhỏ nhất như cành cây, hòn đá, viên gạch vương vãi trong đền dân làng không ai dám lấy về nhà để sử dụng.

Có người từng vô tình mang về nhà rồi phải đem trả lại cho đền. Bởi từ khi lấy tài sản của đền về họ bị đau ốm, hoặc có người đang khỏe mạnh bỗng nhiên đổ bệnh nặng. Và sau khi đem trả những gì lấy của đền thì người hết bệnh, sức khỏe trở lại bình thường, thậm chí còn khỏe hơn.

Bia cổ chùa Linh Xứng báu vật quốc gia.

Bia cổ chùa Linh Xứng báu vật quốc gia.

Thời chiến tranh chống Mỹ, Thanh Hóa liên tục chịu nhiều trận bom dữ dội, xóm làng tan hoang, nhưng riêng đền thờ Lý Đại Vương không bị trúng bom. Nhiều nhà dân bên cạnh đền cũng bị bom dội tan nát, có quả bom rơi sát đền nhưng không hề nổ. Điều này càng làm tăng đức tin và sự tôn kính của người dân xứ Thanh đối với ngôi đền thiêng.

Hàng năm có 2 ngày lễ lớn là ngày giỗ của Thái úy Lý Thường Kiệt vào 21-6 âm lịch và ngày lễ Khai ấn đầu năm vào ngày 25 tháng Giêng âm lịch diễn ra tại đền cổ. Về đây ngắm sông Lèn êm đềm, thắp nén hương tưởng nhớ danh tướng triều Lý cũng như nhiều danh nhân khác gắn liền xứ Thanh, ai cũng xúc động tự hào về tiền nhân và cảm thấy như mình được tiếp thêm nguồn năng lượng mạnh mẽ.

Khai mở văn hóa vỗ yên cõi bờ

Năm 1082, sau bao chiến tích lẫy lừng, khi tuổi đã gần giữa lục tuần, Lý Thường Kiệt rời nhiệm vụ tổng chỉ huy quân đội nhà Lý, từ chức Thái úy, hăng hái tự nguyện vào trấn thủ Thanh Hóa, để xây dựng và bảo vệ cõi bờ phía Nam Tổ quốc bấy giờ.

Vừa đặt chân vào xứ Thanh, Tổng trấn Lý Thường Kiệt đã chọn làng Ngọ Xá nay là xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung để xây dựng Lương Mục Đường làm nơi ở và làm việc. Phật giáo đang là tư tưởng chính thống nhà Lý.

Vốn là người mộ đạo Phật, Lý Thường Kiệt đã cùng Trưởng lão Sùng Tín từ Kinh đô Thăng Long vào du hành ngược dòng sông Mã, dừng thuyền ở núi Hàm Rồng, rồi đi về phía Tây chuyển sang sông Lèn. Thuyền đến ấp Đại Lý, ông thích thú khi nhìn thấy núi Ngưỡng Sơn nhiều cây cối xanh tươi bên bờ sông Lèn uốn qua những làng mạc, tạo nên chốn sơn thủy hữu tình và chọn nơi này dựng chùa Linh Xứng.

Theo nội dung Văn bia chùa Linh Xứng được đại sư Thích Pháp Bảo soạn năm 1126 trong Thơ văn Lý Trần, do GS. Huệ Chi dịch, Thái úy Lý Thường Kiệt cho rằng: “Cái mà kẻ trí người nhân ưa thích là núi, là sông; cái mà thế đại lưu truyền là danh, là đạo. Nếu mở núi mà làm cho “đạo” và “danh” rạng rỡ thì không đáng quý hay sao?”.

Chùa Linh Xứng trở thành ngôi chùa cổ nhất khai sáng đạo Phật cho xứ Thanh và bia chùa Linh Xứng cũng là tấm bia quý hiếm thuộc loại cổ nhất nước ta còn lưu lại đến ngày nay.

Ngay sau chùa Linh Xứng đã có nhiều ngôi chùa lớn xuất hiện ở Thanh Hóa, tiêu biểu như Hương Nghiêm, Báo Ân, Sùng Nghiêm Diên Thánh… Trải qua thiên tai, chiến tranh chùa Linh Xứng bị đổ nát rồi phục dựng, duy chỉ tấm văn bia mãi trường tồn thành báu vật được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Từ văn bia đã khai mở cả pho lịch sử cách đây hàng ngàn năm, đặc biệt là tấm lòng, tầm nhìn và công tích của danh nhân Lý Thường Kiệt.

Ngoài việc xây dựng chùa, chấn hưng Phật giáo, Lý Thường Kiệt còn có nhiều đóng góp to lớn về mọi mặt trong 19 năm trấn nhậm Thanh Hóa. Vì vậy, sau khi danh tướng qua đời, nhân dân đã xây dựng chùa Báo Ân để tưởng nhớ công ơn của ông. Đồng thời, cũng bên bờ sông Lèn, ngay trên mảnh đất sinh thời ông chọn làm nơi “Thọ thân”, ngôi đền thờ ông như trên cũng được dựng lên.

Cũng trong văn bia cổ chùa Linh Xứng ca ngợi công đức của ông: “Làm việc thì siêng năng, điều khiển dân thì đôn hậu, cho nên dân được nhờ cậy. Khoan hòa giúp đỡ trăm họ, nhân từ yêu mến mọi người, cho nên nhân dân kính trọng. Dùng uy vũ để trừ gian ác, đem minh chứng để giải quyết ngục tụng, cho nên hình ngục không quá lạm. Thái úy biết rằng dân lấy sự no ấm làm đầu, nước lấy nghề nông làm gốc, cho nên không để lỡ thời vụ. Tài giỏi mà không khoe khoang”.

Các tin khác