Báo cáo của WB nêu bật một số vấn đề tại Việt Nam: hiện trạng phát triển không đồng đều của kết cấu hạ tầng giao thông tại Việt Nam với tình trạng tắc nghẽn tại các cửa khẩu lớn và mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng.
Dòng chảy giao thương của Việt Nam tập trung tại 1/4 tổng số cửa khẩu quốc tế, bao gồm 2 sân bay, 5 cảng biển và 5 cửa khẩu đường bộ. Các cửa khẩu này xử lý tới 86% giá trị thương mại trong năm 2016. Thương mại phát triển cũng đồng nghĩa với tình trạng tắc nghẽn quanh các cửa khẩu quốc tế và các điểm hải quan qua biên giới. Hệ thống giao thông nội địa hiện nay phụ thuộc rất lớn vào vận tải đường bộ, chiếm 3/4 tổng khối lượng hàng hóa. Việt Nam chưa tận dụng được mạng lưới sông ngòi tự nhiên rộng khắp do hệ thống cảng và bến thủy chưa phù hợp để đáp ứng khối lượng hàng hóa lớn hơn. Bên cạnh đó, mạng lưới đường sắt của Việt Nam vẫn còn khá lạc hậu.
“Để kết nối Việt Nam vì phát triển và thịnh vượng chung, cần thực hiện 3 đột phá chiến lược: Khai thác hợp lý kết cấu hạ tầng giao thông và cải thiện công tác phối hợp thay vì cạnh tranh lãng phí giữa các địa phương để sở hữu hạ tầng giao thông; hoàn thiện quy hoạch giao thông và quy hoạch không gian để các chuỗi giá trị quan trọng hỗ trợ nhau tốt hơn nhằm tăng cường kết nối và hội nhập chuỗi giá trị trong nước và quốc tế; cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho các khu vực kém phát triển thông qua kết nối với các trung tâm kinh tế”, ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam, đề xuất.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho rằng, báo cáo được công bố vào thời điểm quan trọng, khi Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đang xây dựng chiến lược phát triển cho 10 năm tới. Đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng đánh giá cao WB tại Việt Nam đã xây dựng báo cáo hết sức công phu và chất lượng, khái quát bức tranh sống động về các vấn đề kết nối tại Việt Nam. Những kết quả công bố này là tư liệu hết sức quý giá để TPHCM nghiên cứu tham khảo trong quá trình hoạch định chính sách, trước hết là xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2045.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, là một đô thị đặc biệt, là trung tâm nhiều mặt của cả nước, TPHCM đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì trên 8%/năm. TP trở thành đầu tàu trong phát triển kinh tế của Việt Nam với đóng góp 21% GDP và gần 28% thu ngân sách cả nước. Về liên kết phát triển, TP cũng đã tiên phong, chủ động tìm tòi nhiều cơ chế chính sách liên kết vùng trên nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung triển khai các chương trình phát triển du lịch, phát triển giao thông liên vùng, đẩy mạnh các hoạt động cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường và xây dựng chuỗi liên kết nông sản thực phẩm theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm… Dù tăng trưởng cao hàng năm, tốc độ quy mô kinh tế TPHCM vẫn còn thấp, vẫn còn khoảng cách khá xa so với các đô thị lớn trong khu vực.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhìn nhận: có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do TPHCM có điểm xuất phát thấp, sự kết nối còn lỏng lẻo, hạ tầng của TP chưa đạt chuẩn, chưa kết nối với hạ tầng khu vực, một số hành lang thương mại quan trọng và một số cửa ngõ đang ngày một tắc nghẽn. Việc tham gia chuỗi giá trị trong nước và quốc tế còn thấp nên cạnh tranh kém ngay cả trên sân nhà. Dịch vụ logistics còn yếu và thiếu, chỉ đáp ứng nhu cầu cấp bách trước mắt, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng hy vọng từ những kinh nghiệm thực tế đã được đúc kết, WB có thể khuyến nghị được cho TPHCM những giải pháp hữu hiệu mang tính căn cơ để khắc phục những tồn tại hạn chế đối với việc kết nối của TP hiện nay.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, hiện nay dư địa tăng trưởng kinh tế TP vẫn còn nhiều, việc tăng trưởng trên 8,5% là hoàn toàn có thể. Với quan điểm TP phát triển sẽ đóng góp nhiều hơn cho cả nước, TPHCM đang kiến nghị Trung ương xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TPHCM trong chiến lược phát triển quốc gia giai đoạn 2021-2030. Với vị thế là một tổ chức tài chính lớn nhất thế giới, TP mong muốn WB đẩy mạnh các hoạt động kết nối để tiếp tục duy trì vị thế đầu tàu kinh tế của TPHCM hiện nay đồng thời hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TPHCM.