Khán giả cần tỉnh táo khi xem các chương trình giải trí trên truyền hình

(ĐTTCO) - Đã thành 'quy luật', màn kết của hầu hết các chương trình truyền hình thực tế tại Việt Nam đều là những cuộc tranh cãi, dù ai cũng biết, đôi khi nó đã nằm trong sự toan tính của chính những người tổ chức.
Khán giả cần tỉnh táo khi xem các chương trình giải trí trên truyền hình

The Face Vietnam (Gương mặt người mẫu Việt Nam) 2023 đã khép lại vào trung tuần tháng 8. Ngôi vị quán quân đã được xác định và lập tức tạo nên cuộc tranh cãi về sự công bằng, minh bạch từ chính những người trong cuộc - huấn luyện viên của các thí sinh.

Hiển nhiên, ai cũng có lý lẽ để bảo vệ và tin rằng học trò của mình là người xứng đáng nhất, nhưng cách họ biểu đạt càng châm thêm dầu vào lửa. Sau đó, chính người đứng đầu chương trình lại thêm một lần “tiếp lửa”, đẩy nhiệt độ tăng cao thậm chí chuyển thành sự tranh cãi.

Điều đáng buồn là lẽ ra chính những thí sinh đạt giải sau hành trình dài phấn đấu mới phải là tâm điểm, thì nay họ đã bị “quên lãng” bởi những cuộc tranh cãi chiếm hết sự chú ý của dư luận.

The Face Vietnam 2023 cũng không phải là chương trình duy nhất tạo dư luận như thế. Không riêng gì ở mảng các chương trình liên quan đến lĩnh vực người mẫu, nhiều gameshow, chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam hiện nay ngay từ giai đoạn phát sóng đã cố tình dùng nhiều chiêu trò khác nhau nhằm tạo sự chú ý của khán giả.

Bản thân The Face Vietnam cũng từng là chủ đề gây tranh cãi bởi phát ngôn, đấu khẩu của chính các huấn luyện viên trong vòng lựa chọn thí sinh, khiến tính chuyên môn bị lu mờ. Và dĩ nhiên, khán giả rất dễ dàng bị cuốn vào vòng xoáy ấy. Ở phương diện này, đơn vị tổ chức đã thành công, đạt mục đích.

Có một điều ai cũng biết là bất cứ chương trình truyền hình thực tế nào tại Việt Nam dù đơn vị tổ chức có tôn trọng tính thực tế đến đâu vẫn luôn có sự sắp đặt, nhất là với các chương trình được ghi hình, phát lại. Nó cũng là yếu tố đảm bảo để chương trình vận hành theo đúng đường dây kịch bản, nằm trong sự kiểm soát của đơn vị tổ chức.

Hơn thế, người chiến thắng chưa hẳn là người giỏi nhất, vì nó còn bao gồm cả yếu tố may mắn. Cũng không có gì bảo chứng, sau cuộc thi người đứng đầu cũng sẽ là người tỏa sáng và thành công nh Thực tế từ nhiều cuộc thi trước đây đã chứng minh điều đó. Giải thưởng là bàn đạp với những người trẻ mới bước vào nghề. Nhưng để đi đường dài, cần rất nhiều sự khổ luyện, định hướng phát triển phù hợp để bứt phá.

Vậy nên, xét cho cùng, xem các chương trình giải trí, khán giả cũng luôn cần sự tỉnh táo để không “sập bẫy” và bị cuốn vào những cuộc tranh luận vô ích. Mà đã là giải trí, thấy vui thì xem tiếp, còn không luôn có vô vàn lựa chọn khác.

Các tin khác