Nguyên nhân được cho do Công ty kiểm toán Ernst & Young ... không thể tìm ra hơn 1,9 tỷ EUR (hơn 2 tỷ USD) tiền mặt công ty đang sở hữu. Thú vị hơn, có dấu hiệu là một trong những người được ủy thác giữ số tiền này đã cố gắng lừa Ernst & Young rằng nó thật sự tồn tại. Cũng may kiểm toán viên của Ernst & Young đã không mắc bẫy.
Wirecard là công ty gì?
Wirecard là công ty gì?
Wirecard là công ty công nghệ thành lập từ 1999, nhưng lại nghiễm nhiên nằm trong số những công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất và là niềm tự hào của giới công nghệ Đức. Công ty này có vốn hóa lớn hơn cả những ngân hàng nổi tiếng như Deutsche Bank và Commerzbank.
Năm 2018, chính Wirecard đã đẩy Commerzbank ra khỏi bộ chỉ số DAX của Đức, sau đó vượt qua cả Deutsche Bank về vốn hóa năm 2019.
Mảng kinh doanh chính của Wirecard là cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến, mạng di động và không ngừng đẩy mạnh mở rộng thị trường trong mấy năm qua, tỏ rõ tham vọng “đánh chiếm” thị trường châu Á qua nhiều thương vụ sáp nhập.
Trong số các khách hàng của Wirecard có những hãng lớn như FedEx và hãng hàng không KLM. Wirecard cũng vừa ký kết hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ thanh toán khổng lồ Visa để thúc đẩy phát triển tham vọng thử nghiệm mạng lưới fintech của Visa ở Trung Đông.
Có thể nói, Wirecard là một trong những niềm tự hào và “con cưng” của giới công nghệ Đức, là tấm gương để nhiều công ty fintech của châu Âu noi theo.
Nghi ngờ Wirecard bê bối kế toán
Nghi ngờ Wirecard bê bối kế toán
Đầu năm 2019, cổ phiếu Wirecard đã trải qua đợt giảm giá mạnh khoảng 30%, khi Financial Times đưa ra các phân tích cho rằng công ty này đã sử dụng nhiều hợp đồng giả để thổi phồng số liệu doanh thu thông qua văn phòng ở Singapore.
Financial Times đã trích dẫn tài liệu và nguồn tin nội bộ, cho rằng bộ phân tài chính kế toán khu vực châu Á - Thái Bình Dương của công ty này đã “di chuyển” khoảng 37 triệu EUR qua nhiều công ty con và các doanh nghiệp bên ngoài, bằng những giao dịch phức tạp và đáng nghi ngờ. Tờ Financial Times cho rằng mục tiêu của việc di chuyển này để tạo ra dòng doanh thu có vẻ hợp lý, nhằm đánh lừa các kiểm toán viên.
Wirecard lập tức phản ứng, cho rằng các thông tin này là vô lý và không đáng tin cậy, khẳng định công ty có hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán độc lập đáng tin cậy.
Song, vào đầu tháng 2-2019, Financial Times một lần nữa đưa thông tin rằng, một công ty luật hỗ trợ pháp lý cho Wirecard phát hiện dấu hiệu lừa đảo trong các tài khoản của văn phòng công ty ở Singapore. Wirecard tất nhiên lại phản hồi, cho rằng các thông tin của Financial Times đưa ra là không chính xác, có dấu hiệu đánh lừa nhà đầu tư.
Trước những thông tin của Financial Times, trong khi giới chức của Singapore tiến hành điều tra văn phòng của Wirecard, các nhà quản lý của Đức quay sang “tấn công” báo Financial Times, tiến hành điều tra nhà báo đã đưa các thông tin về Wirecard, đồng thời tạm cấm nhà đầu tư bán khống cổ phiếu Wirecard trong 2 tháng. Bloomberg cho rằng thay vì điều tra cẩn thận trường hợp của Wirecard, giới chức Đức đã “bắn vào người đưa tin” (nguyên văn “shoot the messenger”).
Không chỉ giới quản lý của Đức, giới phân tích cổ phiếu cũng có người cũng chỉ trích báo cáo của Financial Times là “nói láo”, “liên kết với những người bán khống cổ phiếu để trục lợi”. Sau đó Wirecard đã kiện Financial Times đưa tin không trung thực, làm lộ bí mật kinh doanh của công ty. Hiện nay đôi bên vẫn còn đang trong tiến trình tố tụng vụ việc này.
Có thể nói, vì theo đuổi vụ việc này để làm rõ những khuất tất ở một công ty fintech đang được ngưỡng mộ bởi giới công nghệ, phân tích chứng khoán và là niềm tự hào của người Đức, Financial Times đã bị vùi dập bằng đủ mọi hình thức, từ bị chỉ trích nặng nề, điều tra lẫn bị kiện tụng. Đến nay có vẻ như họ đã đúng, nhưng họ vẫn còn đang bị kiện tụng. Và có vẻ như sự thật được chứng minh quá trễ cho những nhà đầu tư của Wirecard.
Sự cần thiết của tính độc lập và liêm chính báo chí
Sự cần thiết của tính độc lập và liêm chính báo chí
Sự kiện Wirecard cho thấy tầm quan trọng của vai trò độc lập và liêm chính của báo chí trong việc phanh phui các bê bối tài chính trên thị trường. |
Cá biệt, có nhà phân tích dự đoán giá cổ phiếu Wirecard sẽ lên đến 230EUR (gấp hơn 2 lần giá cổ phiếu trước khi rớt không phanh từ 100EUR về gần 25EUR). Trong khi đó, vẫn có những quỹ đầu tư tin vào các bài báo của Financial Times và tiến hành bán khống cổ phiếu Wirecard. Chẳng hạn TCI Fund Management đã bán khống 1,5% cổ phiếu Wirecard sau những thông tin đáng nghi ngờ về chính sách kế toán.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, những vụ bê bối kế toán này sẽ ngày càng nhiều. Các công ty niêm yết đa số đều là những công ty lớn, nhiều tiền và quan hệ, sẽ dễ dàng “ăn hiếp” các tờ báo điều tra họ, thậm chí đe dọa kiện tụng, yêu cầu chính quyền xử phạt, thậm chí đóng cửa tờ báo.
Một nền báo chí mà tính độc lập yếu, không được pháp luật bảo vệ đúng mức, sẽ dẫn đến nguy cơ những công ty “xác sống” tiếp tục tồn tại, với những thủ thuật kế toán kiểu thổi phồng doanh thu, lợi nhuận, che giấu nợ vay…
Tuy nhiên, nếu báo chí có quá nhiều quyền lực, cũng không loại trừ nhà báo nào đó có thể thao túng, viết bài nói xấu về công ty không có bằng chứng xác đáng, để trục lợi bằng việc “đè” giá cổ phiếu xuống thấp hay để công ty phải “mua chuộc” mình. Vì thế, một nền báo chí lành mạnh phải cân bằng được giữa 2 điều đó, mà tiền đề là phải vạch rõ lằn ranh ở đâu là giới hạn báo chí được bảo vệ để nói lên sự thật.
Không để người đưa tin trung thực bị trù dập, cũng như không để người đưa tin giả làm “kền kền” ăn thịt công ty, là lý tưởng một nền báo chí muốn hướng tới.