Không bất thườngnhưng bất ổn
Trong thông cáo báo chí về tình hình kinh doanh quý I - 2018 của Tập đoàn SCG (Thái Lan), ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG cho biết Công ty TNHH Nawaplastic Industries, công ty con của SCG, đã mua lại cổ phần của CTCP Nhựa Bình Minh, tăng cổ phần hiện có của Nawaplastic tại công ty này lên 50,9%.
Như vậy, với tỷ lệ sở hữu quá bán của Nawaplastic, Nhựa Bình Minh, một trong những nhà sản xuất và phân phối ống nhựa hàng đầu Việt Nam, đã chính thức về tay người Thái. Thực tế, ngoài Nhựa Bình Minh, SCG đã mua lại nhiều công ty lớn của Việt Nam thông qua hình thức M&A suốt nhiều năm qua. Nhưng điều đáng quan tâm là SCG không đơn độc trong cuộc thâu tóm các DN Việt Nam.
Trước đó, một thương vụ đình đám thâu tóm Sabeco cũng được thực hiện bởi người Thái là tập đoàn TCC Holdings. Và khi nhắc đến TCC Holdings, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến “bộ sưu tập” các khoản đầu tư tại Việt Nam của tập đoàn này.
Dường như người Thái đang làm một cuộc tổng tấn công trên mặt trận kinh tế. Đơn cử như thông qua Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, hàng nông sản Thái Lan sẽ đổ bộ mạnh hơn vào thị trường Việt Nam cũng như nhiều nước khác. |
Song nếu nhìn kỹ hơn khi người Thái nắm giữ những ngành hàng chính như tiêu dùng, bán lẻ trong bối cảnh thị trường nội địa Việt Nam đang phát triển nhanh, người tiêu dùng đang gia tăng chi tiêu, thì sẽ là thách thức với DN Việt Nam.
Nhưng tất cả không chỉ có vậy. Trong khi DN chinh chiến bên ngoài, thì bên trong Chính phủ Thái Lan cũng đang có nhiều hoạt động hết sức tích cực để hỗ trợ cho DN, sản phẩm của Thái Lan nhanh chóng tiến xa hơn. Cụ thể vào ngày 20-4 vừa qua, Chính phủ Thái Lan, văn phòng Hành lang kinh tế đông Thái Lan (EEC) và Tập đoàn Alibaba đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với 4 lĩnh vực: Thứ nhất, chuyển đổi thương mại kỹ thuật số, trong đó có thay đổi các thủ tục kinh doanh và thương mại Thái Lan, mở rộng xuất khẩu đặc sản nông nghiệp Thái Lan ra thị trường toàn cầu (bắt đầu từ sầu riêng và gạo).
Thứ hai, thúc đẩy hệ thống hậu cần và các thủ tục quy định của hải quan Thái Lan theo cách quản lý thương mại điện tử quốc tế.
Thứ ba, đầu tư nhân lực, trang bị và đào tạo cho doanh nhân và nông dân, DN vừa và nhỏ và khởi nghiệp của Thái Lan về công nghệ mới và kỹ thuật số.
Thứ tư, hợp tác phát triển du lịch thông minh trên nền tảng số. Đặc biệt, trong các thỏa thuận phụ cũng nhắc đến vấn đề logistics nhằm mang đến cơ hội mới cho Thái Lan trong thúc đẩy thương mại với các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar.
Chiến đấu trong riêng lẻ
Chỉ nhìn riêng câu chuyện hợp tác với người khổng lồ trong lĩnh vực thương mại điện tử là Alibaba, ở Việt Nam hiện nay vẫn dừng lại ở những hợp tác riêng giữa các DN, chứ chưa có một chương trình hợp tác dài hơi nào giữa các cơ quan chức năng Việt Nam với tập đoàn này, nhằm đưa hàng Việt rộng bước ra thị trường quốc tế.
Chỉ nhìn riêng câu chuyện hợp tác với người khổng lồ trong lĩnh vực thương mại điện tử là Alibaba, ở Việt Nam hiện nay vẫn dừng lại ở những hợp tác riêng giữa các DN, chứ chưa có một chương trình hợp tác dài hơi nào giữa các cơ quan chức năng Việt Nam với tập đoàn này, nhằm đưa hàng Việt rộng bước ra thị trường quốc tế.
Ngay trong chia sẻ của mình cách đây không lâu, ông Trần Đình Toản, đại diện cho đại lý ủy quyền của Alibaba tại Việt Nam, nhấn mạnh cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu trực tuyến cũng rất khốc liệt và DN Việt chưa nhận đủ sự hỗ trợ cần thiết từ Chính phủ như tại Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… - nơi chính phủ hỗ trợ DN 50 - 70% phí tham gia làm thành viên của Alibaba.
Cũng theo ông Toản, để giúp DN tăng sức cạnh tranh tốt hơn cũng như hạn chế các rủi ro, cần thành lập liên minh hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến với các thành viên gồm DN thương mại điện tử, ngân hàng, công ty logistics, bảo hiểm…
Dưới góc nhìn của một người gắn bó nhiều năm với các DN Việt Nam, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch hội HVNCLC cho rằng, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có những tiến bộ đáng mừng. Nhiều sản phẩm của DN Việt đã được người Việt ưa chuộng, nhưng rất cần so sánh với các nước trong khu vực ASEAN, sản phẩm của họ mình không thể xem nhẹ.
“Chúng ta đang trong cuộc vận động, trong khi người Thái cách đây hơn 2 năm đã tập hợp 4 lực lượng chính để tập trung tiến vào thị trường Việt Nam - Lào - Campuchia - Myanmar, các DN phân phối của Thái Lan thì tập trung vào thị trường Việt Nam”.
Có thể thấy, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các cơ quan chức năng là hết sức cần thiết trong cuộc đua này, vì nếu không có những chính sách nhất quán, dài hơi DN vẫn chỉ là những nốt nhạc rời rạc trong một bản nhạc chung thiếu hấp dẫn. Việt Nam cũng có những DN đầu tư ra khu vực, như Vinamilk chi gần 10 triệu USD đầu năm 2017 để mua đứt Công ty Angkor Dairy Products của Campuchia, hay Viettel hiện đang là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam tại Myanmar…
Riêng tại thị trường trong nước, nhiều DN cũng đang nỗ lực chuyển mình như Vinamit. Nhưng như vậy là chưa đủ và vẫn còn hoạt động riêng lẽ, thiếu tầm nhìn cộng đồng quốc gia dưới sự hỗ trợ của các ban, ngành.