Ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023 đến nay, sức mua trên thị trường bán lẻ vẫn duy trì sức mua tăng cao ở nhiều ngành hàng.
Các nhà bán lẻ trên địa bàn thành phố đang nỗ lực "giữ nhiệt" sức mua và kích cầu thị trường tiêu dùng.
Báo cáo của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy tháng 1/2023 là thời điểm trùng với mùa mua sắm cuối năm và thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2023, nên nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao. So với cùng kỳ năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2023 tăng 5,7%.
Trong số đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 1/2023 đạt 56.887 tỷ đồng, chiếm 62,8% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tăng 4,6% so với tháng trước. Một số nhóm ngành hàng có doanh thu tăng như lương thực, thực phẩm; đồ dùng thiết bị gia đình; ôtô và phương tiện đi lại (gồm cả sữa chữa); xăng dầu và nhiên liệu khác; hàng may mặc...
Ngoài ra, so với cùng kỳ năm 2022, trong tháng 1/2023 có 3 nhóm hàng tăng cao nhất là nhóm hàng lương thực tăng 12,3%; thực phẩm tăng 12,4%; ôtô và phương tiện đi lại tăng 12,9%.
Hoạt động thương mại và dịch vụ tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đảm bảo cân đối cung cầu đa dạng mặt hàng lương thực, thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023, không xảy ra biến động tăng giá những mặt hàng lương thực, thực phẩm.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), cho hay trong 8 tuần cao điểm mua sắm Tết Nguyên đán 2023, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã phục vụ hơn 1.080.000 lượt khách hàng. Trước đó, kết quả kinh doanh năm 2022 của đơn vị đã công bố đạt doanh số 30.888 tỷ đồng, vượt 216 tỷ so với cùng kỳ và đạt 99% kế hoạch đã đề ra.
Theo ông Nguyễn Anh Đức, kết quả kinh doanh năm 2022 và Tết Nguyên đán 2023 chứng minh Saigon Co.op tiếp tục là đơn vị bán lẻ đứng đầu thị trường. Năm 2023, Saigon Co.op phấn đấu tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ trên cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng; đẩy mạnh thương mại điện tử và logistics dựa vào sức mạnh cốt lõi là phân phối bán lẻ…
Khảo sát thực tế thị trường mua sắm trực tuyến (online) tiếp tục tăng mạnh, nên những hệ thống phân phối lớn trên đại bàn Thành phố Hồ Chí Minh, gồm Co.opmart, Satra, Bách hóa Xanh, Big C, MM Mega Market... đã triển khai nhiều giải pháp công nghệ, logistics... giúp người tiêu dùng dễ dàng mua sắm và giao nhận hàng hóa tại nhà. Qua đó, những hệ thống này góp phần nâng cao tiện ích phục vụ khách hàng ở cả kênh bán lẻ trực tiếp lẫn online.
Cùng với nhóm ngành hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, một số nhóm ngành hàng đặc biệt cũng góp phần giữ nhiệt sức mua trên thị trường bán lẻ Thành phố Hồ Chí Minh như vàng, bạc, đá quý, trang sức; hoa tươi cắt cành... Điển hình, ngay từ những ngày đầu năm 2023, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã tung chương trình “Thần Tài Gõ Cửa-Phát Lộc Khai Xuân” cùng phong phú sản phẩm thiết kế biểu tượng linh vật của năm Quý Mão 2023.
(Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
PNJ cũng vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2022 đầy ấn tượng, với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đạt 33,876 tỷ đồng (tăng 73,3% so với cùng kỳ) và 1,807 tỷ đồng (tăng 75,6% so với cùng kỳ). Với bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều khó khăn và biến động, PNJ đã rất nỗ lực trong việc thúc đẩy hoạt động kinh doanh và tình hình kinh doanh có sự tăng trưởng đồng đều theo từng kênh sản xuất, bán lẻ...
Tương tự, cộng đồng doanh nghiệp, nhà bán lẻ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng thông tin doanh thu bán lẻ trong năm 2022 và tháng 1/2023 đều tăng so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả này có được là nhờ các đơn vị này chú trọng hoạt động phát triển khách hàng mới, chăm sóc khách hàng hiệu quả cùng chiến lược hàng hóa phù hợp và chương trình tiếp thị bán hàng đa dạng, linh hoạt phù hợp với nhu cầu của từng thị trường, nhóm khách hàng mục tiêu. Đồng thời, tập trung chiến lược đa dạng danh mục hàng hóa, đáp ứng được nhu cầu khác nhau của khách hàng.
Ở góc độ sở, ngành, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, qua nhận định của đơn vị phân phối, bán lẻ trên địa bàn thành phố thì nhu cầu tiêu dùng, mua sắm Tết Nguyên đán 2023 tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, sức mua mua tại kênh phân phối hiện đại trên địa bàn thành phố tăng khoảng 10-15%.
Hầu hết hệ thống phân phối đã chủ động có kế hoạch tăng nguồn cung hàng hóa phục vụ người dân Thành phố Hồ Chí Minh trong dịp Tết Nguyên đán 2023.
Dự báo tình hình thị trường trong thời gian tới sẽ tương đối ổn định và nhà bán lẻ, đơn vị sản xuất kinh doanh đang nỗ lực tiếp tục kích cầu sức mua, tiêu dùng trên địa bàn thành phố.