JVC từ bình thường đến bất bình thường

Như ĐTTC đã có bài phân tích “Bi kịch JVC” trên số báo ra ngày 22-6, về việc trong 10 phiên giao dịch JVC (CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật) bị “đo ván” nhưng lãnh đạo vẫn cho rằng hoạt động bình thường. Nhưng nay mọi việc đã rõ khi lãnh đạo đã bị tạm giam.

Như ĐTTC đã có bài phân tích “Bi kịch JVC” trên số báo ra ngày 22-6, về việc trong 10 phiên giao dịch JVC (CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật) bị “đo ván” nhưng lãnh đạo vẫn cho rằng hoạt động bình thường. Nhưng nay mọi việc đã rõ khi lãnh đạo đã bị tạm giam.

Hệ quả sẽ ra sao?

 

Cho dù JVC đã sử dụng chữ “bình thường” trong các văn bản công bố thông tin (CBTT), có lẽ với mục đích trấn an, nhưng NĐT vẫn dễ dàng nhận ra sự bất bình thường. Bình thường sao được khi CP vốn là hàn thử biểu về hoạt động của công ty, giảm 50% chỉ sau 2 tuần.

Nhân vật chủ chốt của công ty lần lượt bị miễn nhiệm, rồi bị bắt chỉ trong ít ngày liệu có bình thường? Nói phải đi đôi với làm, đó là chuyện bình thường. Nhưng từ khi xảy ra những sự cố nghiêm trọng, NĐT chỉ thấy JVC nói mà không làm gì để ổn định tâm lý cổ đông hay tránh tổn thất cho NĐT.

Đã từng đảm nhiệm cùng lúc 2 chức vụ chủ tịch HĐQT và giám đốc, nên vai trò của ông Lê Văn Hướng quan trọng như thế nào đối với JVC có lẽ ai cũng rõ. Cho dù văn bản của JVC công bố ông Hướng bị điều tra về những sai phạm cá nhân, nhưng hệ quả của những sai phạm rất lớn. Bởi lẽ không còn ông Hướng sẽ dẫn đến một loạt thay đổi tại công ty từ tầm nhìn, chiến lược, phương pháp quản trị, các mối quan hệ…

Chẳng hạn, trước đây ông Hướng kiêm nhiệm 2 chức vụ, còn bây giờ mỗi người đảm nhiệm một vị trí, quyền lực từ chỗ tập trung giờ được phân tán như thế nào? Một ông chủ tịch HĐQT người nước ngoài (Kyohei Hosono) sẽ điều hành HĐQT như thế nào và làm việc với ông tổng giám đốc người Việt Nam (Nguyễn Hữu Hiếu) ra sao?

Tinh thần của CBCNV trong công ty sẽ chịu những ảnh hưởng khi chứng kiến một loạt biến cố và nó tác động trực tiếp đến năng suất làm việc. Sự chuyển tiếp ở vị trí người đứng đầu luôn gây ra rất nhiều thách thức, nghi ngại, ngay cả ở những tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng thế giới cũng phải vậy. Người mới lên, dù có tài giỏi vẫn cần thời gian để thay đổi, thích nghi và lúc này hoạt động của công ty có thể bị chùng xuống hoặc chững lại.

Minh bạch trở nên xa xỉ

Ngày 10-6, JVC giảm sàn kèm theo những tin đồn liên quan đến hoạt động kinh doanh. Ngày 12-6, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Lê Văn Hướng trong vai trò là đại diện CBTT đã đính chính tin đồn rằng “vẫn hoạt động bình thường”. Ngày 21-6, ông Lê Văn Hướng bị miễn nhiệm cả 2 chức vụ cao nhất tại JVC, đồng thời cũng không còn là người đại diện theo pháp luật của công ty. Ngày 23-6, JVC công bố ông Hướng đang bị tạm giam để điều tra làm rõ sai phạm cá nhân đồng thời cam kết “đảm bảo hoạt động kinh doanh diễn ra bình thường”.

Và ngay lúc này mới thấy vấn đề minh bạch trở nên xa xỉ. Nhìn lại một loạt trường hợp công ty niêm yết có CBCNV hoặc “nguyên CBCNV” sa vòng lao lý sẽ thấy có rất ít trường hợp đảm bảo được tính minh bạch trong hoạt động của mình, đặc biệt là việc CBTT. Đa số trường hợp là che đậy, lấp liếm hay lạc quan tếu, còn tệ hơn là buông xuôi.

NĐT có thể đặt ra các giả thiết như người đứng đầu bị bắt, công ty nháo nhào, đủ thứ chuyện phải lo, nên còn mấy ai quan tâm đến chuyện CBTT? Hay tình hình không thuận lợi, càng công bố càng bất lợi. Thậm chí nếu người đứng đầu công ty lo chuyện quan hệ NĐT và cổ đông (IR) nay đã không còn (bị sa vòng lao lý) sẽ không còn ai có đủ khả năng đảm trách. Chỉ cần một trong những giả thiết này đúng cũng quá đủ để minh chứng cho sự minh bạch nửa vời của một số công ty.

Các cơ quan quản lý ngày một mạnh tay hơn trong việc xử phạt cũng như chặt chẽ hơn trong các quy định liên quan đến chuyện minh bạch. Nhưng cũng không thể “rào” hết toàn bộ trường hợp, kịch bản vi phạm có thể xảy ra để có từng mức xử phạt, hay quy định cụ thể. Và nói một cách thực tế hơn, khi công ty đã buông xuôi, nhiều khi xử phạt cũng không còn mấy tác dụng. Như trường hợp của JVC, công ty này có CBTT nhưng chất lượng thế nào?

2 ngày sau khi CP giảm sàn và có tin đồn mới “đính chính” là “bình thường”. Theo như văn bản CBTT vào ngày 21-6 của JVC, giá thị trường của CP thấp hơn giá trị doanh nghiệp nên công ty xem xét phương án mua CP quỹ. Đây là cách nói “nước đôi”, bởi mới xem xét chứ chưa chắc chắn trong khi những giai đoạn nước sôi lửa bỏng NĐT cần những động thái mạnh mẽ và đáng tin. 

Một doanh nghiệp nếu đẩy mạnh công tác minh bạch thường sẽ CBTT trên nhiều kênh khác nhau chứ không dừng lại ở những văn bản với cơ quan quản lý cho tròn trách nhiệm. Như vậy, dù cơ quan quản lý có chặt chẽ cách mấy cũng phải có sự hợp tác của các công ty thể hiện qua ý thức đối với việc CBTT với 4 tiêu chí chính xác, kịp thời, nhất quán và liên tục.

Tức ngay cả khi công ty có những biến cố tiêu cực nhất việc CBTT vẫn phải được thực thi như bình thường, thậm chí còn tận dụng cơ hội này để chứng minh sự minh bạch của mình. Nhưng để nhận diện được công ty nào có khả năng này không dễ, bởi chuyện minh bạch với một số doanh nghiệp, thậm chí đã niêm yết nhiều năm, mới chỉ mang tính… phổ cập. 

Bắt đáy JVC?

Câu chuyện nhập máy móc y tế cũ không quá xa lạ trong những năm gần đây và thông tin không chính thức trên thị trường cho rằng Chủ tịch HĐQT JVC Lê Văn Hướng đang bị điều tra liên quan đến một trong những vấn đề này. Nếu cơ quan chức năng xác nhận tin đồn trên là thật, tương lai JVC có khả năng sẽ phải gặp khá nhiều khó khăn vì hoạt động chính của JVC là bán máy móc thông qua các hình thức đấu thầu tại các bệnh viện công, tư trên toàn quốc.

Do vậy, sau khi thay đổi chủ tịch, JVC gần như xây dựng lại một bộ máy điều hành mới. Và một khi thương hiệu đã bị ảnh hưởng, ngoài các hợp đồng đã ký, JVC sẽ phải gặp nhiều khó khăn khi đấu thầu các dự án mới, trừ khi thông qua một đơn vị trung gian nào đó. Vì lẽ đó, tiềm năng tăng trưởng sẽ không còn khả quan như trước.

Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), những ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh trong tương lai vẫn khó lường với rất nhiều câu hỏi chưa được giải quyết. Chẳng hạn như đối tác Nhật còn tiếp tục hợp tác? Sự thay đổi ban lãnh đạo sẽ tạo nên những thay đổi gì? Câu chuyện về vị giám đốc cũ có vai trò quan trọng đối với hoạt động của JVC sẽ như thế nào? Do đó, việc xác định mức giá bắt đáy đối với JVC sẽ quay về bài toán xác định giá trị tài sản ròng (tính theo mức độ thu hồi giả định).

Theo số liệu báo cáo tài chính quý I-2015, lượng hàng tồn kho của JVC khá lớn, lên đến 17% tổng tài sản. Tuy nhiên lượng tiền mặt khá nhiều (chiếm 24,5% tổng tài sản) kèm các khoản đầu tư tài chính ngắn và dài hạn đều là tiền gửi ngân hàng (tương đương 14,6% tổng tài sản) là điểm sáng của JVC. Với kịch bản xấu nhất là thanh lý tài sản, ước tính cổ đông JVC có thể nhận lại được khoảng 8.900 đồng/CP. Như vậy, với khối lượng tài sản hiện có, cổ đông JVC có thể tạm yên tâm về việc thu hồi được 8.900 đồng/CP.

NĐT muốn bắt đáy có thể quan sát hành động của các quỹ đầu tư hoặc chính doanh nghiệp. Chẳng hạn như việc mua CP quỹ hay giải trình rõ ràng hơn về tin đồn để có chiến thuật hợp lý. Tính đến phiên giao dịch ngày 24-6, giá thị trường của JVC đã mất khoảng 50% so với giá tham chiếu ngày 10-6.

Hải Hồ

Các tin khác