Gỡ “cửa ải” kẹt xe
Có thể nói, tuyến quốc lộ 1A - xa lộ Hà Nội qua TPHCM có mật độ xe lưu thông vào loại lớn nhất nước. Xe đò vận chuyển hành khách từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào TPHCM, xe chở hàng từ các khu công nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu ra vào cảng Cát Lái, cảng Sài Gòn... khiến tuyến đường này luôn trong tình trạng quá tải.
Các cơ quan chức năng thống kê trung bình mỗi ngày có hơn 100.000 xe lưu thông qua đây, lượng hàng hóa được vận chuyển qua tuyến đường này chiếm hơn 40% khối lượng hàng hóa được vận chuyển của cả nước. Tình trạng kẹt xe ở khu vực trước cổng Khu du lịch Suối Tiên đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân, nhất là những ngày cuối tuần và lễ, tết.
Nút giao Đại học Quốc gia mới thông xe tạo đi lại thuận lợi hơn cho người dân. Ảnh: CAO THĂNG
Nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc giao thông cửa ngõ phía Đông, thành phố đã đầu tư xây dựng nút giao thông Đại học Quốc gia TPHCM. Đây là hạng mục thuộc dự án mở rộng xa lộ Hà Nội - có chiều dài hơn 1,8km, bắt đầu từ cổng Khu du lịch Suối Tiên đến cây xăng Bình Thắng, nằm trên địa bàn quận 9, Thủ Đức (TPHCM) và thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương).
Dự án được khởi công từ năm 2016, với tổng kinh phí hơn 3.640 tỷ đồng. Việc đưa công trình vào sử dụng sẽ nâng diện tích đường lên gấp 4 lần, cùng với 2 cầu quay đầu, giúp các phương tiện thoát nhanh khỏi nút giao.
Ở cửa ngõ phía Tây Bắc, dự án hầm chui An Sương đã được khởi công vào tháng 1-2017. Hiện đường hầm nhánh thứ nhất N1, hướng từ đường Trường Chinh đi quốc lộ 22 đã đưa vào khai thác.
Thời gian qua, do chưa hoàn thành toàn bộ dự án nên tạm thời chỉ tổ chức lưu thông một chiều cho các loại ô tô (trừ xe quá khổ), ngoài ra cấm các phương tiện khác lưu thông qua hầm. Hiện nhà thầu tiếp tục thi công hầm N2, hướng từ Tây Ninh vào TPHCM.
Dự án hầm chui An Sương có tổng mức đầu tư 514 tỷ đồng, là nút giao thông 3 tầng. Sau khi hoàn thành, mỗi hầm có 2 làn xe lưu thông, sẽ giảm bớt ùn tắc qua nút giao này, giúp việc giao thương của TPHCM và các tỉnh miền Đông được thuận lợi hơn.
Hạ nhiệt các điểm nóng ùn tắc
Thời gian tới, thành phố sẽ triển khai hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm để giải tỏa áp lực giao thông tại các điểm nóng ùn tắc. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố (Ban QLDA) được giao đầu tư xây dựng hàng trăm công trình.
Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng thường xuyên xảy ra tại nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó Giám đốc Ban QLDA, cho biết đang chờ Sở GTVT phê duyệt phương án xây dựng nút giao này. Dự án nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ có tổng vốn đầu tư hơn 830 tỷ đồng, đã được UBND TP duyệt phương án cấp vốn.
Theo thiết kế, dự án sẽ xây đảo tròn trung tâm (đường kính 60m) và 2 hầm chui cùng các nhánh trên đường Nguyễn Văn Linh. 2 hầm chui sẽ đi ngầm qua khu vực nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, dài khoảng 480m.
Trong đó, hầm kín chui dưới giao lộ đường Nguyễn Văn Linh với đường Nguyễn Hữu Thọ, dài khoảng 80m; hầm hở phía Khu chế xuất Tân Thuận dài khoảng 200m, phía quốc lộ 1A dài khoảng 200m. Bề rộng trong hầm đảm bảo cho 3 làn xe lưu thông với tốc độ 60km/giờ. Tĩnh không thông xe dưới hầm 4,75m và chịu được động đất cấp 7.
Cạnh đó, dự án sẽ lắp đặt hệ thống thoát nước, hệ thống phòng cháy chữa cháy trong hầm kín, hệ thống chiếu sáng… Dự án dự kiến khởi công đầu năm 2020 và hoàn thành vào năm 2022.
Không chỉ làm các hầm chui, TPHCM còn nâng cấp mở rộng hàng loạt cầu, đường nhằm tăng diện tích giúp phương tiện lưu thông thông thoáng hơn. Cụ thể, công trình cải tạo cầu Phạm Văn Chí (quận 6), cầu kênh Tẻ (nối quận 4 với quận 7), cầu Chữ Y, cầu Nguyễn Tri Phương (nối quận 5 với quận 8), cầu Tân Kỳ - Tân Quý (nối quận Tân Phú với quận Bình Tân)… |
Dự án xây cầu vượt trước Bến xe miền Đông mới (quận 9) sẽ tổ chức đấu thầu và khởi công ngay trong năm 2020. Dự án này có tổng mức đầu tư 437,1 tỷ đồng, bao gồm xây cầu vượt số 3 (vượt tuyến chính quốc lộ 1) gồm 3 làn xe (sát bên cầu vượt số 2 của nút giao Đại học Quốc gia TPHCM), để tổ chức cho các dòng xe từ hướng Đồng Nai vào Bến xe miền Đông; xây cầu vượt số 4 (vượt tuyến chính quốc lộ 1) gồm 3 làn xe, để tổ chức cho các dòng xe từ Bến xe miền Đông mới rẽ trái quay đầu về hướng trung tâm TPHCM và về Bình Dương.
Dự án còn xây dựng 2 đường chui: đường trên phần đường song hành bên phải quốc lộ 1 cho xe 2 bánh đi thẳng về hướng Đồng Nai; đường trên phần đường song hành bên trái quốc lộ 1 cho xe 2 bánh đi thẳng về hướng TPHCM. Bên cạnh đó, một cầu bộ hành vượt qua xa lộ Hà Nội tại gần vị trí ga metro Bến xe miền Đông cũng sẽ được xây dựng nhằm đảm bảo an toàn, tạo điều kiện tốt nhất kết nối hành khách từ ga metro đi vào khu vực bến xe.
Ngoài 2 dự án trên, Ban QLDA cũng đã lên phương án đầu tư 6 dự án mở rộng các đường phía cửa ngõ thành phố, bao gồm mở rộng các quốc lộ 1, 13, 22, 50, xây dựng nút giao An Phú, cầu đường Nguyễn Khoái kết nối khu Nam Sài Gòn với trung tâm TPHCM…
Với hàng loạt dự án đã và sẽ triển khai, người dân thành phố hy vọng thời gian tới tình hình giao thông tại những điểm nóng về ùn tắc sẽ được khơi thông.