Tín dụng tăng trưởng chậm, lãi suất thị trường giảm nhanh và nợ xấu có xu hướng gia tăng mạnh là 3 “rào cản” đến kết quả lợi nhuận của các NHTM. Đến nay dù đã xuất hiện một số điểm sáng về lợi nhuận, nhưng bình diện chung bức tranh lợi nhuận của các NHTM năm nay khá bình lặng, trong đó nhiều NHTM khó có khả năng hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra từ đầu năm.
50% khả quan
Đầu năm nhiều NHTM đặt chỉ tiêu lợi nhuận ngất ngưởng nhưng đến nay nhìn kết quả kinh doanh của các NHTM rất khó đạt con số như kỳ vọng. Những NHTMCP lớn đang có nhiều lợi thế trong tăng trưởng tín dụng thừa nhận nỗ lực lắm cũng chỉ đạt 50% kế hoạch.
Như Eximbank đặt kế hoạch lợi nhuận 2012 là 4.600 tỷ đồng, 8 tháng NH này đạt 2.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trong khi dư nợ tính đến cuối tháng 8 vẫn âm 2,3%.
Các NHTM không nên chạy theo chỉ tiêu lợi nhuận. Trong điều kiện thị trường có nhiều biến động phức tạp, giữ cho tài chính ổn định, an toàn là việc nên làm. Với khách hàng tốt, NH cho vay lãi suất thấp, biên lợi nhuận giảm nhưng tăng trưởng lợi nhuận sẽ an toàn, giúp NH quản lý được rủi ro thanh khoản. Điều này sẽ là cơ sở để NHTM bứt phá lợi nhuận trong tương lai. TS. TRẦN DU LỊCH, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia |
Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, kỳ vọng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng để đạt mục tiêu lợi nhuận, nhưng không dễ thực hiện, nhất là việc tìm kiếm khách hàng tốt để cho vay rất khó.
Theo ông Phước, chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra đầu năm là mức để phấn đấu nên NH sẽ nỗ lực thực hiện chứ không có ý định điều chỉnh. Đầu năm ACB đặt kế hoạch lợi nhuận 5.500 tỷ đồng, 8 tháng đạt được 2.300 tỷ đồng.
Sau sự cố vừa qua, lãnh đạo NH này thừa nhận khó có khả năng đạt kế hoạch lợi nhuận 5.500 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sẽ vẫn ở mức cao và đảm bảo an toàn tài chính. Năm 2012 Sacombank đặt kế hoạch lợi nhuận 3.400 tỷ đồng và đến nay đã đạt trên 50%, nhiều khả năng sẽ đạt được chỉ tiêu lợi nhuận năm nay.
Trong khi đó, một số NHTM có quy mô nhỏ và vừa có kết quả lợi nhuận dù khá khiêm tốn so với vốn điều lệ và kế hoạch lợi nhuận đặt ra từ đầu năm, nhưng vẫn khả quan trong điều kiện thị trường hiện nay. Như DongA Bank 6 tháng đầu năm đạt 750 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế/kế hoạch 1.500 tỷ đồng, nhưng ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, cho biết sẽ điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận so với ban đầu.
Năm ngoái, VietBank đạt lợi nhuận 395 tỷ đồng, 8 tháng năm 2012 VietBank đạt gần 189 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Ngoài ra, NH này cho biết trong năm nay đã tăng quỹ lương chung toàn hệ thống thêm 27%. Các NHTM khác như OCB dù đã đạt 50% kế hoạch lợi nhuận trước thuế, nhưng lãnh đạo NH này thừa nhận năm nay việc kiếm lợi nhuận không đơn giản, khi mảng kinh doanh chính là tín dụng vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khả quan.
Có nên chạy theo chỉ tiêu?
Hiện nay, nhiều NHTM kỳ vọng dư nợ tín dụng sẽ tốt lên trong 4 tháng còn lại của năm 2012, nhất là khi mùa vụ kinh doanh cao điểm của các doanh nghiệp cận kề, để cải thiện nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận. Bởi lẽ, hoạt cho vay vẫn là mảng kinh doanh đem lại thu nhập chính cho các NHTM.
Theo đó, nhiều NHTM đã giảm mạnh lãi suất cho vay thấp hơn trần huy động nhằm kích cầu tín dụng. Tuy nhiên, thách thức cho tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm là sức tiêu thụ thị trường chưa được cải thiện, hàng tồn kho tăng.
Tư vấn cho khách hàng tại HDBank. Ảnh: LÃ ANH |
Nếu NHTM cố chạy theo chỉ tiêu tín dụng, nguy cơ rủi ro nợ xấu có thể gia tăng, nhất là khi điều kiện vay vốn (tài sản bảo đảm, vòng quay dòng tiền, đầu ra thị trường) của doanh nghiệp hiện nay thấp hơn và khá bấp bênh.
Cũng có ý kiến NHTM cho rằng nếu NH quản lý tốt khoản vay và quản trị được chất lượng tín dụng để hạn chế tối đa nợ xấu thì vẫn thu được lợi nhuận tốt, chứ không phải cứ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng NH mới có lợi nhuận.
Có thể thấy, 4 tháng cuối năm sẽ tiếp tục là quãng thời gian khó khăn với các NHTM trong việc kiếm lợi nhuận, khi từ tháng 9 hoạt động cho vay trên thị trường liên NH bị siết lại. Các NHTM thừa vốn không còn nhiều cơ hội kiếm lợi nhuận lớn trên thị trường này như những năm trước đây.
Các mảng kinh doanh vàng, ngoại tệ không còn cửa kiếm lợi nhuận cao và có nguy cơ thua lỗ do trước đây bán vàng bình ổn nay phải mua lại vàng giá cao để giải quyết thanh khoản. Ngoài ra, chi phí vốn có dấu hiệu tăng trở lại khi cạnh tranh huy động giữa các NHTM bắt đầu gay gắt, một số NH đẩy lãi suất huy động kỳ hạn dài lên để giữ chân khách hàng tiền gửi. Trong khi đó, muốn cho vay ra các NHTM buộc phải giảm lãi suất để kích cầu tín dụng.
Có thể nói, bức tranh ngành NH thời gian qua với các mảng tối về nợ xấu tiếp tục leo thang, đẩy chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng cao. Trong đó nhóm nợ có khả năng mất vốn đã tăng lên đáng kể khiến không ít NH đã thực hiện được hơn 50% kế hoạch lợi nhuận, nhưng sau trích lập dự phòng đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2012 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng chênh lệch lớn giữa lãi suất cho vay và huy động đã giúp nhiều NH có lãi cao trong năm 2011. Nhưng nếu trích lập dự phòng đầy đủ, mức lãi thực không lớn như con số trong báo cáo tài chính của các NH.
Và thực tế năm nay cũng vậy, theo một chuyên gia, các NHTM có thể công bố số liệu hàng ngàn tỷ đồng, nhưng nếu phân loại nợ theo chuẩn quốc tế và trích lập dự phòng đầy đủ, lợi nhuận nhiều NHTM sẽ giảm đáng kể và không ít NH bị thua lỗ, thậm chí lỗ nặng.