TPHCM là địa phương đã mở ra nhiều cơ chế hỗ trợ về vốn cho DN thông qua các chương trình kích cầu đầu tư cũng như quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, thực tế có nhiều DN có kế hoạch tốt và dự án đầu tư khả quan nhưng vẫn khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ này.
Gói kích cầu mới cho vốn dài hạn
Để được vay vốn theo chương trình kích cầu, DN phải thuộc danh sách phê duyệt của UBND TPHCM. Tuy vậy, dù nằm trong danh sách chương trình kích cầu, không có nghĩa 100% dự án đều có thể tiếp cận được. Bởi lẽ nguồn vốn ưu đãi cũng có giới hạn. Vì vậy, chỉ chọn ưu đãi những dự án thực sự khả thi, có yếu tố pháp lý đầy đủ. Ông DIỆP DŨNG, |
Cuối tuần qua, tại hội nghị triển khai Quyết định 33 của UBND TPHCM về việc mở chương trình kích cầu mới, TPHCM xác định năm nay sẽ dành số vốn tài trợ 8.000 tỷ đồng cho chương trình kích cầu, trong đó mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất lên đến 100 tỷ đồng cho một dự án, và thời gian hỗ trợ lãi vay lên đến 7 năm dành cho các dự án trên địa bàn TPHCM.
Trong đó ưu tiên các dự án đầu tư xây dựng mới, mở rộng quy mô, đổi mới kỹ thuật, công nghệ, thiết bị; các dự án đầu tư thực hiện tại Lào, Campuchia do đơn vị cấp TP lập và được trình duyệt theo quy định hiện hành, được các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng hoạt động trên địa bàn TPHCM chấp thuận.
Mức lãi suất hỗ trợ theo thực tế nhưng tối đa không quá mức lãi suất huy động tiền bằng VNĐ kỳ hạn 12 tháng bình quân của 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn TPHCM (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) công bố hàng tháng (loại trả lãi sau) cộng thêm phí quản lý từ 1-2%/năm.
Ông Phạm Linh, Phó Tổng giám đốc OCB, cho rằng gói kích cầu này của UBND TPHCM là một biện pháp hỗ trợ kịp thời cho các DN; trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, từ đầu năm đến nay các DN khó tiếp cận được dòng vốn giá rẻ từ ngân hàng.
![]() |
Do điều kiện để được hỗ trợ lãi suất rất khắt khe, các DN nhỏ và vừa khó có thể vay được vốn kích cầu. (Ảnh: Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty Nam Hoa). Ảnh: Lã Anh |
Thực tế, từ năm 2000 đến nay TPHCM đã triển khai chương trình kích cầu thông qua đầu tư, trong đó có nhiều dự án được UBND TPHCM duyệt nhưng không phải tất cả đều được giải ngân. Theo số liệu của Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM, từ ngày 7-4-2000 đến 26-2-2009 UBND TPHCM đã thông qua 652 dự án với tổng vốn đầu tư 20.374 tỷ đồng.
Nhưng do nhiều nguyên nhân như yếu tố thị trường, khả năng huy động vốn đầu tư, tình hình tài chính của chủ đầu tư... nên đã có 387 dự án bị rút khỏi chương trình, còn lại 265 dự án đã ký hợp đồng tín dụng với hạn mức 5.278 tỷ đồng, số vốn đã giải ngân 4.882 tỷ đồng, lũy kế số tiền ngân sách đã cấp bù cho các dự án trên là 689,87 tỷ đồng.
Giai đoạn 2 theo Quyết định 20 (tính từ ngày 27-2-2009 đến 31-12-2010) UBND TPHCM đã có 6 đợt phê duyệt với 109 dự án, đến nay có 66/109 dự án đã được ký hợp đồng tín dụng với hạn mức 3.048 tỷ đồng và số vốn đã giải ngân 2.517 tỷ đồng. Lũy kế số tiền ngân sách đã cấp bù cho dự án trên đến nay là 151,94 tỷ đồng (trong đó 7 tháng đầu năm 2011 là 44,77 tỷ đồng).
Nhiều rào cản
Ông Trang Trung Sơn, Trưởng phòng Kinh tế của Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM, cho rằng TPHCM có nhiều chính sách hỗ trợ cho DN nhưng chưa đi vào cuộc sống thực tiễn vì nhiều nguyên nhân. Trong đó, phần lớn là DN nhỏ và vừa, hệ thống sổ sách chứng từ kế toán không minh bạch, thiếu tài sản thế chấp. Vì vậy, khó được ngân hàng thương mại đồng ý cho vay.
Trong bối cảnh chính sách tín dụng chưa nới rộng, ngân hàng không mặn mà cho vay qua quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ, trong khi DN cũng ngại vay lãi suất cao lên đến 20-21%/năm. Điều này dẫn đến tình trạng luẩn quẩn, DN nhỏ thiếu vốn, không có tài sản thế chấp lại đang hoạt động thua lỗ nên càng khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Ông TRẦN BỬU LONG, |
Chưa kể, các DN nghiên cứu thị trường chưa kỹ, chưa thấy đầu ra của dự án vay vốn. Đại diện Sở Công Thương TPHCM cũng cho rằng ngoài việc chưa quan tâm đến sổ sách kế toán, bản thân nhiều DN cũng chưa hiểu thấu đáo các thủ tục vay vốn nên hồ sơ dự án không đảm bảo yêu cầu.
Vì vậy, trong thời gian tới công tác tuyên truyền đưa chính sách hỗ trợ đến đúng đối tượng DN cần được quan tâm và cũng cần có tổ chức hướng dẫn thông qua công ty tư vấn. Bên cạnh đó, các DN nên thường xuyên nắm bắt cập nhật chính sách hỗ trợ thông qua các hiệp hội ngành nghề.
Theo đại diện Hiệp hội DN huyện Hóc Môn, hiện nay các DN ở địa phương rất đói vốn. Từ đầu năm đến nay các ngân hàng thương mại hạn chế cho vay, nay giảm lãi suất cho vay thì các DN nhỏ và vừa càng khó tiếp cận được dòng vốn rẻ ấy. Vì vậy, các chính sách kích cầu của TPHCM rất hấp dẫn đối với DN, tuy nhiên, làm thế nào tiếp cận được dòng vốn rẻ ấy là điều đáng bàn.
Điều kiện để được hỗ trợ lãi suất rất khắt khe. Nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đó, DN nhỏ và vừa khó có thể vay được vốn kích cầu. Ngay như Quỹ Bảo lãnh tín dụng TPHCM đã nâng vốn bảo lãnh của quỹ lên gần 300 tỷ đồng nhưng từ đầu năm đến nay rất ít DN được vay vốn thông qua quỹ này. Tính từ đầu năm đến nay dư nợ bảo lãnh thông qua quỹ chỉ trên dưới 200 tỷ đồng.