Hãng công nghệ Intel ngày 21/1 thông báo sẽ đầu tư 20 tỷ USD vào hai nhà máy mới ở bang Ohio (Mỹ) để sản xuất chip tiên tiến.
Đây là bước đi đầu tiên để hướng tới một “siêu địa điểm,” nơi có tới tám nhà máy sản xuất chip trị giá 100 tỷ USD.
Kế hoạch đầu tư này dự kiến tạo ra 3.000 việc làm cố định và 7.000 công việc xây dựng trên khu đất rộng 1.000 mẫu Anh (1 mẫu = 0,4 ha) ở Hạt Licking, ngay bên ngoài Columbus.
Giám đốc điều hành Intel Pat Gelsinger đang thúc đẩy triển khai kế hoạch mở rộng của Intel, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ, trong bối cảnh hãng này tìm cách tăng cường sự cạnh tranh với các đối thủ toàn cầu và ứng phó với tình trạng thiếu chip trên toàn thế giới.
Trong một thông báo ông Gelsinger cho biết các nhà máy này sẽ tạo ra một “trung tâm” mới cho ngành sản xuất chip tiên tiến ở Mỹ, mà sẽ thúc đẩy dây chuyền từ phòng thí nghiệm đến xưởng sản xuất trong nước của Intel.
Các nhà sản xuất chip đang cạnh tranh để tăng sản lượng sau khi các nhà sản xuất trên khắp thế giới, từ ôtô đến điện tử tiêu dùng, đối mặt với tình trạng thiếu chip. Intel cũng đang cố gắng giành lại vị trí là nhà sản xuất chip nhỏ nhất và nhanh nhất từ công ty TSMC của Đài Loan (Trung Quốc).
Tuy nhiên, kế hoạch xây dựng các nhà máy mới của Intel sẽ chưa thể giải quyết nhu cầu hiện nay, bởi các khu sản xuất phức hợp như vậy phải mất nhiều năm để xây dựng. Trước đó, ông Gelsinger đưa dự báo tình trạng thiếu chip sẽ kéo dài đến năm 2023.
Hồi tháng 9/2021, Intel đã động thổ hai nhà máy ở bang Arizona như một phần trong kế hoạch chuyển hướng để trở thành nhà sản xuất chip lớn cho khách hàng bên ngoài.
Các nhà máy trị giá 20 tỷ USD này sẽ nâng tổng số nhà máy của Intel tại khuôn viên của hãng ở ngoại ô Phoenix của Chandler lên con số sáu nhà máy.
Dữ liệu từ Gartner cho thấy Samsung Electronics giành lại vị trí dẫn đầu từ Intel vào năm 2021 và là lần đầu tiên kể từ năm 2018.
Còn Intel đã tụt xuống vị trí thứ hai với mức tăng 0,5% vào năm 2021, mức tăng trưởng thấp nhất trong số 25 nhà cung cấp chip hàng đầu.