Xét về trữ lượng dầu mỏ và khí đốt được phát hiện, Iran chỉ đứng sau Nga. Vì vậy, một khi được dỡ bỏ các lệnh cấm vận liên quan đến hạt nhân, nước này có thể sẽ thành một tay chơi đầy quyền lực trên vũ đài năng lượng quốc tế.
So với những lợi ích lớn lao khi trở thành nhà xuất khẩu khí đốt lớn mang lại, việc bắt tay làm lành với các nước phương Tây để có thể dỡ bỏ các lệnh cấm vận chỉ là chuyện nhỏ. Điều này càng trở nên rõ ràng hơn dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Hasan Rouhani, người kể từ khi lên nhậm chức đến nay đã không lãng phí một phút giây nào trong việc hàn gắn quan hệ với phương Tây.
Những nỗ lực của ông có thể mang lại kết quả trong các tháng tới, khi một thỏa thuận hạt nhân với Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc có thể được ký kết, tiến tới việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận.
Khi đó, trên lý thuyết, Iran có thể tự do làm ngập tràn thị trường toàn cầu bằng trữ lượng khí đốt khổng lồ của mình, thành một nguồn cung cấp thay thế cho nhiều quốc gia đói năng lượng và vẽ lại bản đồ địa chính trị thế giới. Vì thế một thỏa thuận như vậy có thể giúp Iran nhanh chóng thoát khỏi sự cô lập bấy lâu nay. Hiện Iran sản xuất khoảng 165 tỷ m3 khí đốt mỗi năm, trong đó xuất khẩu 10 tỷ m3 sang Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Armenia.
Nếu so với việc Nga xuất khẩu gần 150 tỷ m3 sang châu Âu và các thỏa thuận xuất 70 tỷ m3 sang Trung Quốc trong tương lai, Iran chẳng đáng nhắc tới trên vũ đài quốc tế. Nhưng nước này đang đẩy mạnh công suất khai thác hướng tới mục tiêu sản xuất 250 tỷ m3 vào năm 2018. Sự gia tăng này đến từ mỏ khí đốt South Pars hiện Iran đang chia sẻ với Qatar. Đây là mỏ khí đốt lớn nhất thế giới. Sau 2018 đã có những kế hoạch phát triển nhiều giai đoạn, cả ở mỏ South Pars và các mỏ khác như North Pars và Kish.
Nhưng hầu hết lượng khí đốt gia tăng sẽ được tiêu thụ trong nước. Chính phủ muốn giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ bằng cách tăng cường sử dụng khí đốt, vừa để có nhiều dầu hơn cho xuất khẩu, vừa giảm khí thải CO2. Hơn nữa, dầu không đòi hỏi phải xây đường ống và cũng không cần hóa lỏng để xuất khẩu. Sau khi thoát cô lập, Iran cũng cần nhiều năng lượng hơn để khôi phục nền kinh tế.
Vì vậy, TS. Elham Hassanzadeh của Cơ quan Cố vấn năng lượng Iran dự báo mỗi năm Iran sẽ xuất khẩu chừng 30-50 tỷ m3 khí đốt, một con số quá nhỏ so với sản lượng, nhưng vẫn có vai trò rất quan trọng vì tương đương lượng khí đốt xuất khẩu sang Đức của Nga. Tuy nhiên, TS. Hassanzadeh cho biết trước tiên Iran sẽ tập trung ở các thị trường khu vực, như Iraq, Oman và Kuwait.
Iran đã ký một thỏa thuận đường ống với Pakistan. |
Trong thực tế, Iran đã ký thỏa thuận cung cấp khí đốt với Iraq vào năm 2013 và đường ống nối 2 nước đã xây xong. Tehran cũng đang đàm phán xây một đường ống khác tới Oman theo sau một thỏa thuận ký năm ngoái. Sau đó, Iran sẽ nhắm đến thị trường Pakistan và Ấn Độ. Tehran đã đàm phán với Pakistan về một đường ống khí đốt trong 20 năm qua và đã đạt được thỏa thuận năm 2010, nhưng cho đến nay chỉ mới xây ống tới biên giới do gặp các vấn đề về tài chính và sức ép của Hoa Kỳ lên Pakistan.
Kế đó, sự chú ý sẽ chuyển sang châu Âu. “Iran muốn trở thành một đối thủ cạnh tranh của Nga, vì vậy thị trường châu Âu rất đáng lưu ý” - Jamie Ingram nói. Tuy nhiên, chi phí xây đường ống sang châu Âu ước tính 5-8 tỷ USD, và chỉ các consortium đa quốc gia mới có thể huy động được số tiền đó. Trong khi đó, giá khí đốt hiện ở mức thấp nên không hấp dẫn các công ty.
(Theo BBC)