Chia cổ tức “khủng”
Trong giai đoạn 2010-2014, tăng vốn điều lệ (VĐL) nhằm mục tiêu gia tăng năng lực tài chính, củng cố “sức khỏe” là đề bài khó cho các NHTM. Thời điểm đó, vào đầu năm các NH lại rầm rộ công bố kế hoạch tăng vốn với nhiều phương án được đưa ra, như tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài, chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu thưởng, chào bán cổ phiếu cho đối tác chiến lược, cổ đông hiện hữu, chào bán ra công chúng… Thế nhưng, rất hiếm nhà băng tăng vốn thành công trong những năm này.
Từ năm 2015, việc tăng vốn bắt đầu đổi chiều khi hoạt động mua bán và sáp nhập NH được đẩy mạnh. Các năm về sau, đà tăng vốn mạnh hơn nhờ các nhà băng kinh doanh khởi sắc, lợi nhuận tăng trưởng mỗi năm tốt hơn. Thế nhưng, NHNN khuyến khích các NH chia cổ tức bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt để tăng VĐL, hỗ trợ tăng trưởng hoạt động cho vay và chống đỡ rủi ro. Thậm chí, một số NH đang tái cơ cấu chịu sự quản lý của NHNN trong việc quyết định vấn đề chia cổ tức.
Bắt đầu từ năm 2020, hình thức chia cổ tức bằng tiền mặt bị NHNN thắt chặt. Cơ quan quản lý ngành NH yêu cầu các nhà băng không chia cổ tức bằng tiền mặt để xử lý các khoản nợ xấu, trái phiếu VAMC. Cũng kể từ đó, các nhà băng rất sốt sắng với kế hoạch chia cổ tức, NH càng có quy mô lớn, lãi nhiều càng chia cổ tức với tỷ lệ rất cao. Tiếp nối xu hướng đó, năm nay tỷ lệ chia cổ tức “khủng” của ngành NH lại thu hút sự chú ý của thị trường.
Ngày 16-3, VIB mở màn mùa ĐHCĐ của ngành NH, đã thông qua kế hoạch tăng VĐL lên trên 21.000 tỷ đồng, tăng 35,7%. Để đạt được mức tăng này, NH đưa ra phương án chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và chia cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ nhân viên (ESOP) tỷ lệ 0,7% từ nguồn vốn chủ sở hữu. Hay OCB cũng dự kiến duy trì mức cổ tức 20-25% cho cổ đông, song HĐQT đang cân nhắc trước khi trình cổ đông tại ĐHCĐ sắp tới.
Cơ hội nhận cổ tức bằng tiền mặt còn xa
Ở góc độ các NH, yêu cầu chia cổ tức bằng cổ phiếu giúp họ danh chính ngôn thuận thoát áp lực chia cổ tức bằng tiền mặt, tăng vốn nhanh (khi cửa tăng vốn bằng cách thu hút đối tác chiến lược nước ngoài quá hẹp). Vài năm gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã rút chân khỏi các NH Việt Nam, khoảng trống này chưa có nhà đầu tư mới lấp đầy dù các NH vẫn nỗ lực đàm phán với nhiều đối tác. Còn việc phát hành cổ phiếu ra công chúng, trong các năm qua nhiều NH nỗ lực thực hiện nhưng khả năng thành công cũng hiếm hoi.
Vì thế, chia cổ tức bằng cổ phiếu trở thành hướng đi tốt nhất để tăng vốn nhanh. Phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức vừa tăng VĐL nhanh, vừa giúp NH tránh được việc chia sẻ quyền quản lý, kiểm soát công ty của các cổ đông mới. Thế nên, năm 2021 dù NHNN không yêu cầu, các nhà băng cũng đồng loạt triển khai phương án này. Sau khi NH công bố kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt bậc trong năm 2021, nhiều cổ đông kỳ vọng có tín hiệu mới về chia cổ tức bằng tiền mặt. Nhưng đầu năm 2022, NHNN lại yêu cầu các NH không chia cổ tức bằng tiền mặt để dành nguồn lực giảm thêm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Với cổ đông, từ năm 2020 đến nay, thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại, các NH lần lượt niêm yết trên sàn khiến việc chia cổ tức bằng cổ phiếu không còn bị phản đối gay gắt như trước. Nhưng với hình thức này, cổ đông có nhiều cổ phiếu hơn sau khi nhận cổ tức, giá của mỗi cổ phiếu bị pha loãng lớn. Số lượng cổ phiếu tăng thêm bao nhiêu phần trăm, giá trị mỗi cổ phiếu giảm đi bấy nhiêu phần trăm, tức tài sản của cổ đông không thay đổi nhiều.
Đồng thời, kể từ ngày tiến hành chia cổ tức, cổ đông phải chờ 2-3 tháng để cổ phiếu mới phát hành về tài khoản, sau đó mới có thể bán. Nhìn chung, cổ đông là người góp vốn vào NH nhưng mỗi cổ đông chỉ nắm giữ tỷ lệ nhỏ nên không có tiếng nói. Trong khi NHNN là cơ quan quản lý nhưng có quyền quyết định hình thức chia cổ tức của các NH. Khi NHNN không nhúng tay vào vấn đề này, ông chủ của NH sẽ là người quyết định.
Trước đây khi các NH vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu, lãnh đạo đưa ra muôn vàn lý do giải thích việc giữ lại lợi nhuận, không chia cổ tức. Nhiều lãnh đạo NH hứa với cổ đông sau khi xử lý được các vấn đề tồn đọng, thu hồi được nợ xấu, không còn áp lực tăng VĐL sẽ trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông đã gắn bó lâu năm. Đến nay, lợi nhuận NH là bức tranh phủ màu tươi sáng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng theo báo cáo của đa số NH đều dưới 3%, trong đó có rất nhiều NH có tỷ lệ nợ xấu dưới 2%, song lời hứa “tiền tươi thóc thật” vẫn chỉ là lời hứa, chỉ vì áp lực tăng VĐL đè nặng trên vai.
Dù sao, cổ đông các NH được chia cổ tức bằng cổ phiếu vẫn còn hơn một số NH đã rất nhiều năm không hề đả động đến việc chia cổ tức, cổ phiếu không giao dịch được khiến cổ đông chỉ biết "ngậm bồ hòn". Suy cho cùng, đầu tư vào cổ phiếu NH chỉ có lợi nếu thị giá cổ phiếu tăng lên, còn lợi về cổ tức vẫn còn thua xa các ngành khác. Vì quyền quyết định luôn vẫn nằm trong tay các NH, trong khi họ vẫn mãi theo đuổi bài toán tăng vốn để lớn mạnh hơn, thay vì để ý đến quyền lợi của cổ đông.
Với áp lực tăng VĐL đè nặng trên vai, cơ hội nhận cổ tức bằng tiền mặt của các cổ đông tại các NHTM vẫn còn xa vời. |