Khổ nhục kế?

Việc các doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh thấp sau một năm 2012 đầy khó khăn và 2013 còn rất nhiều thách thức là điều dễ hiểu. Nhưng không phải trường hợp nào cũng hợp lý lẽ mà trái lại, những rủi ro tiếp tục đổ dồn lên các cổ đông nhỏ lẻ.

Việc các doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh thấp sau một năm 2012 đầy khó khăn và 2013 còn rất nhiều thách thức là điều dễ hiểu. Nhưng không phải trường hợp nào cũng hợp lý lẽ mà trái lại, những rủi ro tiếp tục đổ dồn lên các cổ đông nhỏ lẻ.

Ngày 11-3 vừa qua, HĐQT Viglacera Đông Anh (DAC) đã công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh 2013 để trình ĐHCĐ, đáng chú ý là công ty đề ra chỉ tiêu lợi nhuận 0 đồng.

“Người anh em” của DAC là Viglacera Từ Sơn (VTS) cũng đệ trình kế hoạch tương tự tại ĐHCĐ tổ chức vào cuối tháng 2 và đã được thông qua.

Năm ngoái, một CTCK cũng đặt ra kế hoạch hòa vốn tại ĐHCĐ và được thông qua. Tính đến thời điểm này, những trường hợp đề ra chỉ tiêu “hòa vốn là đủ” vẫn chỉ là thiểu số, nhưng không vì vậy mà không ẩn chứa các rủi ro.

Năm 2012, không ít CP họ Viglacera gặp khó khăn trong kinh doanh, có trường hợp “thập tử nhất sinh”. Hòa vốn với có một khoản lãi nhỏ, thoạt nhìn giống nhau, nhưng thực ra không phải như vậy.

Doanh nghiệp có lãi, dù ít nhưng vẫn mang màu sắc tích cực hơn, còn đặt kế hoạch hòa vốn giống như doanh nghiệp chỉ muốn sống “cầm hơi”, điều đó cho thấy sự yếm thế. Và như vậy, những tín hiệu sáng sủa cho CP Viglacera vẫn ở chế độ “chờ”.

Một điều đáng lo là đã có vài doanh nghiệp tiên phong sẽ có những doanh nghiệp khác không ngại ngần gì để bắt chước, cũng đặt kế hoạch 0 đồng lợi nhuận. Điều này nếu xảy ra trên diện rộng, xem như triệt tiêu động lực của các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông.

Việc nhiều doanh nghiệp thua lỗ trong năm 2012 đã dẫn đến sự nhiễu loạn trong kế hoạch kinh doanh. Nói một cách đơn giản, năm ngoái thua lỗ, năm nay đặt kế hoạch hòa vốn đã là tiến bộ. Nhưng cũng không loại trừ trường hợp, năm trước doanh nghiệp dồn toàn bộ thua lỗ của mình để làm sạch sổ sách cho năm nay sẽ có những khoản lãi bất ngờ.

Như vậy, việc đặt những kế hoạch kinh doanh thấp, thậm chí rất thấp sẽ nhằm những mục đích tạo ra bất ngờ với nhiều mục đích. Từ việc tạo ra thông tin để đẩy giá CP tăng mạnh, cho đến việc ban lãnh đạo công ty lãnh thưởng vì đã vượt kế hoạch kinh doanh. 

Năm 2012, Lafooco (LAF) đã lỗ hơn 152 tỷ đồng, lớn hơn cả vốn điều lệ 147 tỷ đồng của công ty. Điều này khiến khoản lỗ lũy kế của LAF trên bảng cân đối kế toán lên đến hơn 140 tỷ đồng. Năm nay, LAF đề ra chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế gần 52 tỷ đồng.

Như vậy, nếu công ty hoàn thành được chỉ tiêu này, khoản lỗ lũy kế tính đến hết năm 2013 vẫn còn khoảng 90 tỷ đồng. Vấn đề nằm ở chỗ năm rồi LAF đã bị thua lỗ, nên cũng không thể xác định được kế hoạch LAF là vừa tầm hay quá tầm của công ty.

Sắp tới, CTCP Xây dựng số 9 (VC9) sẽ trình ĐHCĐ kế hoạch kinh doanh 2013, theo đó tỷ lệ cổ tức kế hoạch 10%, có phần giảm hơn so với mức dự kiến 14% của năm 2012. Rất khó để đánh giá VC9 đưa ra kế hoạch có phù hợp hay chưa.

Trong một chừng mực nào đó, thị trường bất động sản, xây dựng gặp nhiều khó khăn, thì việc VC9 làm ăn có lãi, có thể chia cổ tức cho các cổ đông là điều khá tích cực vì nhiều doanh nghiệp cùng ngành còn đang thua lỗ, nợ nần. Nhưng mặt khác, với đặc thù hoạt động, cũng như hạch toán của các doanh nghiệp trong ngành này, việc xác định kết quả kinh doanh thực tế là không dễ dàng gì.

Một trường hợp cuối cùng cũng có thể gây nhiễu về kế hoạch kinh doanh cho các cổ đông đó chính là các doanh nghiệp đã tiến hành điều chỉnh kế hoạch của năm 2012.

Lấy thí dụ đơn giản: Ban đầu doanh nghiệp A đề ra kế hoạch năm 2012 lãi 100 tỷ đồng, sau đó lại điều chỉnh giảm xuống còn 50 tỷ đồng và kết quả thực tế đạt 55 tỷ đồng. Như vậy A đã vượt kế hoạch điều chỉnh.

Năm 2013 này, A đề ra kế hoạch 60 hoặc 80 tỷ đồng. Mới nhìn có thể thấy A vẫn nỗ lực tăng trưởng, nhưng thực ra kế hoạch cho năm 2013 còn kém hơn cả kế hoạch 2012. Với việc doanh nghiệp “hạ mình” trong năm 2012, tác dụng đem lại thực ra không chỉ cho năm 2012 mà còn tác động đến cả năm 2013.

Vấn đề là thông thường các DN vẫn có thói quen lờ đi việc thay đổi kế hoạch kinh doanh, chỉ có một số ít điều chỉnh và công bố rõ ràng lý do. Điều này đã dẫn đến những ngộ nhận cho các cổ đông, NĐT. Đã có doanh nghiệp sử dụng chiêu này nhằm “mông má” cho việc hoàn thành kế hoạch của mình cũng như đặt mục tiêu cho những năm tiếp theo. 

Các tin khác