Phong trào đầu tư vào CTCK những năm trước đây đang dần bộc lộ nhiều bất cập, phần lớn CTCK hiện trong tình trạng “sống dở, chết dở” Nếu không tự nhận sai để tái cấu trúc.
Tự tung tự tác
Cách đây 3 năm, UBCKNN từng có kế hoạch đưa tài khoản tiền gửi của NĐT ra khỏi CTCK để NĐT mở tài khoản trực tiếp tại hệ thống ngân hàng thương mại, nhằm bảo vệ tuyệt đối tiền của NĐT, đồng thời ngăn chặn việc chiếm dụng sử dụng không an toàn tiền gửi của NĐT.
Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có khoảng 10% các CTCK thực hiện quy định này, trong khi UBCKNN dường như “lơ” luôn quy định này. Hiệp hội Các NĐT tài chính Việt Nam (VAFI) đã nhiều lần kiến nghị phải thực hiện tách bạch tài khoản nhưng đều bị UBCKNN “bác” do bị lợi ích nhóm chi phối. Cũng chính vì sự hời hợt này dã dẫn đến hàng loạt vi phạm của các CTCK trong thời gian gần đây.
Điển hình là tình trạng một số CTCK mất khả năng thanh toán trong một số giao dịch (không thanh toán đủ tiền mua CK cho khách hàng) và bị Trung tâm Lưu ký CK nhắc nhở công khai.
Điều đáng nói là nhiều trường hợp mất khả năng thanh toán nghiêm trọng đến mức chỉ thiếu hơn 1 tỷ đồng cũng không có khả năng thanh toán cho Trung tâm lưu ký, trong khi vốn pháp định cho hoạt động môi giới CK là 25 tỷ đồng.
Thời gian gần đây lại xuất hiện thêm tình trạng nhiều nhân viên CTCK, thậm chí có những người đang nắm giữ vị trí cao nhất của CTCK đã chiếm dụng vốn của NĐT từ ngân hàng thương mại lên đến hàng trăm tỷ đồng rồi bỏ trốn. Tình hình này đang đe dọa đến khả năng mất tiền của NĐT nhưng đến nay UBCKNN cũng không có giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn tình trạng này.
Nếu như NĐT gởi tiền tiết kiệm vẫn có thể yên tâm tuyệt đối vì Nhà nước có chính sách bảo đảm tiền gửi khi ngân hàng phá sản, tiền gởi của các NĐT tại các CTCK gần như buông lỏng. Rõ ràng tình trạng NĐT bị CTCK hay nhân viên CTCK lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi vẫn chưa ai đứng ra chịu trách nhiệm đền bù tài sản cho NĐT.
![]() |
Tái cơ cấu hệ thống CTCK mới bảo vệ được tài sản của cổ đông và NĐT. Ảnh: LÃ ANH |
Theo nhận định của các chuyên gia, hầu hết các CTCK có thể đáp ứng được quy định tách bạch tài khoản một cách dễ dàng, chỉ có một số ít CTCK không đáp ứng được điều kiện do không hội đủ số vốn pháp định và đương nhiên bị loại bỏ chức năng môi giới.
Tuy nhiên, việc có quá nhiều CTCK dẫn đến chất lượng hoạt động không cao do nguồn nhân lực quản lý bị phân tán, buộc phải cạnh tranh không lành mạnh, cạnh tranh bằng mọi giá để thu hút khách hàng dẫn tới việc tỷ lệ cho vay đầu tư CK quá lớn (có CTCK cho NĐT vay gấp 5 lần vốn tự có). Cạnh tranh cho vay nhiều đã biến TTCK trở thành sòng bạc và hậu quả tất yếu cả NĐT và CTCK đều thua lỗ khi TTCK đi xuống.
Cần mạnh tay
Theo đề án tái cấu trúc TTCK, từ tháng 1-4, UBCKNN sẽ mạnh tay hơn trong việc kiểm soát và phân loại CTCK. Theo đó, UBCKNN sẽ có quyết định đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động đối với các CTCK không khắc phục được tình trạng kiểm soát.
Tuy nhiên, theo phân tích của VAFI, giải pháp này sẽ không phát huy nhiều hiệu quả. Điều cần thiết lúc này là cần “cắt tỉa” bớt các CTCK, nhanh chóng giảm 75% số lượng CTCK nhằm tập trung, sắp xếp lại nguồn nhân lực, loại bỏ tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng cách hoạt động như: giải thể, hợp nhất, sáp nhập. Nếu làm được điều này sẽ góp phần bảo vệ đồng vốn của cổ đông, tạo sự an toàn và lành mạnh cho TTCK.
Giải pháp mạnh tay nữa là Thủ tướng Chính phủ nên có văn bản yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, CTCP nơi Nhà nước đang nắm cổ phần chi phối thực hiện ngay việc giải thể, hợp nhất, sáp nhập hoặc thoái vốn tại các CTCK.
Yêu cầu CTCK phải tăng vốn pháp định theo lộ trình đạt 600 tỷ đồng năm 2013 (hiện nay là 300 tỷ đồng) và 1.200 tỷ đồng vào năm 2015. Bằng các giải pháp trên, sẽ dễ dàng tái cơ cấu hệ thống CTCK, đồng thời tăng sự hấp dẫn cho việc đầu tư từ các CTCK nước ngoài và sẽ bảo vệ được tài sản của cổ đông.
Ngay bản thân các CTCK cần nhận thức rằng từ bỏ lợi ích nhỏ để hướng tới những lợi ích lớn hơn nhằm lấy lại niềm tin của NĐT vào hệ thống CTCK.