Kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm vùng kinh tế phía Nam

(ĐTTCO)-Khó khăn lớn nhất hiện nay là hệ thống phân phối hiện đại có giới hạn về năng lực tiêu thụ nông sản (chỉ có thể đáp ứng khoảng 20% lượng cầu) do tồn tại song song mạng lưới chợ truyền thống.
Kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm vùng kinh tế phía Nam

Thị trường nội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ước có từ 21-22 triệu người tiêu dùng có thu nhập từ mức khá đến cao so với cả nước.

Do đó, kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm là vấn đề quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế, hướng đến sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn và bền vững cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo "Thúc đẩy kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản, thực phẩm và đề xuất chính sách cho các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" do Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 4/6.

Rào cản truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Theo khảo sát của Ban chủ nhiệm Đề án "Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng kinh tế trong điểm phía Nam," khó khăn lớn nhất hiện nay là hệ thống phân phối hiện đại có giới hạn về năng lực tiêu thụ nông sản, thực phẩm (chỉ có thể phân phối đáp ứng cho khoảng 20% lượng cầu) vì còn tồn tại song song mạng lưới chợ truyền thống.

Cùng với đó, hệ thống phân phối hiện đại cũng không thể thu mua 100% sản lượng của đơn vị sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, nên lượng hàng đạt tiêu chuẩn VietGAP tồn đọng phải bán vào mạng lưới chợ truyền thống mà không phân biệt sản phẩm và giá.

Trong khi đó, hợp tác xã chưa đủ năng lực thay thế vai trò của thương lái chưa đủ năng lực để kết nối thị trường vì quy mô và vị thế thị trường nhỏ.

Hợp tác xã thường không đủ khả năng liên kết chuỗi trực tiếp và chặt chẽ với kênh bán lẻ, phổ biến vẫn phải bán hàng thông qua đầu mối cung ứng. Điều này dẫn đến nhà sản xuất dần bỏ hoặc giảm diện tích nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Trần Tiến Khai, đại diện Ban chủ nhiệm Đề án, cho biết đối với hầu hết người sản xuất, giá thu mua sản phẩm tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... chưa hợp lý so với chi phí sản xuất, bảo quản, vận chuyển...

Bên cạnh đó, nhiều cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, đơn vị sản xuất... đều có khó khăn chung về áp dụng quy chuẩn và tiêu chuẩn hướng đến sản xuất, tiêu thụ theo hướng an toàn thực phẩm.

Đơn cử, đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm, vấn đề áp dụng quy chuẩn chăn nuôi an toàn sinh học và tiêu chuẩn VietGAP có hiệu quả hơn khi sản xuất với quy mô lớn.

Những trang trại hoặc doanh nghiệp nông nghiệp có lợi thế vốn và thị trường để đầu tư đạt chuẩn. Tuy nhiên, đối với những hộ gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô nhỏ lẻ, nhất là đối với chăn nuôi gà bán tập trung như gà thả vườn, vịt chạy đồng thường không đủ điều kiện vốn và thị trường để đầu tư đạt tiêu chuẩn.

Mặt khác, một số hợp tác xã khó mở rộng quy mô sản xuất vì nhiều vấn đề khác nhau như gặp thách thức về thị trường và đa dạng hóa kênh tiêu thụ, khó khăn trong phát triển diện tích khi quy mô hợp tác xã có hạn, kiểm soát tuân thủ yêu cầu sản xuất an toàn thực phẩm...

Chính những rào cản này cũng là nguyên nhân khiến đơn vị sản xuất không áp dụng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn và từ đó kéo theo sản phẩm không đủ điều kiện áp dụng truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Dẫn chứng cụ thể, một số chuyên gia cho hay, rào cản tâm lý của người sản xuất mà chủ yếu là nông dân thường chỉ quan tâm đến lợi ích ngắn hạn hơn lợi ích lâu dài và bền vững.

Còn đối với hợp tác xã, thành viên tham gia cũng chưa thấy được lợi ích thật sự của việc hợp tác sản xuất mang lại. Do đó, nông dân chưa hoàn toàn quan tâm đến sản xuất an toàn, vẫn lệ thuộc vào phương thức canh tác nông nghiệp truyền thống và không tích cực ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, hướng đến tiên chuẩn an toàn thực phẩm.

Xây dựng quy hoạch liên vùng

Liên quan đến vấn đề tổ chức thị trường, đại diện nhiều tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cho rằng, xây dựng chợ đầu mối, trung tâm cung ứng nông sản tại địa phương kết hợp với quản lý an toàn thực phẩm từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ là vấn đề cấp bách, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành chú trọng phát triển thị trường bán lẻ ở hệ thống phân phối hiện đại như hệ thống siêu thị, cửa hàng, chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini... để gia tăng mức độ tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn.

Mặt khác, các địa phương sản xuất nên kêu gọi đầu tư, tận dụng nguồn nhân lực hỗ trợ quốc tế và tư nhân để xây dựng hệ thống chợ đầu mối, trung tâm cung ứng nông sản địa phương, sàn giao dịch đấu giá thương mại điện tử cho nông sản kết hợp với quản lý chặt an toàn thực phẩm. Đồng thời, truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại chỗ để bảo đảm an toàn thực phẩm cho hàng hóa trước khi phân phối đến thị trường tiêu thụ ngoài tỉnh.

Còn cơ quan xúc tiến thương mại các tỉnh, thành phát huy vai trò kết nối thị trường giữa nhà sản xuất và nhà thu mua, nhà bán lẻ có áp dụng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm để hỗ trợ tiêu thụ cho những nhà sản xuất.

Ở góc độ địa phương, bà Bùi Thị Thu, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề xuất, cần có chính sách, cơ chế riêng để thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết, xây dựng nhà máy chế biến chuyên sâu nông sản để hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Các tỉnh, thành phải định hướng xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh không trùng lặp, tránh nguồn cung thừa so với nguồn cầu.

Đối với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vùng chuyên chăn nuôi cần sát với tỉnh Đồng Nai, vì tỉnh Đồng Nai là một trong những tỉnh phát triển trọng điểm chăn nuôi sẽ dễ dàng liên kết trong chăn nuôi, giảm chi phí sản xuất, tạo nguồn ra ổn định cho sản phẩm.

Còn bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay trên nền tảng liên kết vùng, quy hoạch sản xuất cấp độ vùng và quy hoạch sản xuất cấp độ vùng, địa phương sản xuất xây dựng đề án đầu tư phát triển cơ sở logistics nông sản thực phẩm ở địa phương sản xuất, kết hợp với hệ thống công nghiệp chế biến thực phẩm hiện đại, kho mát, kho lạnh lưu trữ và phương tiện vận chuyển đạt chuẩn.

Các địa phương phải dựa trên hợp tác liên kết vùng được ký kết, không chỉ giải quyết vấn đề tiêu thụ nội địa, mà còn giải quyết vấn đề xuất khẩu, cùng với đề ra cơ chế chính sách kèm theo để đảm bảo đạt được những mục tiêu của Đề án "Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ nông sản, thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng kinh tế trong điểm phía Nam."

Tại hội thảo, đại diện sở, ngành nhiều địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đồng quan điểm, việc liên kết xây dựng quy hoạch sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nông sản, thực phẩm an toàn cấp độ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ là cơ sở cho tổ chức quy hoạch sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn và thương mại hàng hóa nông sản cho tỉnh, thành.

Qua đó, định hướng mục tiêu, quy mô và tiêu chuẩn sản xuất của hộ gia đình, hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp sản xuất và chế biến nông sản, thực phẩm an toàn.

Các tin khác