Trong khi đó, doanh nghiệp (DN) đầu mối cũng chỉ đáp ứng cho các DN bán lẻ thuộc hệ thống của mình, những đại lý cũng chỉ được mua theo định mức trung bình các tháng trước và nhận xăng dầu theo tiến độ.
Mỗi người chỉ mua được hơn 1 lít xăng!
Cầm can xăng 30 lít chạy đến một cây xăng tại phường Thạnh Xuân (quận 12, TP.HCM) vào trưa 17-2, ông Phan Văn Lộc - giáo viên dạy lái xe của Trung tâm Đất Việt - rất bất ngờ khi cây xăng thông báo chỉ bán 30.000 đồng, trong khi ông muốn mua 500.000 đồng mới đủ đổ vào xe nâng.
Sau một hồi năn nỉ, ông Lộc được nhân viên đồng ý bán cho 200.000 đồng, trước khi chủ cây xăng đến tìm hiểu và quyết định bán thêm 10 lít xăng. "Tôi đã đến một cây xăng gần trường nhưng bị các nhân viên tại đây từ chối nhưng không nói lý do. Nếu cây xăng này chỉ bán 30.000 đồng, có lẽ tôi phải chạy vài cây xăng mới có đủ lượng xăng đổ vào xe nâng", ông Lộc cho biết.
Cùng ngày, ghi nhận (từ 10h-12h) tại cây xăng P.P.L cho thấy các khách hàng vào mua xăng đều được các nhân viên giơ 3 ngón tay chỉ dấu mỗi người chỉ được đổ tối đa 30.000 đồng. Nhiều khách hàng không đồng ý, vẫn giơ 5 ngón tay để đổ 50.000 đồng, nhưng các nhân viên đều lắc đầu và đề nghị "chia sẻ giúp cây xăng ít hôm, san sẻ thêm xăng cho người khác".
Cách đó khoảng 1km, tại cây xăng N.P.Đ (lúc 12h), nhiều người bất ngờ khi nhân viên cây xăng báo... hết xăng, đến 15h cùng ngày mới có xe bồn đến bổ sung. Vào lúc 12h15, cửa hàng xăng dầu P.T (quốc lộ 1, quận 12) cũng thông báo hết xăng và đang chờ xe bồn tiếp nhiên liệu. Nhiều xe máy, xe hơi vào nhưng đều nhận lại những cái lắc đầu của nhân viên.
Một nhân viên cây xăng ở quận 12 (TP.HCM) ra dấu 3 ngón tay, chỉ bán 30.000 đồng cho mỗi người vào ngày 17-2
Chiết khấu giảm, cây xăng than lỗ
Bà T.T. - chủ cây xăng P.P.L - cho biết lý do cây xăng chỉ bán 30.000 đồng cho mỗi lượt đổ xăng bởi đại lý bán lẻ "khổ lắm rồi", "càng bán càng lỗ". Theo bà T., thực tế nếu đặt thêm xăng dầu, DN đầu mối vẫn cấp thêm cho đại lý nhưng chiết khấu ở mức 0 đồng. Khi bán ra, đại lý phải gánh lỗ với các chi phí từ nhân viên, điện nước, mặt bằng... nên bán bao nhiêu lỗ bấy nhiêu.
Bà T.T. cho hay tiền thuê mặt bằng đã 80 triệu đồng/tháng, trong khi từ tháng 12 năm ngoái đến nay chiết khấu cho mỗi lít xăng bán ra phía DN phân phối đã hạ xuống mức rất thấp, nên cây xăng bị lỗ. "Chúng tôi vẫn chấp nhận bán buôn có lúc lời lúc lỗ, song chiết khấu xuống thấp quá mà kéo dài từ năm ngoái sang năm nay và chưa biết lúc nào mới phục hồi, nếu tiếp tục tình trạng này thì chúng tôi cũng phá sản" - bà T.T. than.
Theo bà T.T., đại lý này không xin phép Sở Công thương TP.HCM đóng cửa bởi xăng vẫn còn và vẫn có thể đặt hàng nên vẫn mở cửa để duy trì kinh doanh nhưng chọn cách bán theo định mức với mục đích "người tiêu dùng chia sẻ với đại lý lúc khó khăn". Tương tự, giám đốc một DN bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM cho hay mức chiết khấu xuống thấp, nhiều thời điểm 0 đồng nên bán nhiều sẽ lỗ nhiều, các đại lý không mặn mà bán buôn vào thời điểm này mà chỉ cầm chừng, duy trì hoạt động.
Chỉ bán 30.000 đồng tiền xăng cho mỗi người
Doanh nghiệp đầu mối bán xăng dầu theo tiến độ
Lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) - cho biết do nhập hàng từ Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất nên nguồn hàng đầu vào vẫn ổn. Tuy nhiên, DN này chỉ đáp ứng được nhu cầu cho hệ thống, các đại lý nhượng quyền của Saigon Petro.
"Những đơn vị khác thiếu hàng, chúng tôi không thể đáp ứng đủ được mà chỉ đảm bảo cho tiêu thụ bình thường của hệ thống của mình", vị này nói, đồng thời cho biết Saigon Petro đang áp dụng chính sách "bán theo tiến độ", theo lượng lấy hàng bình quân của 2 tháng qua, nhằm tránh tình trạng thương nhân lấy hàng để tích trữ, đầu cơ chờ giá lên.
Chẳng hạn, các thương nhân trước đây chỉ lấy 500 m³ xăng dầu bình quân mỗi tháng, doanh nghiệp này chỉ bán theo đúng số lượng này nhưng theo tiến độ. Mỗi ngày, các thương nhân sẽ nhận hàng theo định mức chứ không bán một lần.