![]() |
Báo cáo đầu tư công nghiệp Việt Nam năm 2011 và Hệ thống theo dõi đầu tư Việt Nam vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch-Đầu tư) và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) chính thức công bố ngày 27-6, đã đề cập đến những vấn đề chính sách quan trọng xung quanh vai trò và tác động của dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Báo cáo cũng giới thiệu một cách khái quát nhưng thấu đáo về hoạt động và hiệu quả kinh tế của khối doanh nghiệp công nghiệp tại Việt Nam.
Mục tiêu căn bản của Hệ thống là hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách, các chủ doanh nghiệp tư nhân có được nền tảng thông tin xác thực làm cơ sở đưa ra các quyết định trong lĩnh vực đầu tư cũng như giám sát và quản lý tốt hơn các dòng đầu tư, tạo ra những tác động dài hạn kích thích đầu tư.
Hệ thống còn có vai trò chắp nối giữa người mua với các nhà cung cấp; tác động tích cực đến quá trình mở rộng và trưởng thành của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, báo cáo nêu trên đã khảo sát, phân tích số liệu được tập hợp từ gần 1.500 doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế (trong đó có 58% là doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại 9 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) về nhiều mặt: tạo việc làm và hình thành kỹ năng cho người lao động; đóng góp vào tổng đầu tư (kết quả và dự báo thời gian tới); các xu hướng trong thương mại quốc tế; so sánh, đối chiếu hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo tỉnh, thành phố; đánh giá các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh… và rút ra nhiều kết luận quan trọng.
Theo đó, trong cơ cấu các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hiện nay có 25% từ lãnh thổ Đài Loan; 23% từ Nhật Bản; 18% từ Hàn Quốc. Tiếp theo trong top 5 là Hoa Kỳ và Singapore (cùng ở mức 5%).
Phương thức thâm nhập thị trường là đầu tư mới hoàn toàn và chủ yếu là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Động cơ đầu tư căn bản có thể phân thành 3 nhóm: tìm kiếm hiệu quả (51%); chiếm lĩnh thị trường nội địa (46%) và tìm kiếm nguồn lực (3%).
Đại đa số nhà đầu tư nước ngoài hướng tới thị trường toàn cầu (66%); tiếp đến là thị trường nội địa (26%) và thị trường khu vực (8%). Về cơ cấu tổ chức của nhà đầu tư, có 69% là công ty xuyên quốc gia và 31% là doanh nhân nước ngoài.
Đáng lưu ý, theo ông Stefan Kratzsch (đại diện UNIDO), so với doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp FDI tuyển dụng nhiều lao động hơn (quy mô tuyển dụng bình quân 800 lao động/doanh nghiệp, so với khối doanh nghiệp tư nhân là 400 lao động và doanh nghiệp nhà nước khoảng 650 lao động), nhưng chủ yếu là lao động lương không cao, kỹ năng tay nghề thấp.
“Đóng góp nhiều hơn cho xuất khẩu, nhưng đồng thời khối FDI cũng nhập khẩu nhiều đầu vào trung gian cho sản xuất; khối lượng xuất khẩu duy trì ở mức cao, nhưng tăng trưởng xuất khẩu đang có xu hướng giảm. Nhìn chung, doanh nghiệp có vốn FDI hoạt động hiệu quả hơn doanh nghiệp trong nước về năng suất lao động và năng suất tổng hợp”, vẫn chuyên gia này nhìn nhận.
Giữa các doanh nghiệp hoạt động trong và ngoài khu công nghiệp có sự khác biệt về hiệu quả kỹ thuật, nhưng lại không có sự khác biệt về năng suất lao động…
Từ báo cáo, nhiều khuyến nghị đã được các chuyên gia nêu ra, bao gồm việc đánh giá mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu; tập trung phát triển nguồn nhân lực và hình thành kỹ năng; đánh giá các ưu đãi đầu tư và chính sách đối với khu công nghiệp.
Đặc biệt, trong đó nhấn mạnh yêu cầu nâng cấp mạng lưới điện và cơ sở hạ tầng; khắc phục khiếm khuyết về môi trường kinh doanh và hợp lý hóa nhiều quy định còn chưa rõ ràng. Bên cạnh đó là việc phát triển công nghiệp phụ trợ; hỗ trợ nhiều hơn cho các liên doanh; xúc tiến thu hút FDI thông qua mua lại và sáp nhập.