Ngày mai 20-10, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII chính thức khai mạc tại Hà Nội. Theo thông lệ, đây là kỳ họp cuối năm nên Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian để thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2015, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.
Nhìn lại năm 2015, có thể thấy dấu ấn rõ nhất là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát khoảng 2%, thấp nhất trong 15 năm qua; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Theo báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế cả năm 2015 dự kiến đạt khoảng 6,5%, vượt kế hoạch đề ra. Mới đây, các định chế tài chính lớn như WB, ADB cũng đều nâng mức dự báo tăng trưởng 2015-2016 của Việt Nam lên khá cao so với trước.
Lý do sản xuất công nghiệp của Việt Nam đang có chiều hướng tốt hơn và đáng lưu ý hơn, nỗ lực cải cách thể chế, môi trường kinh doanh đã khiến niềm tin của doanh nghiệp, người tiêu dùng ngày càng được củng cố.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa là bức tranh kinh tế 2015 chỉ toàn màu hồng. Những tồn tại mang tính cố hữu của nền kinh tế vẫn chưa được cải thiện nhiều, vẫn còn bề bộn công việc phía trước. Tại Hội nghị lần thứ 12 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương cũng nhận định kinh tế nước ta, nhất là khu vực kinh tế trong nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn.
Năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp. Cân đối ngân sách khó khăn, bội chi còn cao; nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, nợ xấu còn lớn và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn; doanh nghiệp trong nước và khu vực nông nghiệp, xuất khẩu nông sản đang rất khó khăn; nhập siêu tăng trở lại. Trong khi đó, thể chế kinh tế thị trường chậm được hoàn thiện, còn nhiều hạn chế, các loại thị trường vận hành chưa thông suốt…
Đáng lưu ý là tái cơ cấu trong các ngành, lĩnh vực còn chậm, tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm, chưa đạt tiến độ đề ra.
Nhìn nhận rõ được những điểm yếu từ kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2015 để có giải pháp khắc phục là yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công trong năm 2016. Năm tới trong nước có nhiều thuận lợi từ thành tựu đạt được nhưng chúng ta vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Việc thực hiện các hiệp định thương mại tư do (FTA) mới, kết thúc đàm phán TPP và hình thành Cộng đồng ASEAN sẽ mở ra cơ hội và không gian phát triển rộng lớn hơn, nhưng thách thức cũng lớn hơn, nhất là cạnh tranh ngày càng gay gắt, ngay cả trên thị trường trong nước.
Theo dự kiến của Chính phủ, năm 2016 sẽ phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6,7%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP; chỉ số CPI tăng dưới 5%... Để đạt được các mục tiêu này, điều quan trọng vẫn là phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đi liền với cải thiện chất lượng nền kinh tế và khắc phục các yếu kém.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Trong đó, quan trọng nhất là phải đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tổ chức lại mô hình sản xuất nông nghiệp.
Một vấn đề khác cũng được đặt ra cho năm 2016 là phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp năm 2013 đã mở ra không gian rộng lớn, tạo nền tảng cho tinh thần tự do kinh doanh. Thời gian qua một số đạo luật đã được ban hành để thể chế hoá tinh thần này như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp mới.
Tuy nhiên, sắp tới vẫn cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, ban hành các luật, pháp lệnh để thể chế hoá tinh thần tự do kinh doanh của Hiến pháp, và điều quan trọng hơn là bảo đảm những quy định mới phải được thực thi một cách đầy đủ.
Những vấn đề của kinh tế - xã hội năm 2015 và 2016 sẽ được mổ xẻ, thảo luận kỹ tại kỳ họp lần này của Quốc hội. Đây là những nội dung hết sức quan trọng bởi năm 2015 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015; trong khi 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.
Những thành tựu, kết quả tốt đẹp và cả những tồn tại của năm 2015 sẽ khép lại một giai đoạn nhiều sóng gió của kinh tế đất nước. Nhưng năm 2016 sẽ mở ra những kỳ vọng cho một giai đoạn phát triển mới: giai đoạn phát triển nhanh nhưng bền vững của kinh tế Việt Nam.