Hy sinh nơi tuyến đầu chống dịch - Công nhận liệt sĩ trường hợp đặc biệt dũng cảm cứu người

(ĐTTCO) - Trong cuộc chiến chưa có tiền lệ với đại dịch Covid-19, mồ hôi, nước mắt và cả máu đã đổ xuống, có những người tuyến đầu chống dịch đã mắc Covid-19 và qua đời. Đội ngũ tham gia tuyến đầu chống dịch nếu qua đời có được truy tặng liệt sĩ? PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM về vấn đề này.

đặc biệt

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, một câu hỏi được rất nhiều người dân quan tâm hiện nay, những người tham gia tuyến đầu chống dịch khi qua đời có được công nhận liệt sĩ?

- Ông LÊ MINH TẤN: Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại tâm dịch TPHCM và các tỉnh thành. Đội ngũ y bác sĩ cùng lực lượng chức năng, tình nguyện viên đang ngày đêm căng mình chống dịch... TPHCM có hơn 170.000 người tham gia tuyến đầu chống dịch. Mồ hôi, nước mắt và cả máu đã đổ xuống, không ít người ở tuyến đầu chống dịch đã mắc Covid-19 và qua đời.

Hy sinh nơi tuyến đầu chống dịch - Bài 2: Công nhận liệt sĩ trường hợp đặc biệt dũng cảm cứu người ảnh 1Ban bảo vệ dân phố phường 22, quận Bình Thạnh mang di ảnh của ông Đinh Chánh Định đến cho gia đình

Những chiến sĩ công an, quân sự, y bác sĩ, tình nguyện viên tham gia phòng chống dịch, nếu mắc Covid-19 và tử vong, thì có thể xem xét suy tôn là liệt sĩ. Theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 9-12-2020 (hiệu lực từ 1-7-2021), điều kiện công nhận liệt sĩ là “đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội”. Như vậy, trường hợp đặc biệt dũng cảm cứu người và là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội thì được suy tôn là liệt sĩ.

Cụ thể, với y bác sĩ điều trị bệnh Covid-19, nếu mắc Covid-19 và qua đời có thể coi là đặc biệt?

- Y bác sĩ có nghĩa vụ sơ cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bệnh. Với công dân nói chung, việc cứu người là trách nhiệm và nghĩa vụ công dân, Bộ luật Hình sự có xem xét trách nhiệm về tội không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Vì thế, Pháp lệnh Ưu đãi người có công quy định chỉ xem xét công nhận liệt sĩ với trường hợp có hành động đặc biệt dũng cảm, thực hiện công việc đặc biệt nguy hiểm, cấp bách để cứu người, cứu tài sản, là những tấm gương có sức lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Các trường hợp khác sẽ theo quy định Luật Thi đua Khen thưởng với hình thức khen thưởng huân chương, huy chương và trợ cấp mai táng, hưởng chính sách tử tuất theo Luật Bảo hiểm xã hội.

Tóm lại là rất khó để được truy phong liệt sĩ, thưa ông?

- Đúng là vậy. Trong cuộc chiến chống Covid-19, có tấm gương hy sinh làm rung động tâm can mỗi chúng ta và chúng ta mong muốn người đó được truy tặng liệt sĩ. Song, liệt sĩ là cả Tổ quốc suy tôn, nên tấm gương phải “đặc biệt của đặc biệt”, xứng đáng và có ý nghĩa lan tỏa. Chính phủ đang dự thảo nghị định hướng dẫn chi tiết pháp lệnh. Theo dự thảo, các trường hợp được xem xét công nhận liệt sĩ theo quy định tại điểm k khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh gồm các yếu tố: nhận thức được đầy đủ sự nguy hiểm và tính cấp bách của sự việc; chủ động thực hiện hành vi đặc biệt dũng cảm, chấp nhận hy sinh tính mạng bản thân; bảo vệ lợi ích quan trọng của Nhà nước, tính mạng và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội, được cơ quan quản lý nhà nước về người có công trình Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương tặng thưởng huân chương và tổ chức phát động học tập tấm gương trong phạm vi cả nước.

Không có sự phân biệt ngành nghề

Hiện nay, Sở LĐTB-XH TPHCM đã hướng dẫn bao nhiêu hồ sơ công nhận là liệt sĩ?

- Để có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công cho những tấm gương đã dũng cảm quên mình trong phòng chống dịch Covid-19, sở đã có văn bản gửi UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện hướng dẫn để xem xét công nhận liệt sĩ. Sở đề nghị địa phương xem xét, đảm bảo trường hợp đủ điều kiện, tiêu chuẩn, đảm bảo hồ sơ thủ tục xác nhận liệt sĩ theo quy định thì gửi hồ sơ về Sở LĐTB-XH TPHCM để tham mưu, báo cáo UBND TPHCM đề nghị Bộ LĐTB-XH thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cấp bằng Tổ quốc ghi công. Sở đang hướng dẫn hồ sơ 3 trường hợp, 1 người là dân quân tự vệ, 1 người làm công tác MTTQ, 1 người làm quản lý thị trường.

Riêng 2 nhân viên y tế là bà Trần Thị Phương Hằng (điều dưỡng BV Nhân dân Gia Định) và ông Trịnh Hữu Nhẫn (bác sĩ, nguyên Trưởng Trạm y tế xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè) mắc Covid-19 và qua đời, thì được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba. Tôi được biết ngành y tế đang làm hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ 2 trường hợp này.

Có mặc định người làm ở ngành nghề nào mắc Covid-19 và qua đời thì được công nhận liệt sĩ?

- Tôi khẳng định là không có sự mặc định. Tất cả lực lượng khi tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19 đều như nhau và được xem xét đề nghị công nhận liệt sĩ khi đặc biệt dũng cảm cứu người, không có sự phân biệt.

Trong chiến tranh, tất cả cùng nhau sát cánh chống lại kẻ thù. Và giờ đây, chống Covid-19 là một cuộc chiến chưa có tiền lệ, chiến đấu với virus - “kẻ thù vô hình”. Nếu được công nhận, chế độ chính sách với các liệt sĩ là như nhau, không phân biệt.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) Đinh Tấn Hải đã không ngại khó khăn vất vả tham gia phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương. Quá trình làm nhiệm vụ, ông Hải mắc Covid-19 và qua đời. Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh, ghi nhận những đóng góp to lớn của ông Hải cho sự phát triển của địa phương và công tác phòng chống dịch, các cơ quan chức năng đang hoàn tất thủ tục hồ sơ đề nghị công nhận ông Hải là liệt sĩ.

Chị Dương Nguyễn Thùy Trinh (32 tuổi), công tác tại Khoa sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương tham gia tuyến đầu chống dịch khi đang mang thai 20 tuần tuổi nên chưa tiêm vaccine. Không may, chị mắc Covid-19 và không qua khỏi. Bác sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương, chia sẻ: “Chúng tôi rất đau xót nhưng cũng tự hào vì sự hy sinh của người đồng nghiệp”. Chị Dương Nguyễn Thùy Trinh được Trung ương Đoàn truy tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm. UBND tỉnh Bình Dương đang hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét công nhận liệt sĩ.

TIẾN MINH - XUÂN TRUNG


PGS.TS NGUYỄN LÂN HIẾU, đại biểu Quốc hội: Cần thành lập hội đồng đề nghị công nhận liệt sĩ


Tôi rất ủng hộ việc công nhận liệt sĩ đối với nhân viên y tế, ngành chức năng, tình nguyện viên… hy sinh khi tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19. Làm thế nào để xác định là “đặc biệt dũng cảm cứu người”, “tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội”, quy định còn nghiêng về cảm tính nên việc đề nghị công nhận liệt sĩ thực sự không đơn giản. Dự thảo nghị định cần quy định rõ, ngay lúc này cần thành lập hội đồng đề nghị xác nhận liệt sĩ với những người hy sinh trong khi chống dịch Covid-19. Hội đồng chịu trách nhiệm xem xét từng trường hợp cụ thể để đưa ra quyết định. Trên cơ sở đề nghị của hội đồng, cơ quan, tổ chức thuận tiện trong quá trình làm hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công, truy tặng liệt sĩ.

Ông NGUYỄN TRƯỜNG SƠN, Thứ trưởng Bộ Y tế: Truy tặng liệt sĩ là sự đáp đền xứng đáng


Cá nhân tôi rất mong muốn những nhân viên y tế qua đời do lây nhiễm trong quá trình chống dịch Covid-19 được công nhận liệt sĩ. Xông pha nơi tuyến đầu, họ làm việc cường độ cao trong môi trường nguy cơ lây nhiễm, không quản hiểm nguy, dùng hết tâm sức để chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19. Cuộc chiến này chưa có tiền lệ và không tránh khỏi những thương tổn, mất mát. Nếu không may anh em qua đời thì rất nên được truy tặng liệt sĩ, đó cũng là sự ghi nhận, đáp đền của đất nước với những chiến sĩ ở tuyến đầu chống dịch.

Các tin khác