Khi hóa chất vào thực phẩm

Những năm gần đây, các mặt hàng thực phẩm chế biến của Việt Nam ra thị trường nước ngoài ngày càng có chất lượng tốt hơn, kim ngạch mỗi năm đều tăng.

Những năm gần đây, các mặt hàng thực phẩm chế biến của Việt Nam ra thị trường nước ngoài ngày càng có chất lượng tốt hơn, kim ngạch mỗi năm đều tăng.

Kết quả đó nhờ vào các biện pháp quản lý chặt chẽ, phát huy hiệu quả cao, hệ thống phòng kiểm nghiệm trong nước cũng liên tục kiểm tra chất lượng các lô hàng xuất khẩu. Trong khi đó, vẫn còn nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến cung ứng thị trường trong nước chưa đảm bảo chất lượng, chưa tuân thủ nghiêm ngặt an toàn vệ sinh. Việc quản lý các mặt hàng đưa ra thị trường còn lỏng lẻo, sơ hở đã gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đáng chú ý là đã có nhiều vụ vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm  do nhà sản xuất thiếu ý thức trách nhiệm, khiến cộng đồng vô cùng lo lắng. Tại chợ Kim Biên (quận 5, TPHCM), các tiểu thương vẫn bày bán các phụ gia thực phẩm chung với hóa chất dùng cho mục đích khác, tạo điều kiện cho nhà sản xuất lạm dụng trong chế biến thực phẩm, chủ yếu nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận bất chấp việc gây tổn hại sức khỏe người tiêu dùng. Trong việc này cũng có phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý kinh doanh hóa chất, lẽ ra hóa chất sử dụng cho thực phẩm phải được quản lý kinh doanh chặt chẽ, khắt khe hơn nhiều so với các hóa chất sử dụng cho các ngành công nghiệp khác.

Một vấn đề nữa cần khắc phục là thiếu kiểm soát nguồn gốc các loại rau củ quả, thủy hải sản được nhập về các chợ đầu mối. Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật TPHCM, sản xuất nông sản tại ngoại thành chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu, còn lại 80% xuất xứ từ các tỉnh lân cận và nhập từ nước ngoài nhưng không được kiểm soát chất lượng. Ngoài ra, phương tiện vận chuyển từ chợ đầu mối đến các chợ tiêu thụ cũng còn thô sơ nên không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Do phân công quản lý chồng chéo nên việc kiểm tra, xử lý vi phạm khá lỏng lẻo.

Theo GS. Chu Phạm Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội Hóa học, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TPHCM, để đánh giá chính xác mức độ an toàn thực phẩm, nhất thiết phải trang bị hệ thống phòng kiểm nghiệm đa năng với thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên môn có kinh nghiệm trong việc phân tích độc chất thực phẩm và môi trường dưới dạng vi lượng. Tuy nhiên, hiện chỉ có một số rất ít phòng kiểm nghiệm trong nước đạt 2 tiêu chuẩn này với đầy đủ hệ thống thiết bị đặc thù cho phân tích vết. Ngay cả các phòng thí nghiệm hiện đại, việc phân tích vết cũng gặp khó khăn đối với các nền mẫu phức tạp, cách chế biến lạ.

Do vậy, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nên có thêm các quy định liên quan đến hóa chất, phụ gia theo danh mục đã bị cấm sử dụng ở các nước; đồng thời đào tạo đội ngũ chuyên môn và thành lập các phòng thí nghiệm hiện đại để có thể kiểm soát chặt chẽ về an toàn vệ sinh thực phẩm. Các thành phố lớn trong nước là nơi tiếp cận nhiều mặt hàng phong phú, chất lượng tốt, nhưng chắc chắn cũng sẽ có những mặt hàng kém chất lượng, vì vậy cũng cần phải được kiểm tra đánh giá kỹ lưỡng và xử lý triệt để các đơn vị vi phạm để tránh rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đồng thời, phía các nhà sản xuất cũng cần thể hiện trách nhiệm xã hội, sản xuất hàng hóa không chỉ vì mục đích lợi nhuận mà bỏ qua yếu tố đảm bảo an toàn cho khách hàng của mình.

Các tin khác