Khi không còn “người mua là vạn, kẻ bán là trăm”

(ĐTTCO) - Chúng ta thường nghe câu “trăm người bán, vạn người mua”, có nghĩa người bán đông kẻ mua còn nhiều hơn, từ đó phản ánh một góc nhìn là sự sòng phẳng trong trao đổi, mua bán chốn chợ búa.
Khi không còn “người mua là vạn, kẻ bán là trăm”

Tức số người mua và người bán đều đông, đồng thời số người mua có xu hướng nhiều hơn số người bán, cuộc mua bán ấy mới diễn ra bình thường, người mua có nhiều sự lựa chọn, tránh bị ép uổng, người bán có nhiều cơ hội bán được hàng.

Cũng có người giải thích khác, người bán tuy đông nhưng người mua còn đông hơn nhiều, vì vậy mọi người đừng nên tranh giành (cạnh tranh nhau) khi mua bán; dù người bán có đông người mua vẫn đông hơn nên cơ hội bán được hàng vẫn rất lớn.

Như vậy, gần như có quy luật của hoạt động kinh doanh thông thường: số người bán và người mua phải đông đảo, thể hiện sự mua bán sôi động, bình đẳng; số người mua thường nhiều số người bán. Điều này cũng gần với một đúc kết khác của cha ông ta về buôn bán là “buôn có bạn, bán có phường”, xét ở khía cạnh đông đúc, tức mua hay bán đều nên có nhiều người cùng tham gia.

Chúng ta có thể đối chiếu thực tế. Ở đâu, khi nào người bán kẻ mua đều rất ít, hoạt động mua bán nói riêng và hoạt động kinh tế nói chung ở đó trở nên đìu hiu, vắng lặng. Đó có thể là nơi có rất ít dân cư, hoặc có rất ít hàng hóa để buôn bán, thậm chí không có nhu cầu để mua bán (mà tự cấp tự túc hoặc chỉ trao đổi).

Hoặc khi người bán rất ít mà người mua rất nhiều dễ phát sinh nạn đầu cơ, thổi giá, bởi hoạt động mua bán lúc này gần như chỉ do người bán nắm và chi phối, họ muốn bán hay không, bán lúc nào, bán giá bao nhiêu, bán như thế nào… có thể tự mình quyết định và gần như buộc người mua phải tuân theo.

Một trường hợp khác ít xảy ra hơn với một số mặt hàng (nhất là nông sản) người bán không thể chủ động bán mà phải phụ thuộc đầu ra, giá, cách bảo quản, phương thức vận chuyển… của người mua, nên có thể bị người mua chi phối, đặc biệt là với nông sản.

Ở đây, gần như có sự “đổi vai”, khi người mua có sự chủ động hơn: họ có thể mua hoặc không, mua với giá nào, mua vào lúc nào, mua theo cách thức nào… Người bán thường nhiều hơn và ở tâm thế thụ động, bởi nếu không bán được họ không tự mình tiêu thụ hàng hóa đó và sản phẩm sẽ bị hư hỏng…

Như vậy, trong hoạt động kinh doanh, mặc dù luôn cần sự bình đẳng, tôn trọng nhu cầu của nhau, nhưng gần như luôn có xu hướng là người nào nắm quyền chủ động sẽ có thể “ép uổng” đối phương; thậm chí trong cùng một hoạt động nhưng ở từng thời điểm khác nhau, vai “ép uổng” đó có thể đổi cho nhau.

Thí dụ, trong việc mua bán căn hộ, có thời điểm người mua chỉ cần “đặt gạch” giữ chỗ rồi sang tay đã có lãi nên người bán dễ có trạng thái “làm eo”, vì họ cho rằng không bán được người này thì bán người khác, còn người mua không mua được sẽ mất lãi…

Nhưng khi nhà đất “đóng băng”, người mua quay trở lại “làm giá” với người bán, có thể đòi hỏi nhiều thứ, từ giảm giá đến các khuyến mại, bởi khi số người mua còn rất ít người bán không có nhiều cơ hội để lựa chọn nếu muốn bán được căn hộ của mình.

Tình cảnh của bất động sản ở TPHCM hiện nay cũng đang tương tự. Trên các tuyến phố, có những mặt bằng đẹp được dán hàng chục số điện thoại để liên hệ cho thuê. Bởi kinh tế khó khăn, các mặt bằng ở khu vực trung tâm vốn quá đắt đỏ người đang thuê phải trả, người dự kiến thuê có thể không thuê nữa vì lo ngại buôn bán không có lãi. Hoặc các dự án căn hộ cũng vất vả tìm người mua, khi nhu cầu xuống rất thấp và tâm lý đầu tư của đa số người dân đang “co lại”, nên số người bán rất nhiều mà người mua rất ít.

Ngay cả việc bán nhà riêng lẻ cũng đã chững do chịu tác động chung của tình trạng “đóng băng” bất động sản. Số người bán/người cho thuê ở lĩnh vực này hiện gần như nhiều hơn hẳn so với người mua/người đi thuê nên giá cả đã giảm khá nhiều (có nơi đến 20-30%), các yêu cầu về giao dịch cũng khó khăn hơn, như phải “bao sang tên”, bên bán/cho thuê phải chịu các chi phí phát sinh, thời gian trả kéo dài hơn…

Và, trong nhiều trường hợp, một căn nhà, một dự án có nhiều người bán hơn hẳn so với người mua, mà người bán đây bao gồm chủ và rất nhiều người môi giới; chính chủ nhà cần có nhiều người môi giới để có thể bán được sớm hơn, còn các môi giới biết rằng việc mua bán cũng rất khó khăn nhưng không còn lựa chọn khác và phải nỗ lực rao bán vì khoản hoa hồng…

Nhiều lĩnh vực khác cũng đang ở bối cảnh đó. Trong khoảng 1 năm gần đây, người bán rong, bán ở lề đường, người chạy xe ôm… ở nhiều địa phương tăng đáng kể, do một số lao động tự do mất việc, công nhân bị sa thải… trong lúc chưa tìm được việc mới đã buộc phải làm các việc này để kiếm sống. Do số người bán tăng lên trong khi số người không tăng, thậm chí có xu hướng giảm chi tiêu, nên việc cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi.

Tất cả điều đó đang phản ánh trạng thái kinh tế không mấy sáng sủa. Có thể đây là thời điểm kinh tế khó khăn nhất trong nhiều năm qua và có liên quan trực tiếp đến các tác động của dịch Covid-19 dù đã kết thúc từ 2 năm trước.

Trong bối cảnh đó, các giải pháp kích cầu cuối năm, như “Tháng khuyến mãi”, Tết Nguyên đán cùng với các chính sách về đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư có thể góp phần làm “tan băng” các thị trường và đưa các hoạt động thương mại trở lại trạng thái vốn có của nó.

Trăm người bán có vạn người mua, chứ cả mua bán chỉ có vài người hoặc vạn người bán chỉ có trăm kẻ mua, nền kinh tế thật kém sôi động, tức đời sống người dân đang bị kéo thấp.

Các tin khác