Từ hôm nay (4-9), nhà đầu tư được bán chứng khoán trong ngày T+3, nhưng khó có thể rút ngắn thời gian thanh toán xuống ngắn hơn nữa.
Bước cải tiến sau 12 năm.
Từ trước đến nay, sau khi mua cổ phiếu ngày T, 3 ngày sau (tức ngày T+3), lúc 16 giờ, cổ phiếu mới về đến tài khoản, và đến ngày T+4, nhà đầu tư mới có cổ phiếu để bán.
Điều này đã khiến cho nhiều nhà đầu tư bức xúc vì thời gian cổ phiếu về đến tài khoản quá dài. Nhưng từ hôm nay, cổ phiếu sẽ về tài khoản vào lúc 9 giờ sáng ngày T+3, trước giờ bắt đầu phiên giao dịch sáng và nhà đầu tư có thể bán sớm hơn một ngày.
Theo ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, để làm được điều này cả Trung tâm lưu ký chứng khoán lẫn Ủy ban Chứng khoán và các công ty chứng khoán đã mất nhiều thời gian chuẩn bị. Trong đó có việc cải tiến công nghệ ở Trung tâm lưu ký, thay đổi các quy định về thời gian thanh toán.
Việc làm này, theo ông Sơn, giúp thị trường chứng khoán có thêm niềm tin vào sự cải tổ thị trường của cơ quan quản lý, đồng thời cũng giúp cho thanh khoản của thị trường được cải thiện tốt hơn.
Một chuyên gia phân tích cho rằng thanh khoản thị trường có thể tăng 20-30% từ việc cải tổ này nhưng vị này cũng không cho biết cách tính cụ thể.
Câu chuyện rút ngắn thời gian thanh toán đã được bàn đến rất nhiều trong cả 12 năm qua, từ khi thành lập thị trường, và trong 3 năm trở lại đây, không ít lần Ủy ban Chứng khoán cho biết “sắp” triển khai T+2, nhưng trên thực tế, quyết tâm thực hiện của cơ quan quản lý chỉ bắt đầu từ tháng 4 năm nay, và cũng không rút ngắn xuống được T+2 mà chỉ dừng ở sáng ngày T+3.
Trong khoảng thời gian 5 tháng, cơ quan này đã tích cực lấy ý kiến của nhiều phía, trong đó có các ngân hàng lưu ký nước ngoài, phục vụ các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Sơn, có nhiều ngân hàng nước ngoài cho rằng nên kéo dài thời gian chuẩn bị vì múi giờ khác và quy trình báo cáo với ngân hàng mẹ cũng khác nhưng các thành viên trong nước lại rất quyết tâm vì cho rằng diễn biến thị trường sẽ tốt hơn khi áp dụng T+3.
Ông Sơn cho rằng, việc thực hiện T+3 sẽ mở đầu cho việc thay đổi thời gian giao dịch buổi chiều cho hợp lý, không quá sớm như hiện nay, bắt đầu giao dịch lúc 13 giờ 30 phút và kết thúc lúc 15 giờ. Tuy vậy, ông Sơn cũng cho biết việc thay đổi này sẽ sau vài tháng để việc áp dụng T+3 đã trở nên bình thường.
Khó rút ngắn thêm nữa
Theo tổng giám đốc một công ty chứng khoán có vốn đầu tư nước ngoài, việc thanh toán kéo dài khiến cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi đến Việt Nam đầu tư cảm thấy không an tâm. Họ cho biết nếu muốn rút tiền ra khi có trường hợp khẩn cấp thì không dễ dàng.
Nhà đầu tư trong nước cũng chậm quay vòng vốn/chứng khoán, ảnh hưởng đến thanh khoản chung của thị trường và sức hút của thị trường chứng khoán Việt Nam. Vì vậy Ủy ban Chứng khoán nên rút ngắn hơn nữa thời gian thanh toán.
Tuy nhiên, theo phó giám đốc một công ty chứng khoán lớn, việc rút ngắn thời gian giao dịch xuống T+3 là một bước cải tiến lớn của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng trên thực tế việc rút ngắn này chỉ là nhờ vào việc thực hiện sớm các bước trong quy trình, không phải cải tiến hay thay đổi quy trình thanh toán bù trừ hiện tại. Vì vậy, vị này cho rằng trong 2 năm tới, khó có chuyện thời gian thanh toán được rút ngắn hơn nữa.
Theo vị này, như hiện tại ở Nhật, Hàn Quốc, nhà đầu tư có thể mua bán chứng khoán trong ngày do quy trình thanh toán nhanh gọn và hệ thống công nghệ hỗ trợ tốt.
Ở một số nước khác thì thời gian thanh toán cũng chỉ là T+1, thực tế trong quy trình giao dịch của các nước rất ít có phần so khớp số dư tài khoản giữa công ty chứng khoán và trung tâm lưu ký, đồng thời với hệ thống phần mềm hiện đại của các nước thì không cần quá nhiều trung gian tham gia vào quy trình thanh toán nên thời gian được rút gọn.
Muốn cải tiến hệ thống này chỉ có thể mua hệ thống phần mềm mới, thay đổi cả hệ thống thanh toán bù trừ, hệ thống lưu ký, giới hạn quyền của công ty chứng khoán, thay đổi quy trình thanh toán. Đồng thời cũng phải thay đổi luật lệ cho phù hợp, quản lý rủi ro kỹ càng như cơ chế cho vay chứng khoán giữa các công ty với nhau sao cho ngắn lại thì mới mong rút thời gian thanh toán xuống T+2.
Những bước này đúng là các cơ quan quản lý đang khởi động, nhưng không thể nhanh chóng thay đổi một sớm một chiều nên việc rút ngắn thời gian thêm nữa là không dễ.