Theo khảo sát của phóng viên, trong tháng 6 này, hàng loạt khách sạn khu vực phố cổ của Hà Nội được rao bán trên các kênh mua bán bất động sản. Đa số khách sạn khu vực "vàng" này có giá rao bán từ vài chục tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng.
Đơn cử, một khách sạn 4 sao trên phố Mã Mây, quận Hoàn Kiếm có diện tích 327m2, được xây dựng 8 tầng nổi và 2 tầng hầm, gồm 66 phòng kinh doanh… được rao bán với giá 520 tỷ đồng, tương đương 1,6 tỷ đồng/m2.
Tương tự, một khách sạn khác ở phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm cũng đang được rao bán với giá 497 tỷ đồng. Theo thông tin rao bán, khách sạn này có diện tích 348m2, được xây dựng 13 tầng, gồm 90 phòng đẳng cấp tiêu chuẩn 5 sao. Ngoài thông tin "sổ đỏ chính chủ", người đăng thông tin rao bán còn cho hay, doanh thu của khách sạn là 3,5 tỷ đồng/tháng.
Nhiều thông tin rao bán khách sạn ở phố cổ Hà Nội với giá hàng trăm tỷ đồng (Ảnh chụp màn hình: Hà Phong).
Khảo sát cho thấy tại nhiều tuyến phố như Hàng Gai, Hàng Buồm, Hàng Bồ… cũng xuất hiện nhiều khách sạn có giá rao bán từ 800 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/m2.
Anh Trần Văn Thắng - một môi giới bất động sản tại quận Hoàn Kiếm - cho hay, chủ đầu tư rao bán khách sạn chủ yếu do gặp khó khăn tài chính. Chi phí lãi vay tăng, trong khi hoạt động không đủ công suất, thu không đủ chi.
Tuy nhiên, anh Thắng cũng thừa nhận, mức giá chào bán này còn quá cao nên hiếm có giao dịch thành công. Không ít chủ khách sạn đã điều chỉnh mức giá thấp dần, nhưng thực tế giai đoạn kinh tế suy giảm này, cũng rất khó tìm được người mua.
Còn theo một quản lý khách sạn ở phố Hàng Bông, hiện công suất phòng tại khách sạn của anh chỉ đạt 40-50%, cuối tuần khoảng 60%. Nguyên nhân là lượng khách du lịch vẫn chưa hồi phục được so với thời điểm trước dịch. Bên cạnh đó, kinh tế khó khăn khiến du khách cũng thắt chặt chi tiêu, nên giảm nhu cầu đi du lịch.
Còn theo nhiều chuyên gia bất động sản, sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19, nhiều chủ sở hữu khách sạn đã gặp khó khăn về dòng tiền. Bước sang năm 2023, hoạt động kinh doanh, nghỉ dưỡng cũng khôi phục chậm do du khách có xu hướng tiết kiệm chi tiêu, điều này làm gia tăng áp lực trong việc duy trì hoạt động vận hành khách sạn, đặc biệt với các chủ đầu tư vừa và nhỏ.
Thực tế, không chỉ khách sạn ở phố cổ Hà Nội, nhiều khách sạn ở trung tâm TP Đà Nẵng nằm trên tuyến đường ven biển quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn đang được rao bán rầm rộ thời gian qua.
Trên các website mua bán, từ đầu tháng 4 đến nay có hàng trăm lượt rao bán khách sạn, hầu hết là các khách sạn từ 4 sao trở xuống, mức giá dao động từ 30 tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng.
Trước tình trạng khách sạn đang được rao bán ngày càng nhiều, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội - nhận định, các khách sạn đang rao bán, chuyển nhượng hầu hết thuộc đầu tư cá nhân, đây là những đối tượng đầu tiên rơi vào khủng hoảng trong giai đoạn trong và sau dịch Covid-19 do du lịch bị hạn chế và gặp sức ép lãi vay.
Thêm vào đó, phân khúc sản phẩm này cũng gặp cạnh tranh với các sản phẩm chất lượng cao từ các nhà phát triển và điều hành chuyên nghiệp trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, đây có thể xem là cơ hội cho người mua. Họ có thể cân nhắc kế hoạch cụ thể về quy hoạch và phát triển các dự án này, đáp ứng được xu hướng khách du lịch chất lượng cao hơn và bền vững hơn.
Theo thống kê của UBND TP Hà Nội, tính riêng tháng 5, Hà Nội đón hơn 2 triệu lượt khách, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên lượng khách trong tháng lại giảm 8% so với tháng trước, doanh thu ước đạt 7.260 tỷ đồng.
Hà Nội có 3.756 cơ sở lưu trú với 70.218 phòng. Trong đó, 603 khách sạn đã được xếp hạng 1 - 5 sao. Song, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1 - 5 sao ước chỉ đạt khoảng 60%, dù đã tăng mạnh 32,6% so với cùng kỳ năm 2022.