Thế nhưng, trên thực tế, việc lập đề án gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình thẩm định, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng TSC.
Nhà Thiếu nhi quận 6 là một trong hai đơn vị sự nghiệp công lập có đề án được thông qua để trình thẩm định, phê duyệt vào mục đích kinh doanh
Cần hướng dẫn, hỗ trợ lập đề án
Liên đoàn Lao động TPHCM thống kê 22 ĐVSNCL có nhu cầu sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết (gọi chung là cho thuê). Các đề án trên do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thẩm định, phê duyệt. Tuy nhiên, trong số này, chỉ có Cung Văn hóa Lao động TPHCM đủ điều kiện lập đề án, các đơn vị còn lại đang bị vướng thủ tục. Tương tự, quận Bình Tân thống kê có đến 72 ĐVSNCL lập đề án nhưng chưa được phê duyệt, trong đó 40 đơn vị thuộc lĩnh vực giáo dục có nhu cầu cho thuê mở căn tin, bãi giữ xe. Tại quận 6, hiện nay chỉ mới thông qua 2/39 đề án để trình lên cấp thành phố phê duyệt. Các đề án còn lại, quận phải trả về để các đơn vị bổ sung, hoàn thiện. Từng có đến 18 đề án bị trả về để bổ sung, Sở VH-TT TPHCM cũng đang chờ UBND TPHCM phê duyệt các đề án này.
Theo Luật Quản lý, sử dụng TSC năm 2017 và Nghị định số 151 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật này, các ĐVSNCL có nhu cầu sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải lập đề án theo mẫu số 2/TSC-ĐA ban hành kèm nghị định. Hầu hết các đề án mà Sở Tài chính TPHCM trả về để bổ sung, điều chỉnh là do không đáp ứng đủ tiêu chí theo mẫu số 2/TSC-ĐA. Vì vậy, các ĐVSNCL rất cần sự hướng dẫn, hỗ trợ cụ thể từ các sở, ban ngành liên quan ngay từ giai đoạn ban đầu lập đề án.
Ông Đoàn Quang Luân, Trưởng Phòng Tài chính kế hoạch quận 6, cho rằng, xây dựng đề án theo mẫu số 2/TSC-ĐA ban hành kèm theo Nghị định 151 của Chính phủ khó đạt đủ các tiêu chí bởi có nhiều nội dung liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực cần phải có ý kiến, thẩm định. Cụ thể, nội dung trong đề án có liên quan đến các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, trong đó các nội dung thuế, tiền thuê đất phải nộp… thuộc lĩnh vực cơ quan thuế, tài nguyên và môi trường; quy hoạch sử dụng đất thuộc lĩnh vực quy hoạch; giá trị thương hiệu thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ; cải tạo, sửa chữa, xây dựng thuộc lĩnh vực xây dựng… Tại quận 6 đã thành lập tổ công tác gồm nhiều cơ quan chuyên môn trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn các ĐVSNCL, trong đó có phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục, pháp lý trong việc lập đề án.
Hiện TPHCM có 1.888 ĐVSNCL với nhiều mô hình, lĩnh vực hoạt động khác nhau. Trong đó, cấp thành phố có 386 đơn vị; cấp quận, huyện và TP Thủ Đức có 1.502 đơn vị. Phần lớn các ĐVSNCL đều có nhu cầu sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê như dịch vụ mở căn tin, bãi giữ xe và các dịch vụ khác phục vụ nhu cầu về y tế, giáo dục, thể thao, vui chơi, giải trí… của người dân. |
Tránh lãng phí
Theo quy định, ĐVSNCL chưa được phê duyệt đề án phải ngưng cho thuê đến khi đề án được phê duyệt. Tuy nhiên, quá trình lập, thẩm định, phê duyệt đề án mất nhiều thời gian. Nhiều ĐVSNCL cho rằng, trong khoảng thời gian này TSC sẽ bị bỏ trống, không khai thác, dẫn đến tình trạng lãng phí, các đơn vị mất nguồn thu để duy trì hoạt động. Do đó, trong quá trình đề án được xây dựng, cần tạm cho phép các ĐVSNCL duy trì khai thác, sử dụng TSC theo hiện trạng.
Ông Cao Xuân Dương, Trưởng Ban Tài chính Liên đoàn Lao động TPHCM, cho biết, hiện nay khoảng 2/3 ĐVSNCL của Liên đoàn Lao động TPHCM vẫn phải cấp bù kinh phí chi thường xuyên để duy trì hoạt động, bởi không thể vận hành cho thuê do vướng nhiều quy định. Trước tình hình đó, các ĐVSNCL thuộc Liên đoàn Lao động TPHCM hoạt động theo mô hình “tự vận hành” đối với các đơn vị không đủ điều kiện lập đề án, trên nguyên tắc hoạt động đúng chức năng nhiệm vụ để duy trì nguồn thu phục vụ hoạt động của đơn vị.
Cung Văn hóa Lao động TPHCM là đơn vị đủ điều kiện lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Ảnh: VIỆT DŨNG
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND quận 6 Lê Thị Thanh Thảo kiến nghị, tạm giao các ĐVSNCL tiếp tục cho thuê TSC theo hiện trạng thực tế đang khai thác phù hợp với phương án tự chủ, theo phương thức đấu giá ngắn hạn không quá 1 năm.
Ngoài ra, giá thu từ các dịch vụ thiết yếu như cho thuê căn tin, bãi giữ xe trong trường học, các chợ và công viên không thể tăng, vì vậy nguồn thu từ các dịch vụ này không cao. Do đó, việc tính tiền thuê đất vào giá thuê các mặt bằng là TSC vào mục đích trên sẽ rất khó tìm đối tác tham gia, ảnh hưởng đến các hoạt động bổ trợ cần thiết cho các ĐVSNCL. Từ đó, quận 6 đề xuất không tính tiền thuê đất đối với hoạt động bổ trợ của các ĐVSNCL, hoặc cần có lộ trình và hệ số tính tiền thuê đất phù hợp cho từng đơn vị.
Theo Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền, đến nay huyện Củ Chi đã nhận 43/71 đề án của các ĐVSNCL trên địa bàn huyện gửi về. Trong khi chờ UBND TPHCM phê duyệt đề án, huyện Củ Chi kiến nghị Sở Tài chính TPHCM, UBND TPHCM cho phép các ĐVSNCL trên địa bàn huyện tiếp tục sử dụng mặt bằng vào mục đích cho thuê. Đồng thời, Sở Tài chính và UBND TPHCM cần có hướng dẫn xử lý số tiền thu được từ nguồn thu mặt bằng cho thuê không đúng quy định tại các ĐVSNCL.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM PHAN THỊ THẮNG: Trên thực tế, số lượng ĐVSNCL tại TPHCM rất lớn, việc xem xét, thẩm định, có ý kiến và phê duyệt từng đề án theo quy định mất rất nhiều thời gian và không kịp thời, tạo áp lực rất lớn đối với thành phố. Thời gian qua, TPHCM chỉ mới phê duyệt được 1 đề án và đang xem xét, phê duyệt vài đề án khác trong số 500 đề án trình lên. Để giải quyết tình trạng này, TPHCM đã có văn bản báo cáo, kiến nghị Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn. Ngoài ra, TPHCM kiến nghị cần thiết sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để phù hợp với tình hình thực tế. Trong thời gian chờ, TPHCM kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ xem xét, cho phép việc “Chủ tịch UBND TPHCM ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan chuyên môn và Chủ tịch UBND quận, huyện và TP Thủ Đức phê duyệt đề án sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê tại ĐVSNCL” theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, UBND TPHCM kiến nghị, đối với việc sử dụng TSC vào mục đích làm căn tin, bãi giữ xe, giao thủ trưởng các ĐVSNCL chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, sử dụng TSC để thực hiện hoạt động phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị đó. Đối với đề án sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê (trừ căn tin, bãi giữ xe), chủ tịch UBND cấp huyện, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt đề án sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê tại ĐVSNCL thuộc phạm vi quản lý. Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM VĂN THỊ BẠCH TUYẾT: Vừa qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đã giám sát một số sở, ban ngành, địa phương về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại TPHCM. Qua giám sát, việc lập đề án sử dụng TSC vào mục đích cho thuê ở các ĐVSNCL còn gặp nhiều khó khăn, khó thực hiện. Phần lớn các ĐVSNCL có nhu cầu cho thuê mặt bằng để làm căn tin, bãi giữ xe, tuy nhiên do nguồn kinh phí và nhân lực của đơn vị hạn chế nên không thể tự vận hành. Một số đơn vị chưa được phê duyệt đề án cũng ngưng cho thuê, có đơn vị giảm đến 30% nguồn thu, không đảm bảo nguồn thu duy trì hoạt động. Trước thực tế trên, Đoàn ĐBQH TPHCM đề nghị UBND TPHCM quan tâm, quyết liệt chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan tích cực hướng dẫn, hỗ trợ để các ĐVSNCL hoàn chỉnh đề án; đồng thời sớm phê duyệt các đề án để không lãng phí, duy trì nguồn thu và giúp các đơn vị này nâng cao chất lượng phục vụ người dân tốt hơn. Cùng với đó, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng TSC năm 2017. Ngoài ra, đối với việc mở căn tin và bãi giữ xe, Đoàn ĐBQH TPHCM đề nghị nghiên cứu áp dụng quy định phù hợp, dễ thực hiện. Bởi lẽ, một trường học muốn cho thuê mở căn tin và bãi giữ xe mà phải thực hiện rất nhiều việc trong quá trình từ lập đề án đến trình Chủ tịch UBND TPHCM phê duyệt thì không phù hợp thực tế ở một thành phố lớn. |