Thông thường, tháng 12 chính là thời điểm giới đầu tư chờ đợi động thái nâng đỡ chỉ số nhằm làm đẹp NAV trong báo cáo cuối năm của các quỹ đầu tư. Tuy nhiên, kỳ vọng này khó có khả năng xảy ra trong bối cảnh cả nền kinh tế thế giới và trong nước đều đứng trước khó khăn, sóng gió.
Tại thị trường Việt Nam, thời gian gần đây khối NĐTNN đã không còn mặn mà với việc tìm kiếm cơ hội đầu tư trên sàn niêm yết. Điều này đã phần nào được thể hiện qua trạng thái bán ròng duy trì trong nhiều tháng liên tiếp vừa qua.
Theo thống kê từ CTCK Rồng Việt, tháng 11 vừa qua, các giao dịch của NĐTNN chủ yếu thông qua giao dịch thỏa thuận với tổng giá trị mua ròng xấp xỉ 395 tỷ đồng. Giao dịch mua ròng thỏa thuận của khối ngoại chủ yếu tập trung vào các mã như VIC (3,2 triệu đơn vị), FPT (2,2 triệu), MBB (5,6 triệu), KDC (1,6 triệu) và CLG (2 triệu). Trong khi đó, 2 mã bị bán thỏa thuận nhiều nhất là STB (11,9 triệu đơn vị) và AVF (1 triệu).
Trong khi đó, đối với giao dịch khớp lệnh, khối này lại bán ròng lên đến 21,3 triệu CP (tương đương giá trị hơn 256 tỷ đồng). Các mã bị bán ròng mạnh nhất chủ yếu thuộc nhóm bất động sản, xây dựng và dịch vụ tài chính. Chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng giá trị bán ròng là HAG, CTG, ITA, NTL, PVF, PPC, STB, SJS, SSI và BVH.
Chính từ động thái của khối ngoại trong thời gian gần dây, có thể khẳng định sẽ khó có đợt sóng tăng trong tháng cuối của năm như thường lệ.
Thậm chí, tình hình có thể diễn đi theo chiều hướng ngược lại. Khác với các năm vừa qua, kinh tế thế giới hiện đang chứa đựng nhiều bất ổn khiến các quỹ đầu tư đứng trước áp lực giải thể do các khoản đầu tư hầu hết mất giá mạnh.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài tại các thị trường mới nổi bị rút mạnh để bù đắp cho các khoản đầu tư trong nước của họ. Hiện tại, danh mục đầu tư của NĐTNN chủ yếu nắm giữ các CP có tỷ trọng lớn trong rổ tính điểm thị trường. Do đó, áp lực bán của khối ngoại có thể sẽ khiến các chỉ số diễn biến xấu hơn sau khi đợt sóng tăng kết thúc.