Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 15/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã khởi động duyệt xét toàn diện công thức góp vốn của các nước thành viên, hướng tới xây dựng mức hạn ngạch mới phù hợp hơn với vị thế tương đối của mỗi nền kinh tế thành viên trong nền kinh tế toàn cầu.
Ban chấp hành IMF nhấn mạnh tiến trình này nằm trong nỗ lực chung nhằm tăng cường tính minh bạch trong các đánh giá-phân tích của tổ chức này về chính sách và chỉ số phát triển kinh tế.
Công thức hạn ngạch, định hướng để điều chỉnh hạn ngạch của các nước trong hệ thống hạn ngạch chung của IMF, bao gồm bốn biến số.
Trong đó, Tổng sản phẩm nội địa (GDP) có giá trị lớn nhất (50%) gồm GDP chuyển đổi theo tỷ giá thị trường (30%) và GDP dựa trên cơ sở ngang bằng sức mua (20%).
Các biến số còn lại là mở cửa nền kinh tế được đo bằng tổng nguồn thu và thanh toán hiện hành (30%), biến đổi dòng vốn thực và nguồn thu hiện hành (15%) và dự trữ ngoại tệ chính thức (5%).
Ban chấp hành IMF nêu rõ công thức hạn ngạch mới cần đơn giản, minh bạch, nhất quán với vai trò đa dạng của hạn ngạch; cung cấp các kết quả được các nước thành viên IMF chấp nhận; có tính khả thi về thống kê trên cơ sở các dữ liệu chất lượng cao được cập nhật và dễ tiếp cận.
Trong đó, yếu tố GDP - số đo toàn diện nhất về quy mô nền kinh tế, cần tiếp tục có giá trị lớn nhất trong công thức hạn ngạch mới.
Trong Ban chấp hành IMF, nhiều ý kiến nhấn mạnh mở cửa là số đo sự hòa nhập của nền kinh tế mỗi nước vào nền kinh tế thế giới và cần tiếp tục là biến số quan trọng trong công thức hạn ngạch; dự trữ ngoại tệ chính thức là chỉ số quan trọng về sức mạnh tài chính và khả năng đóng góp vào nguồn tài chính của IMF.
Các ý kiến cũng nêu bật nhu cầu về đảm bảo vai trò thích hợp và tính đại diện của các nước nghèo; đồng thời, kêu gọi xem xét tăng quyền bỏ phiếu cơ bản để bảo vệ tiếng nói của các nước nhỏ.
Ngoài ra, nhiều thành viên Ban chấp hành IMF ủng hộ đưa khả năng đóng góp của nước thành viên cho nguồn tài chính của Quỹ trở thành một biến số quan trọng trong công thức hạn ngạch, đặc biệt trong bối cảnh thể chế tài chính toàn cầu này đang nỗ lực tăng nguồn tài chính.