Khắc khoải xóm “nhà chồ”

(ĐTTCO)- Thời gian chứng kiến biết bao sự đổi thay của thành phố biển du lịch, thế nhưng xóm “nhà chồ” nằm ven sông Cà Ty thuộc phường Phú Trinh, TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) chẳng thay đổi gì, vẫn hàng trăm căn nhà ọp ẹp, tạm bợ của hơn 300 hộ dân nghèo bám biển mưu sinh.

Xóm “nhà chồ” giữa lòng TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận

Xóm “nhà chồ” giữa lòng TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận

Nghèo dai dẳng

 Băng qua nhiều con hẻm ngoằn ngoèo, sâu hun hút mà 2 người đi ngược chiều phải nghiêng mình mới lách qua được, chúng tôi theo chân ông Lê Văn Xuân, Trưởng khu phố 8, phường Phú Trinh (TP Phan Thiết) tới xóm “nhà chồ”. Ít ai có thể hình dung được, giữa lòng thành phố biển Phan Thiết lại tồn tại một khu dân cư với hàng trăm căn nhà ọp ẹp, tạm bợ nằm chông chênh bên mé sông Cà Ty thơ mộng.

Vừa đặt chân tới xóm, hình ảnh bao nhiêu là rác thải, ruồi, muỗi, chuột… kèm không khí ngột ngạt vì ô nhiễm khiến mọi giác quan của chúng tôi trở nên bấn loạn. Nghe có khách ghé, mặc cho cái nắng giữa trưa như đổ lửa, người dân kéo nhau ra căn chòi sát mé sông, kể cho chúng tôi câu chuyện về phận đời nơi đây. 

Theo những bậc cao niên, xóm “nhà chồ” được hình thành từ rất lâu, có gia đình đã sinh sống qua 4-5 thế hệ. Ngày ấy, đoạn cửa sông Cà Ty đổ ra biển Phan Thiết hải sản nhiều vô kể, người dân tứ xứ kéo nhau về dựng lều, cùng bám víu để mưu sinh. Thời gian sau, số người đến sinh sống ngày càng đông, nhà cửa, lều tạm cứ thế chen nhau mọc lên đông đúc. Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, xóm “nhà chồ” hiện nay có đến hơn 300 hộ dân nhưng vẫn không có sự đổi thay là mấy. 

Câu chuyện về người đàn bà gần 70 tuổi Trần Thị Vui như minh chứng cho sự khó khăn chung của hàng trăm phận đời đang nương náu ven dòng Cà Ty. Chồng mất sớm, bà Vui ở vậy nuôi 6 người con trong căn nhà tạm ven sông vỏn vẹn chừng 60m². Đến khi lần lượt những đứa con trưởng thành, lập gia đình, căn nhà ọp ẹp không thể bao bọc nổi nhiều thế hệ sống chung. Không còn cách nào khác, các con của bà đành phải lấn ra mép sông, xây dựng các căn “nhà chồ” để làm nơi nương náu. “Gọi là nhà vậy thôi, chứ thực ra là căn chòi dựng trên lớp vỏ sò, bốn vách dựng tạm bằng ván gỗ, tôn, nên gọi nhà chồ là vậy”, bà Vui thổn thức.

Không chỉ gia đình bà Vui, hầu như nhà nào cũng thế, lấy vỏ sò, vỏ ốc đổ ra bờ sông để nới rộng không gian, rồi tận dụng mọi thứ có thể để dựng chỗ che mưa, che nắng. Chính sự tạm bợ này, những căn nhà ven sông luôn “run rẩy” mỗi khi có mưa bão, ngập lụt. Trong ký ức của những người dân xóm “nhà chồ”, không biết đã bao lần họ phải tháo chạy mỗi khi trời mưa lũ.

“Có lần lũ kéo về nước tràn lên bờ khiến cả xóm bị ngập, người dân phải kéo nhau đi lánh nạn. Còn khi gió lớn làm nhà cửa rung rinh là chuyện thường ngày”, ông Nguyễn Văn Thường, người dân trong xóm chia sẻ. Chưa hết, riêng vấn đề vệ sinh, sinh hoạt hàng ngày cũng thiếu thốn đủ thứ. “Cả xóm chỉ có một vài nhà có nhà vệ sinh riêng, còn lại thì phải “tự xử”. Ai có nhu cầu “đi nhẹ” thì ra mé sông, còn “đi nặng” thì phải đi nhờ hàng xóm. Nói chung là thiếu thốn trăm bề”, ông Nguyễn Văn Đông, một cư dân trong xóm e ngại cho biết.

“Do hoàn cảnh quá thiếu thốn, lăn lộn với ghe thuyền nên trẻ em trong xóm cũng ít được đi học. Nhiều đứa trẻ đã quá tuổi đến trường nhưng đến nay vẫn chưa biết mặt con chữ”, ông Lê Văn Xuân, Trưởng khu phố 8, phường Phú Trinh, buồn bã.

Như gia đình chị Nguyễn Thị Hường, dù mới hơn 30 tuổi nhưng đã có 4 mặt con, tất cả đều quá tuổi đến trường. Khóe mắt đỏ hoe, chị Hường cho biết, lo từng bữa ăn hàng ngày đã khó nói gì đến chuyện cho tụi nhỏ ăn học. Bởi vậy, dù cố gắng hết mức, người phụ nữ này mới chỉ cho một đứa được đến trường, 3 đứa còn lại phải thất học. 

Quyết tâm xóa xóm “nhà chồ”

Đưa câu chuyện của xóm “nhà chồ” tới gặp ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, chúng tôi nhận được rất nhiều lời chia sẻ của ông. Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận thông tin, sông Cà Ty chảy giữa lòng TP Phan Thiết, tuy nhỏ nhưng tạo nên nét cảnh quan thơ mộng và êm đềm của thành phố biển. Từ xa xưa, sông Cà Ty đã là nơi nhộn nhịp tàu thuyền đi lại, neo đậu nên người dân làm nghề biển chọn 2 bên bờ sông làm nhà cửa để sinh sống, thuận lợi việc đi lại, đánh bắt, mua bán hải sản. Sau hàng chục năm, mật độ nhà cửa ngày càng dày đặc. 

Vấn đề chỉnh trang 2 bên bờ sông, bố trí người dân sống trên các “nhà chồ” đến nơi ở mới khang trang, sạch đẹp hơn là chủ trương của tỉnh Bình Thuận trong nhiều nhiệm kỳ qua. Đến năm 2004, tỉnh đã hoàn thành đoạn từ cửa sông Cà Ty đến cầu Dục Thanh. Tuy nhiên, đoạn từ cầu Dục Thanh đến cầu Cà Ty chưa được thực hiện, dẫn đến tình trạng đổ rác bừa bãi, lấn chiếm bờ sông để dựng “nhà chồ” ngày một gia tăng, đời sống của người dân và mỹ quan đô thị nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hơn thế, hàng trăm hộ dân sống tạm bợ ven sông luôn đối mặt với bao rủi ro về thiên tai, bão lũ, ô nhiễm môi trường.

“Không thể để người dân sống trong điều kiện như vậy mãi, chúng tôi quyết tâm thực hiện dự án cải tạo 2 bên bờ sông Cà Ty. Trước mắt, tỉnh sẽ thực hiện giai đoạn 1, từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm, nơi có hàng trăm hộ dân xóm “nhà chồ” đang sinh sống. Dự án cũng sẽ xây dựng chung cư sông Cà Ty để bố trí tái định cư cho những hộ dân phải di dời nhà cửa trong phạm vi dự án”, ông Dương Văn An nhấn mạnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận xác định đây là dự án công trình trọng điểm cần sớm thực hiện, góp phần cải tạo môi trường, cảnh quan, chỉnh trang đô thị TP Phan Thiết, đồng thời cải thiện điều kiện sống tốt hơn cho người dân trong khu vực dự án. Khi hoàn thành, dự án không chỉ giúp người dân an cư lạc nghiệp mà còn hình thành nên tuyến đường xanh, sạch, đẹp 2 bên bờ sông Cà Ty, tạo điểm nhấn cho TP Phan Thiết.

Đầu năm 2022, các vị lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Thuận đã trực tiếp đi thị sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân xóm “nhà chồ” về việc thực hiện dự án. Khi được hỏi về việc nếu được chuyển đến nơi ở mới khang trang hơn, sạch sẽ hơn thì tất cả người dân trong xóm đều gật đầu đồng ý.

Tuy nhiên, theo Trưởng khu phố Lê Văn Xuân: “Bà con ở đây ai cũng muốn đi đến nơi ở ổn định hơn, nhưng họ cũng mong mỏi chỗ ở mới phải thuận lợi để người dân có thể tiếp tục đi biển. Hầu hết người dân trong xóm đều sống nhờ nghề biển, nên nếu an cư mà không lạc nghiệp được thì cũng rất khó cho bà con”.

Với quyết tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận, như lời ông Dương Văn An khẳng khái khi đề cập đến việc chỉnh trang đô thị: “những hồ sơ, thủ tục nào cần rút gọn thì rút gọn, những nội dung nào cần thực hiện song song thì tiến hành song song, những nội dung nào thực hiện ngay được thì làm ngay, không để chậm trễ”, hy vọng rằng, sẽ không lâu nữa, người dân xóm “nhà chồ” sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn, bộ mặt TP Phan Thiết sẽ văn minh, hiện đại hơn.

Các tin khác