Được biết, năm 2009 hệ thống cửa hàng thời trang Seven.AM chính thức xuất hiện, đến nay thương hiệu này đã có mặt tại 18 tỉnh, TP với hệ thống 24 showroom. Thương hiệu thời trang này từng nhận được nhiều giải thưởng danh giá như: “Top 20 DN toàn quốc có sản phẩm và dịch vụ được tin dùng”, “Bằng khen vinh danh thương hiệu cấp nhà nước - Top 15 DN Hội nhập và Phát triển toàn quốc”…
Những tưởng con đường phát triển của thương hiệu này sẽ rất thênh thang. Nhưng không, mới đây khách hàng của Seven.AM đã tố cáo nhiều sản phẩm của chuỗi này bị cắt mác Trung Quốc và hô biến thành hàng “made in Vietnam”.
Trước thông tin này, quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 5 cửa hàng của thương hiệu này tại Hà Nội. Các cửa hàng chưa xuất trình đầy đủ hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa nên quản lý thị trường đã tạm giữ hơn 9.000 sản phẩm để điều tra làm rõ. Trước đó, khi trả lời báo chí, ông Nguyễn Vũ Hải Anh, Tổng giám đốc MHA thừa nhận có nhập hàng Trung Quốc nhưng có hóa đơn rõ ràng, việc cắt mác cổ là do khách hàng kêu ngứa nên công ty phải cắt đi.
Dù kết luận cuối cùng phải chờ cơ quan chức năng, nhưng cách trả lời của MHA dường như lại đang tự bóp nghẹt thương hiệu của mình, nhất là khi câu chuyện gian lận xuất xứ hàng hóa đang nóng như hiện nay. Vì từ khi hình thành, thương hiệu này luôn xây dựng là nhãn thời trang Việt tầm trung, khách hàng cũng luôn tin tưởng khi khoác lên mình những bộ cánh mang thương hiệu Seven.AM, nên dù hàng nhập Trung Quốc của thương hiệu này có hóa đơn hẳn khách hàng cũng rất khó chấp nhận.
Sự việc của Seven.AM lần này lại khiến không ít người nhớ tới câu chuyện gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa của Khaisilk. Từ một thương hiệu khăn lụa cao cấp được cả các ngôi sao và chính khách tin dùng, Khaisilk bị lật mặt nhập khăn lụa Trung Quốc về cắt mác và hô biến thành khăn lụa cao cấp Việt Nam. Và lẽ đương nhiên, kết cục cho sự lừa dối ấy chính là cái chết của thương hiệu Khaisilk.
Nhưng quan trọng hơn là người tiêu dùng Việt bị mất niềm tin vào thương hiệu Việt. Niềm tin đang lung lay thì người tiêu dùng tiếp tục phải đón nhận những thông tin gian lận của thương hiệu Asanzo. Dù đến nay chưa có kết luận cuối cùng, nhưng phía Tổng cục Hải quan cũng cho biết Asanzo và các công ty liên quan có 4 vi phạm chính là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm về xuất xứ, trốn thuế.
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới như hiện nay, ở bất cứ hội thảo hay diễn đàn nào các DN đều khẳng định bên cạnh việc sản xuất hàng hóa đảm bảo chất lượng, cạnh tranh giá thành với hàng ngoại nhập, việc xây dựng thương hiệu vững mạnh là hết sức quan trọng. Có thương hiệu tốt, được tin dùng thì DN mới vững chân ngay trên sân nhà với thị trường hơn 90 triệu dân.
Song sự thực vì những lợi ích trước mắt mà không ít thương hiệu đã tự mình “giết chết” mình bởi gian lận thương mại, lừa dối người tiêu dùng. Sự việc của Seven.AM như đã nói phải chờ kết luận của cơ quan chức năng, nhưng nó làm cho hình ảnh thời trang Việt thêm yếu thế trong cuộc đua với các hãng thời trang nước ngoài đang tràn ngập thị trường Việt Nam. Khi những Zara, H&M công bố doanh thu ngàn tỷ ở Việt Nam và sắp tới là cơn lốc Uniqlo, thì phía bên này một mặt nhiều thương hiệu nội bị thâu tóm bởi các tập đoàn nước ngoài, ở một góc khác lại là sự kinh doanh thiếu trung thực.
Sau nghi vấn này, người tiêu dùng không thể tránh khỏi câu hỏi liệu còn thương hiệu Việt nào lừa dối nữa hay không, rồi khi mua hàng người Việt có còn ưu tiên chọn hàng Việt. Tất nhiên không thể đánh đồng tất cả nhất là với những DN làm ăn đàng hoàng. Và để lấy lại niềm tin tiêu dùng, không còn cách nào khác chính là sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng, những biện pháp xử phạt thật mạnh tay nếu có vi phạm. Còn với những DN khác đó chính là bài học để làm tốt hơn những gì đã làm hôm nay. Có như vậy mới xây dựng được thương hiệu mạnh trong lòng người tiêu dùng nội địa và vươn ra khu vực, thế giới.