Khát vọng doanh nhân luôn bùng cháy

(ĐTTCO) - Ở giai đoạn đất nước bắt đầu mở cửa, mọi thứ còn rất thiếu thốn, đã xuất hiện lứa doanh nhân đầu tiên đầy nghị lực. Đến nay họ đã bước qua bao thăng trầm để hiện thực hóa khát vọng của mình, xây dựng sản phẩm Việt, thương hiệu Việt.

Khát vọng doanh nhân luôn bùng cháy

Những viên gạch đầu tiên

“Hai chỉ vàng và chiếc xe đạp cà tàng” đã trở thành câu chuyện khởi nghiệp nổi tiếng của ông Cổ Gia Thọ, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Long. Ông Thọ bước vào con đường kinh doanh từ năm 1981 với việc bán bút bi dạo, và đó cũng được xem là bước mở đầu cho hành trình hơn 40 năm gắn bó với cây bút bi của ông.

Trong cuốn sách “Đối thoại với những người tiên phong” của Nhà báo Vũ Kim Hạnh, ông Thọ chia sẻ lý do vì sao ông lại chọn bút bi để khởi nghiệp. “Thời điểm đó, tôi đi khắp các nơi ở Sài Gòn, đặc biệt là khu vực gần các cổng trường thấy có dịch vụ bơm mực bút bi, thấy như vậy rất bất tiện.

Sau khi tìm hiểu, thấy cây bút bi hay bị chảy mực khi ghim vào túi. Đó là yếu điểm của việc bơm mực lần 2. Vì bơm mực lần 2 bắt buộc phải lấy đầu viết ra rồi bơm mực, như vậy sẽ tạo ra khe hở giữa kim loại (đầu bút) và phần ruột nhựa, từ đó mực sẽ chảy ra”- ông chia sẻ đây là lý do để khởi nghiệp cho cây bút bi thương hiệu Thiên Long.

Hơn nữa, thời điểm ấy ngành này đầu tư vốn nhẹ hơn so với các ngành khác, chỉ cần có một số cơ sở nhỏ lẻ làm gia công cán nhựa, ống nhựa, đầu viết có sẵn nên chỉ việc mua về lắp ráp, bơm mực vào. Xưởng sản xuất nhỏ với 20 công nhân đã ra đời từ đó.

Chính cái sự thiếu thốn những nhu yếu phẩm thiết yếu thời những năm 1980-1990, đã tạo nên nhiều thương hiệu Việt. Như nước rửa chén Mỹ Hảo của ông Lương Vạn Vinh cũng là một trong số đó. Thời điểm năm 1989, khi hầu hết các gia đình đều rửa bát bằng xà bông, thì sản phẩm nước rửa bát Mỹ Hảo với giá 2.000 đồng/chai 600ml được rất nhiều người ưa thích và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.

Thế nhưng, câu chuyện được nhiều người cả trong và ngoài giới kinh doanh nhắc đến nhiều nhất khi nói về ông Vinh, là lời từ chối bán lại thương hiệu cách đây gần 3 thập niên. Đó là vào năm 1998, Unilever đã đưa ra mức giá 10 triệu USD, rồi sau đó nâng lên 30 triệu USD để mua lại thương hiệu Mỹ Hảo, nhưng ông Vinh đều từ chối.

Lý do muốn giữ lại thương hiệu Việt, và quan trọng hơn để người tiêu dùng nhất là người thu nhập thấp có thể mua hàng chất lượng với giá rẻ. Tất nhiên cái giá của sự từ chối là cuộc cạnh tranh khốc liệt với “người khổng lồ”, và sự lao dốc mạnh của thị phần các sản phẩm Mỹ Hảo trên thị trường giai đoạn vài năm sau đó.

Chính ngọn lửa đam mê của lứa doanh nhân ấy, những câu chuyện khởi nghiệp nhiều gian nan thuở ban đầu đã thắp sáng cho nhiều thế hệ doanh nhân tiếp theo. Để rồi từ một cộng đồng doanh nhân nhỏ, đến nay Việt Nam đã có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn, khẳng định được vị thế cả trong và ngoài nước.

Vậy bí quyết gì đã giúp ông Vinh và Mỹ Hảo trụ vững đến hôm nay? Tất cả chỉ gói gọn trong ba từ được ông Vinh chia sẻ khá nhiều lần đó là “đi thị trường”.

Đi để xây dựng hệ thống phân phối khắp các ngõ ngách, các vùng miền trên cả nước, đi để hiểu người tiêu dùng đang thực sự cần gì. Cũng nhờ hiểu người tiêu dùng, Mỹ Hảo đã sớm cho ra đời sản phẩm gói nước xả một lần rất được ưa chuộng.

Thậm chí đến tận bây giờ, người thuyền trưởng Lương Vạn Vinh ấy vẫn còn miệt mài với những chuyến đi thị trường, thế nên người ta mới gọi ông là ông “vua thị trường”.

Nhắc đến sản phẩm “xuất khẩu nhiều qua đường xách tay”, hẳn nhiều người sẽ nhắc ngay đến Kềm Nghĩa của ông Nguyễn Minh Tuấn. Một sản phẩm nhỏ nhưng tự tin khắc lên dòng chữ “made in Vietnam”, không chỉ khẳng định được thương hiệu với người tiêu dùng trong nước, mà còn theo chân kiều bào qua Mỹ với số lượng khủng, chinh phục người tiêu dùng ở rất nhiều thị trường trên thế giới. Kềm Nghĩa từng đạt kỷ lục Guiness về nhà máy sản xuất kiềm và dụng cụ chăm sóc móng lớn nhất Việt Nam và Đông Dương năm 2016.

Ông Tuấn bén duyên với những chiếc kềm từ những năm 1980. Lúc đó xuất phát điểm của ông chỉ là một anh thợ mài kềm ở góc nhỏ chợ Bến Thành, nhưng với sự nhạy bén trong kinh doanh, ông đã cho ra đời cơ sở sản xuất dụng cụ làm móng mang tên Nghĩa Sài Gòn vào năm 1992.

Lúc đó cơ sở sản xuất ấy tọa lạc trên diện tích 200m2, và lực lượng lao động chủ yếu là những thành viên trong gia đình. Tới năm 2000, Công ty TNHH cơ khí Kềm Nghĩa chính thức được thành lập. Đến năm 2008, Kềm Nghĩa trở thành công ty cổ phần mở ra một giai đoạn phát triển mới toàn diện hơn.

Nói về cơ duyên những chiếc kềm này chinh phục được người tiêu dùng trong và ngoài nước, ông Tuấn từng chia sẻ giai đoạn những năm 90, khi ấy truyền thông cảnh báo về căn bệnh HIV tràn vào Việt Nam, nên việc sắm kềm riêng trở nên phổ biến.

Rồi qua những năm 2000, khi nghề làm nail ở Mỹ nở rộ, trong đó lao động chủ yếu là người Việt Nam, cũng là lúc những chiếc kềm Nghĩa xuất khẩu theo đường xách tay tăng mạnh. Cho đến tận bây giờ, khi những sản phẩm của Kềm Nghĩa có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới, lượng kềm xuất khẩu qua đường xách tay vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn.

Những thương hiệu vững bền

Từ những bước đầu khởi nghiệp với khát khao thoát nghèo, cung ứng cho người tiêu dùng những sản phẩm còn thiếu thốn, những con người ấy, những thương hiệu ấy giờ đều đã trở thành những cái tên quen thuộc, những thương hiệu quốc dân vững mạnh trên thị trường.

Giờ đây khi nhắc đến Tập đoàn Thiên Long, người ta sẽ nhớ ngay đến những con số như một tập đoàn văn phòng phẩm với hơn 1.500 công nhân, chiếm hơn 60% thị phần ngành văn phòng phẩm nội địa, có mặt tại hơn 60 thị trường trên toàn cầu, và có giá trị vốn hóa hơn 4.000 tỷ đồng.

Hay khi nói về Mỹ Hảo, bên cạnh kể lại câu chuyện ông Vinh từ chối “bán mình”, thì những nỗ lực bám thị trường, chứng minh chất lượng, xuất khẩu hàng sang những thị trường khó tính như Mỹ, cũng là niềm tự hào chung cho hàng Việt. Theo đó vào năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, Mỹ Hảo không chỉ nhanh chóng tung ra thị trường sản phẩm nước rửa tay/gel rửa tay diệt khuẩn, được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép xuất khẩu sang thị trường này.

Kể câu chuyện về những thương hiệu quốc dân, có lẽ không thể không nhắc đến doanh nghiệp Biti’s có xuất phát điểm là một cơ sở sản xuất nhỏ tại quận 6, do ông Vưu Khải Thành và vợ là bà Lai Khiêm sáng lập. Biti’s chinh phục người tiêu dùng khắp cả nước nhờ độ bền “khủng”.

Đáng chú ý vào khoảng năm 2000, thương hiệu này đã có một quảng cáo trên truyền hình với câu slogan cực kỳ nổi tiếng “Nâng niu bàn chân Việt”. Lúc đó rất nhiều đôi bàn chân của các lứa học sinh Việt Nam đều gắn với những đôi sandal của Biti’s.

Thế nhưng, vài năm sau đó, thương hiệu giày dép quốc dân này bắt đầu thất thế trước sự có mặt của các thương hiệu lớn trên thế giới như Nike, Adidas... Giới trẻ không còn chọn sản phẩm của Biti’s, họ thích cảm giác đi những đôi giày có thương hiệu toàn cầu với những mẫu mã đa dạng.

Không ít người đã đặt câu hỏi liệu Biti’s có chuyển mình hay sẽ "hụt hơi" trong cuộc đua này? Năm 2016, Biti’s khiến giới kinh doanh và cả người tiêu dùng ngạc nhiên khi tung ra chiến dịch “Đi để trở về”, kết hợp cùng Sơn Tùng MTP và Sobin Hoàng Sơn. Sản phẩm Biti’s Hunter thời điểm đó liên tục cháy hàng.

Sự đổi mới trong phương thức truyền thông, trẻ hóa hình ảnh, làm mới sản phẩm đã mang sản phẩm quốc dân ấy về lại gần hơn với người tiêu dùng. Giờ đây khi nhắc về Biti’s, nhiều người sẽ nhớ ngay đến Tổng Giám đốc Vưu Lệ Quyên, người trẻ hóa hình ảnh với chiến dịch “Đi để trở về” và hiện cũng là thế hệ kế thừa tiếp theo của thương hiệu này.

Trở lại cùng cuốn sách của nhà báo Vũ Kim Hạnh, trong phần trò chuyện với doanh nhân Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn, ông Nguyên khẳng định mình là một người đam mê kinh doanh. Bởi nếu không đam mê, thời điểm 2015 khi bán mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelēz International thu về hơn 10.000 tỷ đồng, ngồi không cũng không ăn hết.

Nhưng hai anh em ông (Trần Kim Thành, Trần Lệ Nguyên) quyết định tiếp tục lửa đam mê ở ngành kem, dầu ăn và thực phẩm thiết yếu. Cũng vì đam mê, nên những doanh nhân ấy dù không còn trẻ nhưng luôn muốn trẻ hóa doanh nghiệp, hợp với quỹ đạo mới của thị trường. Thế mới có chuyện KIDO có bước ngoặt lớn, khi chuyển mình sang bán hàng trên thương mại điện tử, bán hàng qua livestream.

Các tin khác