Thế nhưng, thời gian qua, nhiều người dân đã phản ánh đến Báo SGGP khi đi làm thủ tục về nhập, tách hộ khẩu thường trú và đăng ký tạm trú đã bị một số cơ quan chức năng làm khó, gây phiền hà…
Đủ kiểu làm khó
Ông Tô Hà Vũ, có hộ khẩu thường trú ở phường 2 (quận Tân Bình), đón mẹ ruột từ Đà Nẵng vào sống chung gần 1 năm nay để tiện việc chăm sóc tuổi già. Cách nay 3 tháng, ông Hà Vũ đến Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận Tân Bình làm thủ tục nhập hộ khẩu cho mẹ. Ông Hà Vũ cho biết: “Lúc đầu họ nói chỉ cần hộ khẩu, CMND bản chính, khai sinh và đơn xin nhập hộ khẩu theo mẫu in sẵn. Nộp vào lại bảo phải có xác nhận của Công an Đà Nẵng và hộ khẩu gốc của mẹ tôi thể hiện trước kia tôi sống với mẹ trong cùng hộ khẩu. Về Đà Nẵng làm các thủ tục đó, nộp vào lại bị trả ra với lý do khai sinh của tôi, phần ghi họ và tên hơi mờ, cần trích lục bản chính. Tôi phải ra tận Nghệ An nơi sinh của mình trích lục khai sinh để họ đối chiếu. Tới nay gần 3 tháng rồi cũng chưa được giải quyết, và cũng không có cơ quan nào trả lời, hay giải thích gì”.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính tại Đội Cảnh sát Quản lý hành chính
về trật tự xã hội, Công an quận Tân Bình. Ảnh: HOÀI NAM
về trật tự xã hội, Công an quận Tân Bình. Ảnh: HOÀI NAM
Xin nhập hộ khẩu đã khó vậy, còn trường hợp của chị Nguyễn Thị Phúc, phóng viên Báo SGGP thường trú tại Văn phòng đại diện của báo tại Đà Nẵng xin tách hộ khẩu thường trú từ xã Trung Chánh (huyện Hóc Môn) để nhập về Đà Nẵng mà hơn 1 năm nay đi lại từ Đà Nẵng, đến TPHCM và tỉnh Gia Lai (nơi trước kia chị sống với cha mẹ) không biết bao nhiêu lần mà vẫn chưa được giải quyết.
Trong đơn cứu xét lần thứ nhất, ngày 23-10-2018, chị Phúc viết: “Năm 2006 tôi đăng ký kết hôn với ông Nguyễn Thanh Minh, nhập hộ khẩu thường trú tại xã Trung Chánh. Đến năm 2012, tôi ly hôn với ông Minh, cùng đứa con 3 tuổi về tạm trú với cha mẹ tại Gia Lai. Đến năm 2016, tôi vào làm việc tại Báo SGGP, được phân công về Văn phòng đại diện báo tại Đà Nẵng và chuyển hộ khẩu tạm trú theo địa chỉ sinh sống ở Đà Nẵng. Nhiều lần về xã Trung Chánh làm thủ tục tách hộ khẩu, công an đều nói phải có ý kiến của ông Minh và hộ khẩu bản chính. Tìm gặp ông Minh nhiều lần không được, tôi lên công an xã thì được giới thiệu lên công an huyện, lên huyện lại nói về xã. Đến ngày 19-3-2019, tôi lại từ Đà Nẵng vào TPHCM làm đơn cứu xét lần 2 và gửi đi khắp nơi, cũng chẳng cơ quan nào giải quyết, xã cứ nói lên huyện, huyện lại nói về xã…”.
Ngày 8-10, chúng tôi gặp Trung tá Nguyễn Văn Cường, Trưởng Công an xã Trung Chánh, đề nghị trả lời về việc này. Ông Cường nói: “Trường hợp này tôi có biết và đã nói anh em hướng dẫn chị Phúc gửi đơn lên công an huyện giải quyết. Trên đó họ chưa có ý kiến gì, về đây đâu dám cắt hộ khẩu của người ta…”.
Xin tạm trú cũng phải “vui vẻ với anh em”
Đến Công an xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn), gặp ông Văn, người đứng tên trong hộ khẩu thường trú của bà Tôn Nữ Nhật L., ngụ ấp Trung Đông, đang bày sắp giấy tờ, bản khai đăng ký tạm trú cho cô cháu gái. Thấy túi áo ông Văn thò ra cái bao thư, chúng tôi hỏi: “Làm tạm trú cũng phải có bao thư hả ông?”, “Có chứ, quan hệ xã hội mà, muốn nhanh phải “vui vẻ” với anh em”, ông Văn nói. “Tạm trú thì bao nhiêu?”, chúng tôi hỏi. “Cái này không có giá cả, nói ra anh em phê bình chết. Nhưng nhẹ cũng một chầu bia, còn tùy”. Cô cháu gái ngồi cạnh, nói thêm: “Mình không biết thủ tục sao thì chịu tốn chút cho nhanh”…
Tại các ấp 1, 5, 6, 7, xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), người dân cũng phản ánh nhiều về những tiêu cực trong thủ tục xin đăng ký tạm trú. Cụ thể, xin đăng ký tạm trú lần đầu mất 1 triệu đồng, gia hạn thì 500.000 đồng. Tất cả thủ tục đều làm ở dưới ấp, từ công an khu vực đến ban điều hành ấp, rồi mới nộp lên công an xã.
Tôi gặp bà Nguyễn Thị Dung tại Công an xã Đông Thạnh, cùng người cháu đi làm thủ tục gia hạn đăng ký tạm trú. Đưa tôi xem phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, bà Dung nói: “Tôi xin tạm trú với con trai. Mà hai vợ chồng nó có nhà 10 năm ở đây rồi vẫn chưa được nhập hộ khẩu. Tạm trú thì cứ phải đi gia hạn, mỗi lần vừa tốn tiền, mất cả công”.
Phản ánh những tiêu cực này đến ông Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh, ông nói: “Xã có hơn 70.000 dân, hơn 52% là tạm trú, xã quản không nổi ở dưới các ấp. Có nghe nói tiêu cực đó, còn cụ thể thì chưa có phản ánh của dân. Mấy tháng trước xã kiểm tra, phát hiện và xử lý 1 công an viên ở ấp 6 có liên quan đến đăng ký tạm trú. Vừa qua, xã cũng đã cho thôi chức đối với 3 trưởng ấp, tới đây sẽ xử lý tiếp các phó ấp, vì có liên quan chuyện hộ khẩu”.