Với dân số ngót nghét 100 triệu người, Việt Nam có sự hoạt động của gần 800 cơ quan báo chí cũng không phải là nhiều. Tuy nhiên, chất lượng phục vụ cộng đồng mới là vấn đề đáng băn khoăn.
Thử nhìn lại một chặng đường hơn 20 năm vừa qua, dễ dàng thấy được những thay đổi bất ngờ. Thập niên đầu thế kỷ 21, mỗi tòa soạn đều tranh thủ chiếm lĩnh thị trường bằng việc tăng kỳ xuất bản và thêm ấn phẩm phụ. Cộng với sự có mặt của báo điện tử, cuộc cạnh tranh giữa các báo với nhau vừa âm thầm, vừa quyết liệt.
Thập niên tiếp theo của thế kỷ 21, báo chí Việt Nam hào hứng xen lẫn ngổn ngang. Mỗi tờ báo có tiêu chí hoạt động riêng biệt, nhưng trên thị trường là quan hệ cộng sinh. Báo ngày vẫn là nguồn thu chủ yếu của những người bán báo. Mỗi sáng, độc giả tạt qua sạp báo để mua tờ nhật trình yêu thích, và thuận tiện ngó nghiêng để chọn lựa thêm dăm tạp chí.
Thói quen ấy của cư dân đô thị, đặc biệt là người dân TPHCM, đã tạo ra thị trường báo chí năng động. Vậy mà, những sạp báo bên lề đường dần dần biến mất, và những người bán báo tận tụy quay sang tìm nghề mưu sinh khác. Các công ty phát hành báo chí một thời thịnh vượng, cũng nhanh chóng đóng cửa.
Không có hệ thống phát hành, báo giấy có bổ ích và hấp dẫn đến đâu, cũng không thể đến tay bạn đọc. Đồng thời, kênh đặt báo dài hạn qua bưu điện cũng đã chuyển qua phương thức tính cước theo cung đường vận chuyển. Càng về vùng sâu vùng xa, chi phí phát hành càng đắt.
Chi phí phát hành gần bằng giá bán, ai còn mặn mà đưa báo giấy về nông thôn. Tiếng kêu đứt ruột của báo giấy vang lên, thị trường đô thị đã khủng hoảng, mà thị trường nông thôn cũng không khả thi.
Để tiếp tục bám trụ, các tòa soạn chỉ còn một con đường duy nhất, nhảy lên không gian ảo và cạnh tranh với mạng xã hội. Rất nhiều tờ báo chấp nhận thực tế, ấn phẩm báo giấy chỉ đầu tư cầm chừng, và dồn mọi nguồn lực cho báo điện tử. Thông tin không còn phân định hàng ngày nữa, mà phân định hàng giờ, thậm chí hàng phút.
Vậy, dịch chuyển qua báo điện tử các cơ quan truyền thông sẽ yên tâm hành nghề chăng? Vâng, báo điện tử sẽ tha hồ tung tẩy, nếu không có mạng xã hội và điện thoại thông minh.
Trước đây, những nhà báo nhạy cảm từng lo ngại dòng thác nhà nhà viết blog, người người viết blog, sẽ làm ảnh hưởng thị trường báo chí. Thế nhưng, dù hai nền tảng BlogSpot và WordPress có chiêu mộ cỡ nào, lực lượng viết blog cũng khá mỏng. Lý do, viết blog không khác gì viết báo, cũng cần cấu trúc như một bài báo hoàn chỉnh, rất tốn thời gian và tâm tư.
Ngược lại, Facebook cho không gian mới mẻ hơn và tương tác tích cực hơn. Trên Facebook, ai cũng có thể làm “nhà báo công dân” mà không còn bất kỳ quy chuẩn gì. Vậy là Facebook trở thành thế lực, gây sức ép kinh khủng lên báo chí chính thống.
Thông tin trên Facebook ít được tin cậy? Đúng là trên Facebook có nhiều thông tin giả mạo và thông tin sai lệch, nhưng những thuật toán của Facebook tạo điều kiện cho mỗi trang cá nhân được liên kết đến đối tượng cụ thể và có cùng tần số nhận thức lẫn thẩm mỹ.
Đừng nghĩ một lượt like hay mỗi lượt share hoàn toàn ngẫu nhiên. Facebook muôn hình vạn trạng, thông tin thô sơ thì kết nối với người đọc thô sơ, còn thông tin thô bạo sẽ kết nối với người đọc thô bạo. Facebook và Google chia lại thị phần quảng cáo của báo chí. Đồng thời, Facebook và Google cũng nắm thế thượng phong trên thị trường truyền thông của Việt Nam. Chưa kể, Youtuber và TikToker cũng chen lấn “tác nghiệp” như những “người sáng tạo nội dung số” hồn nhiên và bát nháo.
Để chấn chỉnh mạng xã hội, không chỉ có Luật An ninh mạng, mà Hội Nhà báo Việt Nam cũng sốt ruột ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam”, gồm 3 chương 7 điều. Thế nhưng, để cạnh tranh với mạng xã hội, báo chí không có con đường nào khác là tự quy hoạch nội dung một cách chuyên nghiệp và hấp dẫn.
Đã qua rồi cái thời nhà báo chỉ hồn nhiên đưa tin đơn thuần. Các doanh nghiệp bây giờ không chỉ hứng thú quảng cáo trên Facebook hoặc Youtube, mà còn có cả đội ngũ truyền thông chuyên nghiệp. Một thông cáo báo chí được phát ra, nhà báo chỉ chép lại thì không ai cần nhà báo nữa. Hay nói cụ thể hơn, bạn đọc không còn để mắt đến những nhà báo chỉ tác nghiệp giống như nhân viên PR ngoài hợp đồng lao động của các tổ chức.
Bạn đọc đòi hỏi nhà báo phải biết phân tích và đánh giá thông tin theo một góc nhìn riêng biệt, mà công chúng bình thường không thể viết trên Facebook để ngạo nghễ xưng danh “người sáng tạo nội dung số”. Nghĩa là tương lai của báo chí sẽ khước từ những người không biết làm gì thì đi làm báo như một nghề phổ thông, chỉ dung nạp những người sinh ra để làm báo với tư duy thiên bẩm và khả năng rèn luyện thật sự.
Nhiều năm qua, làng báo có không ít phóng viên đi bốc thơm doanh nghiệp để xin tài trợ, hoặc đi đe dọa doanh nghiệp để lấy quảng cáo, thậm chí có không ít phóng viên đi “đánh đấm” để tống tiền cơ sở. Thực trạng hoành hành của những phóng viên “tay sai” nửa mùa ấy rồi đến lúc phải chấm dứt.
Nhà báo phải đi lại con đường chính đạo bằng trình độ và tâm huyết của mình. Những loại tin tức giật gân để câu view cũng không thể trường tồn, vì bạn đọc ngày càng tỉnh táo hơn. Cuộc sống hiện đại rất bận rộn với trăm thứ phải to toan và trăm thứ để thụ hưởng, bạn đọc chỉ bỏ thời gian và bỏ tiền bạc cho những thông tin bổ ích và thiết thực.
Báo chí Việt Nam đã được quy hoạch lại và chuyển hướng theo phương thức đa phương tiện và mô hình tòa soạn hội tụ. Báo giấy buộc phải nhắm vào đối tượng độc giả khu biệt, và báo điện tử buộc phải áp dụng các yếu tố trình diễn.
Dĩ nhiên, nếu yếu tố trình diễn của báo điện tử chỉ có các clip thì không thể bằng các đài truyền hình. Yếu tố trình diễn của báo điện tử nằm ở những nghiệp vụ nâng cao như Long-form và E-magazine. Và ở đó, mỗi nhà báo trình diễn bút lực, trình diễn ngôn ngữ, trình diễn cá tính.
Cái khái niệm “content is king” (nội dung là vua), hoàn toàn không lạc điệu và lỗi thời, khi báo chí muốn cạnh tranh với mạng xã hội. Nhà báo không còn là người đưa tin, mà phải là nhà quan sát và nhà bình luận với nền tảng tri thức và văn hóa sâu sắc. Nói cách khác, báo chí đưa tin phải nhường chỗ cho báo chí phân tích và báo chí giải pháp. Bạn đọc không chỉ cần biết cái đang xảy ra, mà còn cần biết cái sẽ xảy ra và nên xảy ra.