Một quán karaoke ở quận Bình Tân đóng cửa trả mặt bằng. Ảnh: ĐÔNG SƠN |
Đã sửa chữa cải tạo nhưng chưa được cấp phép
Ông Nguyễn Hữu Xuân, chủ một hệ thống karaoke ở quận 12, cho biết, ông có 3 cơ sở kinh doanh karaoke nhưng 2 cơ sở đang bị đình chỉ hoạt động dù trước đó đã được nghiệm thu về PCCC theo đúng quy định. Việc này gây thiệt hại rất nặng nề cho doanh nghiệp suốt thời gian qua. “Mỗi cơ sở chi tiền thuê mặt bằng 100-200 triệu đồng/tháng, cộng thêm kinh phí duy tu bảo dưỡng trang thiết bị nhưng không thể hoạt động. Nếu thời gian tới đây không được hoạt động trở lại thì doanh nghiệp có nguy cơ phá sản”, ông Xuân nói. Theo ông Xuân, thời điểm xây dựng cơ sở karaoke, ông đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật và đã được nghiệm thu về PCCC.
Trong hoàn cảnh tương tự, ông Huỳnh Văn Cường, chủ hệ thống karaoke Star ở quận Gò Vấp, than thở sau khi bị cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động đã chi hàng tỷ đồng để sửa chữa, cải tạo cơ sở theo quy định, như lắp đặt hệ thống báo cháy, hệ thống thông gió hút khói... Cơ quan chức năng đã đến kiểm tra và không có yêu cầu gì thêm, nhưng đến nay, một số cơ sở của ông vẫn chưa được hoạt động trở lại. “Cả 5 cơ sở đều thuê mặt bằng với giá thấp nhất 135 triệu đồng/tháng, cao nhất 380 triệu đồng/tháng, nếu đóng cửa một thời gian nữa thì chúng tôi không thể cầm cự”, ông Cường lo lắng.
Trong khi đó, chủ một hệ thống karaoke ở quận 10 cho biết, đã tốn cả tỷ đồng để cải tạo hệ thống thông gió, bố trí lối thoát hiểm, đóng kín buồng thang, tháo dỡ đồ trang trí bằng vật liệu dễ cháy… Tuy nhiên, gần nửa năm rồi cơ sở này vẫn chưa được cấp phép hoạt động trở lại. Đến nay, chủ cơ sở đã đóng cửa 2 chi nhánh, còn 2 chi nhánh phải chuyển sang mô hình kinh doanh khác, hoạt động cầm chừng.
Hệ thống karaoke Icool với 18 chi nhánh ở TPHCM cũng đã chi hàng chục tỷ đồng để bảo trì hệ thống, lắp cửa chống cháy, sửa chữa lối thoát hiểm, nhưng đến nay nhiều cơ sở chưa được hoạt động trở lại. Ông Nguyễn Quế Sơn, đại diện chuỗi karaoke Icool, cho biết, doanh nghiệp rất mong cơ quan chức năng tạo điều kiện, xét duyệt, cơ sở nào đạt các yêu cầu thì cho hoạt động trở lại để sớm ổn định.
Theo một số chủ cơ sở karaoke, quy định, hướng dẫn về PCCC liên tục thay đổi, thậm chí có những quy định "tréo ngoe" làm khó doanh nghiệp. Đơn cử, vật liệu bằng inox nhìn bằng mắt thường, bằng cảm quan cũng phân biệt được đó là vật liệu chống cháy, nhưng vẫn bị yêu cầu đưa đi kiểm định.
Trong đợt cao điểm kiểm tra về PCCC với các cơ sở karaoke, quán bar, vũ trường tại TPHCM từ ngày 7-9-2022 đến nay, TP đã kiểm tra và ra 465 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 3,2 tỷ đồng. Trong đó, tạm đình chỉ 173 cơ sở, đình chỉ hoạt động 261 cơ sở, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự 180 cơ sở. Ngoài ra, Công an TPHCM đã kiểm tra đột xuất 43 cơ sở đã tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động và phát hiện 9 cơ sở vẫn lén lút hoạt động.
Chiều 22-3, trở lại karaoke K-T2 (quận 10 - đã bị đình chỉ hoạt động), PV Báo SGGP ghi nhận cơ sở này vẫn hoạt động, có nhân viên giữ xe, đón khách. Khi được hỏi, nhân viên lễ tân cho biết còn nhiều phòng hát, khách có thể hát liền hay đặt cọc để giữ phòng. Tương tự, tại karaoke Fyou IV (đã bị đình chỉ), phóng viên ghi nhận cơ sở vẫn phục vụ khách đến hát.
Tập trung hướng dẫn, hỗ trợ
Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH (PC07, Công an TPHCM) cho biết, trên địa bàn TPHCM có 449 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar. Đến nay còn 396 cơ sở (36 cơ sở giải thể và 17 cơ sở chuyển loại hình khác), trong đó, 343 cơ sở bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, ngừng hoạt động để khắc phục vi phạm. Hiện còn 53 cơ sở karaoke đang hoạt động, trong đó 25 cơ sở cao 1 tầng, 8 cơ sở cao 2 tầng và 14 cơ sở cao từ 3 tầng trở lên.
Công an TPHCM kiểm tra một cơ sở karaoke. Ảnh: CHÍ THẠCH |
Trưởng Phòng PC07 khẳng định, khi bị đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động, các cơ sở đều được hướng dẫn lập hồ sơ thiết kế để thẩm duyệt về PCCC đối với nội dung cải tạo, sửa chữa theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 136/2020. Thời gian qua, có nhiều cơ sở tiến hành cải tạo, sửa chữa, khắc phục tồn tại, nhưng chưa thực hiện lập hồ sơ đề nghị thẩm duyệt theo quy định. Một số trường hợp đã khắc phục nhưng không có hồ sơ thiết kế được duyệt nên chưa khắc phục hết các nội dung tồn tại hoặc khắc phục chưa đảm bảo quy chuẩn.
Ngoài ra, không ít cơ sở, chủ đầu tư còn chây ỳ, không muốn khắc phục, đợi nghe ngóng tình hình, gây sức ép lên cơ quan quản lý hoặc tìm cách lách luật, đối phó, hoạt động "chui”. “Đến nay, chỉ có 58 cơ sở thực hiện lập hồ sơ đề nghị thẩm duyệt cải tạo và chỉ 2 hồ sơ được cấp văn bản thẩm duyệt về PCCC. Đáng chú ý, từ khi bắt đầu thực hiện cao điểm kiểm tra đến nay chưa có cơ sở karaoke nào được nghiệm thu về PCCC”, Đại tá Huỳnh Quang Tâm thông tin.
Để hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho loại hình kinh doanh dịch vụ karaoke, Công an TPHCM đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ có liên quan nâng cao tinh thần trách nhiệm, tập trung hướng dẫn, giải quyết các hồ sơ thẩm duyệt thiết kế PCCC, tạo điều kiện cho các cơ sở này sớm hoạt động trở lại. Trong đó, tập trung hỗ trợ chủ đầu tư có thiện chí, cam kết khắc phục các tồn tại, vi phạm để sớm đi vào hoạt động và hoạt động theo đúng quy định.
Đại tá Huỳnh Quang Tâm nhấn mạnh, Công an TPHCM xác định nhiệm vụ đảm bảo an toàn về PCCC-CNCH, an ninh trật tự đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường là nhiệm vụ quan trọng, liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, an toàn xã hội trên địa bàn. Do đó, phải kiên quyết lập lại trật tự kỷ cương trong việc chấp hành quy định của pháp luật về PCCC-CNCH, tuyệt đối không để cơ sở không đủ điều kiện an toàn về PCCC được phép hoạt động.
Hà Nội: Đề xuất tháo gỡ vướng mắc, bất cập
Tại Hà Nội, có hàng chục cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đang phải treo biển tạm dừng hoạt động vì sửa chữa. Ông Nguyễn Đăng Sỹ, chủ quán karaoke Idol, cho biết, sau thời gian dài đóng cửa vì dịch Covid-19, hầu hết các cơ sở đầu tư nhiều vào thiết bị máy móc, tuy nhiên, hoạt động trở lại chưa được bao lâu đã phải đóng cửa sau đợt tổng kiểm tra xử lý vi phạm về PCCC-CHCN vào tháng 10-2022. Lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm tra cơ sở vật chất và PCCC, nhưng đến nay nhiều cơ sở chưa được phép hoạt động trở lại. Đã có vài chủ quán karaoke phá sản do không chịu nổi áp lực về chi phí đầu tư. Nhiều chủ quán karaoke cho rằng, cơ sở của họ trước đây đã được cơ quan quản lý, chính quyền địa phương cấp phép đầy đủ nên họ có quyền kinh doanh hợp pháp. Tuy nhiên, sau khi các vụ cháy nổ xảy ra, cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra và áp dụng quy định mới, buộc các cơ sở đóng cửa, tạm dừng hoạt động để khắc phục, trong khi tiền thuê nhà, bảo dưỡng thiết bị vẫn phải trả, khiến các chủ cơ sở lao đao.
Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH (Công an TP Hà Nội), cho biết, thành phố hiện có hơn 1.500 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke. Trong đó có 400 cơ sở được cấp phép đầy đủ giấy tờ mà vẫn bị tạm đình chỉ hoạt động. Theo Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, vẫn còn tình trạng các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC trên địa bàn lén lút hoạt động. Tại một số nơi, khi có vi phạm thì lãnh đạo, chỉ huy né tránh, đùn đẩy. Cán bộ cơ sở khi giải quyết công việc nhận định đánh giá qua loa, hướng dẫn chung chung, không đầy đủ, cụ thể cho người dân dẫn đến tình trạng người dân bức xúc, khiếu kiện vượt cấp.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động kinh doanh karaoke trên địa bàn Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở VH-TT Hà Nội chủ trì, phối hợp UBND quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát, đánh giá điều kiện kinh doanh karaoke với các cơ sở đã được cấp phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, báo cáo UBND TP Hà Nội trước ngày 15-4. Đặc biệt, UBND TP Hà Nội cũng vừa có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Công an, Bộ Xây dựng báo cáo và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bất cập đối với cơ sở kinh doanh karaoke liên quan tới công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC và áp dụng các văn bản pháp luật.
NGUYỄN QUỐC