JVC từ lãi nhẹ thành lỗ nặng

(ĐTTCO) - Chưa kịp hoàn hồn sau hàng loạt sự cố liên quan đến lãnh đạo CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật (JVC), cổ đông của doanh nghiệp này tiếp tục lo lắng với BCTC bán niên soát xét (kết thúc ngày 30-9-2015). Từ con số lãi hơn 4 tỷ đồng trước kiểm toán, JVC bất ngờ lỗ hơn 623 tỷ đồng.

(ĐTTCO) - Chưa kịp hoàn hồn sau hàng loạt sự cố liên quan đến lãnh đạo CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật (JVC), cổ đông của doanh nghiệp này tiếp tục lo lắng với BCTC bán niên soát xét (kết thúc ngày 30-9-2015). Từ con số lãi hơn 4 tỷ đồng trước kiểm toán, JVC bất ngờ lỗ hơn 623 tỷ đồng.  

Nợ khó thu hồi?

Nguyên nhân chính do thay đổi ở khoản mục trích lập dự phòng khiến chi phí quản lý tăng vọt từ 16,27 tỷ đồng lên 623,5 tỷ đồng. JVC ghi nhận khoản lỗ trước và sau thuế lần lượt 620,6 tỷ đồng và 623,5 tỷ đồng. Khoản lỗ này khiến khoản mục lỗ lũy kế chưa phân phối tại thời điểm ngày 30-9-2015 của JVC là 304 tỷ đồng, tương đương 27% vốn điều lệ (1.125 tỷ đồng). Trong khi đầu năm lợi nhuận chưa phân phối của JVC đạt hơn 319 tỷ đồng.

Điều đáng nói ngoài con số thua lỗ, JVC còn phải đón nhận hàng loạt ý kiến “ngoại trừ” của kiểm toán viên (Công ty Kiểm toán KPMG), được đưa ra liên quan đến các khoản phải thu, trả trước người bán và đầu tư tài chính dài hạn. Chẳng hạn, kiểm toán viên nêu rõ về việc nghi ngờ tính hiện hữu, chính xác và khả năng thu hồi của các khoản phải thu khách hàng (gần 76 tỷ đồng) và trả trước cho người bán là các bên liên quan (9,4 tỷ đồng), do không thể thu thập được thư xác nhận của các bên liên quan. Theo ý kiến của kiểm toán viên, tại thời điểm ngày 30-9-2015, ban giám đốc JVC chưa hoàn tất được việc đánh giá khả năng thu hồi của các khoản phải thu khách hàng với các bên thứ 3 và cũng chưa cập nhật dự phòng phải thu khó đòi dựa trên tuổi nợ của các khoản phải thu. Theo kiểm toán viên, nếu cập nhật các khoản này, lỗ lũy kế và lỗ sau thuế sẽ tăng thêm hơn 7,3 tỷ đồng.

Đáng chú ý, JVC ghi nhận khoản trả trước cho một nhà cung cấp để mua máy móc thiết bị phục vụ cho các dự án đầu tư liên kết tại các bệnh viện với giá trị hơn 190 tỷ đồng (các dự án liên kết này đã không còn được tiếp tục thực hiện). Hiện tại, JVC đang trong quá trình đàm phán với nhà cung cấp này để tìm phương án xử lý các đơn đặt hàng và thu hồi các khoản trả trước này. Tuy nhiên, kiểm toán viên đã không nhận được thư xác nhận của nhà cung cấp cho các số dư có liên quan tại ngày 30-9. Tình huống này đã khiến kiểm toán có nghi vấn về khả năng thu hồi khoản trả trước này. Ngoài ra, khả năng thu hồi các khoản đầu tư dài hạn khác với một bên liên quan. Đó là các khoản đầu tư dài hạn khác của JVC, phản ánh vốn góp vào một dự án đầu tư liên kết thiết bị y tế với một bên liên quan có giá trị ghi sổ 110,75 tỷ đồng. Mặc dù, Ban giám đốc JVC đánh giá không có nghi ngờ về khả năng thu hồi, nhưng theo kiểm toán viên có những dấu hiệu của việc không chắc chắn thu hồi được đầy đủ.

NĐT lo lắng

Giải trình về kết luận soát xét ngoại trừ của công ty kiểm toán, ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch HĐQT, cho rằng JVC đã có kế hoạch làm việc với các bệnh viên trong năm 2016 và sẽ thực hiện thanh toán lợi nhuận từ hoạt động liên kết này cho JVC trong năm 2016. Tuy nhiên, ngay khi nhận được văn bản giải trình của JVC, KPMG đã có công văn trả lời. Theo KPMG, kế hoạch làm việc của JVC với các bệnh viện trong năm 2016 là một vấn đề thuộc về tương lai, thực tế chưa xảy ra. Thông tin này hoàn toàn chỉ là thông tin giải trình của Ban giám đốc JVC chứ không phải thông tin xác thực các nguồn độc lập. Do đó, KPMG không thể đưa ra nhận xét gì về giải trình của JVC.

Nhiều NĐT nắm giữ CP JVC như “ngồi trên lửa”.

Nhiều NĐT nắm giữ CP JVC như “ngồi trên lửa”.

Trong khi JVC và KMPG vẫn đang “tranh cãi” về khả năng thu hồi nợ, NĐT đang nắm giữ CP JVC là người chịu thiệt thòi nhiều nhất. Cụ thể, ngay khi thông tin này được công bố, JVC đã bị bán ra rất mạnh. Từ mức giá 5.400 đồng/CP trong phiên giao dịch ngày 7-1 giảm xuống chỉ còn 4.000 đồng/CP trong giao dịch ngày 13-1 (tương đương mức giảm lên đến 26%). Điều đáng nói, áp lực bán ra rất lớn trong khi bên mua không có nên dư bán sàn về cuối phiên luôn đạt trên 1 triệu đơn vị. Nhiều NĐT nắm giữ CP JVC như “ngồi trên lửa” vì muốn cắt lỗ cũng phải tranh thủ đặt lệnh từ tối hôm trước.

Anh Bửu Hoàng, một NĐT tại TPHCM, cho biết đang nắm giữ hơn 10.000 CP JVC với mức giá gần 8.000 đồng/CP. Với mức giá hiện tại của JVC, tài sản của anh Hoàng đã “bốc hơi” hơn 50% nhưng nay muốn bán cắt lỗ cũng rất khó khăn vì không ai còn mặn mà với CP quá nhiều tai tiếng như JVC. Tuy nhiên, anh Hoàng vẫn còn may mắn hơn rất nhiều NĐT còn nắm giữ CP JVC thời điểm trước khi xảy ra sự cố lãnh đạo JVC bị bắt giữa năm 2015. Thời điểm đó, giá CP JVC luôn giao dịch trên mức 20.000 đồng/CP, thậm chí có thời điểm còn vượt mốc 25.000 đồng/CP.

Các tin khác