Ì ạch công trình chống sạt lở

Công trình chống sạt lở kênh Thanh Đa đoạn 1.2 và 1.4 (phường 27, quận Bình Thạnh, TPHCM) được khởi công vào giữa tháng 7-2012, dự kiến sau 11 tháng thi công sẽ hoàn thành, tức tháng 6-2013. Thế nhưng 2 công trình này hiện đang có nguy cơ dậm chân tại chỗ do không có mặt bằng thi công.

Công trình chống sạt lở kênh Thanh Đa đoạn 1.2 và 1.4 (phường 27, quận Bình Thạnh, TPHCM) được khởi công vào giữa tháng 7-2012, dự kiến sau 11 tháng thi công sẽ hoàn thành, tức tháng 6-2013. Thế nhưng 2 công trình này hiện đang có nguy cơ dậm chân tại chỗ do không có mặt bằng thi công.

Chậm 1 năm

Công trình 1.2 và 1.4 do Khu Quản lý đường thủy nội địa (Sở Giao thông-Vận tải TPHCM) làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư khoảng 57 tỷ đồng. Cụ thể, dự án chống sạt lở 1.2 dọc bờ kênh Thanh Đa có chiều dài 342m, điểm đầu là hạ lưu cầu Kinh, điểm cuối là bờ kè khu Dầu Khí, bao gồm các hạng mục: gia cố bảo vệ chống xói lở bờ, cống xả thoát nước. Kết cấu mái kè là thảm viên bê tông tự chèn theo công nghệ mới có tính thẩm mỹ cao.

Dự án đoạn 1.4 từ hạ lưu cầu Kinh đến bờ kè Công Đoàn có chiều dài là 667m sẽ thi công các hạng mục: đóng cọc xử lý nền, gia cố mái kè, xây dựng vỉa hè đường bộ hành có lan can, rãnh thoát nước mặt kè, hệ thống chiếu sáng.

Một quán cà phê chiếm dụng hành lang an toàn bờ sông. Ảnh: M.TUẤN 

Một quán cà phê chiếm dụng hành lang an toàn bờ sông. Ảnh: M.TUẤN 

Lẽ ra, 2 công trình này phải hoàn thành đưa vào sử dụng trước mùa mưa, song ghi nhận thực tế tiến độ 2 công trình này dường như dậm chân tại chỗ. Ông Trần Văn Giàu, Phó Giám đốc Khu Quản lý đường thủy nội địa, lý giải: “Do không có mặt bằng thi công nên dự án không thể chạy tiến độ như hợp đồng ký kết”.

Để giải quyết vướng mắc này, trước đó UBND quận Bình Thạnh đã có văn bản gửi UBND TP báo cáo tình hình thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư cho người dân bị thu hồi đất. Đồng thời, nêu quyết tâm vận động số hộ dân còn lại chấp thuận di dời, bàn giao mặt bằng để bàn giao cho Khu Quản lý đường thủy nội địa thi công trong quý II năm nay. Đáng tiếc là quyết tâm đó chưa thể thực hiện, người dân vẫn bám đất, khiếu nại kéo dài.

Khó giải phóng mặt bằng

Trao đổi với ĐTTC, bà Hà Thị Vân, Phó Chủ tịch UBND phường 27, quận Bình Thạnh, cho biết: “Hiện dự án 1.2 đã hoàn thành được 70% tổng số hạng mục, dự án 1.4 hoàn thành 45% (tính đến ngày 28-6). Tôi đã nhiều lần xuống hiện trường vận động người dân, thuyết phục mọi cách để người dân hiểu và tìm sự đồng thuận với chủ trương TP, thế nhưng hiện dự án 1.2 và 1.4 còn 38 hộ chưa bàn giao đất.

Dự án 1.2 còn 8/61 hộ ở khu vực cuối tuyến và dự án 1.4 còn 30/133 hộ nằm rải rác, gây khó khăn cho công tác thi công”. Đa số các hộ chưa chịu di dời có điểm chung là không đồng ý với giá bồi thường. Riêng 30 hộ tại dự án 1.4 đã gửi đơn ra Tòa án Bình Thạnh. 

Được biết, trên địa bàn TPHCM hiện có khoảng 60 điểm sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Trong đó, gần một nửa số điểm sạt lở thuộc cấp độ đặc biệt nguy hiểm nằm trên địa bàn quận 2, quận 8, quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh. Nhằm bảo vệ tài sản và tính mạng cho người dân, thời gian qua nhiều khu vực sạt lở đã được chính quyền TP vận động người dân di dời, hỗ trợ chuyển đến nơi ở mới tốt hơn, đồng thời gấp rút đầu tư kiên cố bờ bao.

Trong khi công trình chống sạt lở đang dậm chân tại chỗ, nhiều công trình “bức tử” bờ sông lại đua nhau mọc lên. Theo phản ánh của người dân phường 27, quận Bình Thạnh, thời gian gần đây nhiều hộ dân vô tư chiếm dụng hành lang an toàn bờ sông, biến nơi đây thành địa điểm kinh doanh quán nước giải khát, quán nhậu, gây mất vệ sinh, an ninh trật tự, trong khi đây là khu vực cảnh báo có nguy cơ bị sạt lở bất kỳ lúc nào vào mùa mưa.

Qua trao đổi với ĐTTC ngày 4-7, lãnh đạo UBND phường 27, quận Bình Thạnh, khẳng định việc lấn chiếm bờ sông để kinh doanh quán nước, ăn uống trên địa bàn phường còn khá phổ biến. Phường đã chỉ đạo cán bộ phụ trách kiểm tra, chấn chỉnh, lập biên bản việc kinh doanh lấn chiếm lòng lề đường, gây ô nhiễm môi trường. Đối với quán cà phê vừa cất mái che gần biển cảnh báo sạt lở, phường sẽ buộc tháo gỡ ngay. Riêng những quán tồn tại từ lâu, phường đang lên kế hoạch “đánh điểm” giải tỏa dần.

Trong khi những dự án đang làm gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, tìm vốn, nhiều nơi tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, không phép trên sông gây sạt lở vẫn còn diễn ra phức tạp, làm phát sinh thêm nhiều điểm nóng.

Các tin khác