Khó giữ thương hiệu Việt

9 tháng năm 2012 cả nước có khoảng 40.000 DN đóng cửa ngừng kinh doanh. Nếu tính cả năm 2011 và 2012, số DN Việt đóng cửa bằng tổng số DN đã phải đóng cửa trong vòng 20 năm trước.

Trong đó, các DNNVV là đối tượng dễ bị rời bỏ thị trường nhất, thậm chí đa số các DN này thất bại trong 5 năm đầu thâm nhập thị trường. Đáng chú ý là đến hơn 80% các DN còn trụ được trên thị trường lại rơi vào tình trạng thua lỗ.

Hiện các DN phải đối mặt với hàng loạt khó khăn về tài chính, sản xuất, phân phối, trong khi các DN nước ngoài đang lấn sân ngày càng sâu khiến thị trường tiêu thụ dần bị thu hẹp. Một yếu tố nữa khiến các DN trong nước không thể cạnh tranh được là vì hàng loạt loại thuế phí đang đè nặng lên vai.

Thí dụ hàng nông sản, thực phẩm muốn bán ra thị trường DN phải chịu các loại phí kiểm dịch, phí môi trường, phí giết mổ… trong khi vẫn phải đóng thuế với mức thuế lũy tiến tăng lên mỗi năm. Với các ngành sản xuất khác, phí vận tải đang là một vấn đề đau đầu vì mức phí này đang ngày càng tăng cao dù hệ thống giao thông vẫn chưa hoàn thiện.

Điều này khiến giá thành sản phẩm bị đội lên, DN không dám đưa ra mức giá cao nên thường xuyên hòa vốn, thậm chí chịu lỗ. Do không chịu được sức ép nên nhiều thương hiệu Việt như Tribeco có bề dày xây dựng thương hiệu 20 năm nay đã thuộc về công ty Uni President của Đài Loan, các thương hiệu như Dạ Lan, X Men, Diana cũng lần lượt bán lại cổ phần, chuyển giao công nghệ cho các công ty nước ngoài.

Việc các DN rời bỏ thị trường do quá khó khăn là điều tất nhiên, song việc các thương hiệu Việt đang dần dần mất vào tay các DN nước ngoài lại là một vấn đề rất đáng quan ngại. Để xây dựng được một thương hiệu, các DN Việt phải mất ít nhất 5-10 năm, chi phí đầu tư cũng không nhỏ.

Các công ty nước ngoài chỉ chờ thời điểm khó khăn để mua lại với giá rẻ hơn nhiều lần. Như vậy, DN Việt vừa mất trí tuệ vừa mất chi phí nhưng cuối cùng lại lỗ nặng. Tuy nhiên, để thương hiệu Việt trụ lại cũng rất khó vì năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam còn quá yếu do thị trường trong nước còn chuộng hàng ngoại.

Hơn nữa, Nhà nước chưa quan tâm đầu tư, hỗ trợ sản phẩm trong nước nên các thương hiệu Việt Nam chỉ chập chờn trước rừng thương hiệu nước ngoài. DN Việt lại không có thói quen liên kết với nhau để giữ vững thành quả nên khó đứng vững lâu dài, nhất là trong giai đoạn khó khăn như hiện nay.

Sự mất dần của các thương hiệu Việt đang là một hồi chuông báo động đối với nền kinh tế trong nước, rất cần sự can thiệp, hỗ trợ từ Nhà nước để cứu lấy các DN Việt Nam.

Các tin khác