(ĐTTCO) - Con tàu kinh tế dù khỏe đến mấy cũng oằn lưng nếu phải cõng một bộ máy lực lưỡng vượt xa sức chịu đựng.
Theo đó, dù tài nguyên phong phú, thiên nhiên ưu đãi tới mức nào và có giàu đến đâu cũng không gánh nổi bộ máy công chức cồng kềnh và không hiệu quả - tác nhân ngốn hết nguồn lực chi đầu tư, là điểm nghẽn làm suy giảm tăng trưởng kinh tế.
Theo báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, hiện cả nước có gần 3 triệu công chức, viên chức (CCVC) đang làm việc và hưởng lương ngân sách nhà nước (NSNN), tương đương tỷ lệ 30,5 CCVC/1.000 dân. Công chức nhiều dẫn tới mức chi trả NSNN quá lớn. Tỷ trọng chi tiền lương trong tổng chi NSNN và trên GDP ở Việt Nam hiện lên gần 10%, cao nhất trong khu vực.
Còn theo báo cáo của Bộ Tài chính về thu chi NSNN 9 tháng năm 2017, tổng chi từ đầu năm đến ngày 15-9 ước đạt 851.5000 tỷ đồng, bằng 61,2% dự toán năm. Trong đó, chi thường xuyên đạt 623.000 tỷ đồng, chiếm hơn 73% tổng chi. Trong chi thường xuyên bao gồm cả chi an sinh xã hội, chi lương, chi nuôi bộ máy.
Điều đáng lo ngại, mức chi này tăng rất mạnh trong những năm gần đây. Năm 2015 chi thường xuyên 788.500 tỷ đồng trong tổng chi 1.265.625 tỷ đồng; năm 2016 chi thường xuyên tăng lên 836.000/1.360.150 tỷ đồng tổng chi, cho thấy chi thường xuyên đã áp đảo mọi khoản chi tiêu khác trong NSNN.
Trong khi đó, năng suất lao động của Việt Nam luôn nằm trong diện thấp của khu vực và trên thế giới. Biên chế tràn lan đã khiến bộ máy hành chính công hoạt động kém hiệu quả. Đó là việc chỉ khoảng 70% CCVC đáp ứng được nhu cầu công việc, 30% còn lại đang được coi là dư thừa, trở thành những con bệnh đáng lo ngại với xã hội.
Bởi cứ vào được biên chế là họ có thể an tâm ngồi lỳ hết đời, ngang nhiên đòi hỏi mọi chế độ phúc lợi ngay cả khi... chẳng làm gì. Hưởng lương từ tiền thuế của dân nhưng họ tự cho mình quyền hành dân, trong khi năng lực cũng như tinh thần trách nhiệm trước công việc phần lớn ở mức trung bình hoặc thấp.
Điều nghịch lý là một nền hành chính cồng kềnh, ì ạch, dôi dư cả triệu người như vậy lại vẫn cứ ngày một phình to. Với gần 3 triệu CCVC, chỉ cần làm phép tính nhẩm cũng ra ngay con số thuộc diện có cũng như không này khoảng 1 triệu. Nghĩa là hơn 100 người dân phải nuôi không 1 người vô công rồi nghề mang danh công chức.
Theo tính toán, số tiền hàng năm (gồm tiền lương, khấu hao tài sản, phúc lợi, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chi phí đi lại và những khoản tiền khác được gọi là văn phòng phí) phải trả cho số CCVC này khoảng 70.000 tỷ đồng, nhiều hơn toàn bộ số tiền thu được từ xuất khẩu gạo năm 2012; hoặc có thể mua được số bò giúp Chương trình Lục lạc vàng duy trì liên tục 1.500 buổi, với khoảng 9.000 gia đình nông dân thuộc dạng nghèo nhất nước có cơ hội thoát nghèo.
Con số trên chưa kể còn khoảng gần 8 triệu người hưởng lương và mang tính chất lương từ NSNN. Tính chung chi phí cho toàn hệ thống tổ chức, hội đoàn trên cả nước, hàng năm NSNN phải bỏ ra 45.600-68.100 tỷ đồng, tương đương 1-1,7% GDP. Chủ trương, chính sách, dù tích cực, ưu việt đến mấy, thật khó đi vào cuộc sống mà không bị méo mó, lạm dụng, khi được chuyển hóa qua đội ngũ CCVC làng nhàng và bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc.
Đây cũng là môi trường lý tưởng cho nạn tham nhũng phát sinh. Và nếu cứ tiếp tục bội chi để nuôi bộ máy này, sẽ đến lúc trần nợ công bị phá vỡ. Người dân đi làm chỉ để trả nợ, Chính phủ phải vay tiền về để chi ăn, chi nuôi CCVC.
Tinh gọn bộ máy, biên chế là lĩnh vực khó, nhạy cảm, nhưng không thể không tiến hành. Đã đến lúc bộ máy hành chính nhà nước phải được sắp xếp lại theo hướng gọn nhẹ, đa chức năng, không chồng chéo, nhằm giảm bớt nhân lực dư thừa, góp phần tạo thêm nguồn tài chính để trả lương cho CCVC tương xứng với giá trị sức lao động.
Ở thời điểm cực kỳ khó khăn về lương thực, ngày 5-4-1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (thường gọi là Khoán 10) đã làm nên bước đột phá trong nông nghiệp nước nhà, từ chỗ thiếu ăn Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn. Có thể nói hiện nay chúng ta cũng đang ở thực trạng của những năm 80 về thu, chi NSNN. Vì vậy rất cần một “Khoán 10” trong công cuộc cải cách hành chính và tinh giản bộ máy hưởng lương chi từ tiền thuế của dân.