Khoan sức dân hay tận thu?

Đầu năm nay, trước ý kiến phản bác của dư luận về mức giảm trừ thuế trong dự thảo sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân do Bộ Tài chính công bố, một vị thứ trưởng của bộ này cho rằng “mức giảm trừ như vậy đã là khoan sức dân”.

Tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội diễn ra hồi tháng 6-2012, đáp lại ý kiến của nhiều đại biểu đề nghị sớm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) từ mức 25% xuống 20%, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã dẫn nhiều số liệu về mức thuế TNDN theo nghiên cứu tổng hợp từ 83 quốc gia, nói rằng mức thuế TNDN 25% mà Việt Nam đang áp dụng là thấp so với mức trung bình trên thế giới.

Vì thế, đề nghị giảm thuế khó thực hiện được, vì theo tính toán nếu mức thuế giảm từ 25% xuống 20%, mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ giảm trên 20.000 tỷ đồng.

Thế nhưng, số liệu trong báo cáo nghiên cứu "Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu" vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội công bố cho thấy một thực tế trái ngược.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trung bình trong giai đoạn 2007-2011, tổng thu ngân sách nhà nước của Việt Nam chiếm 29% GDP, nếu chỉ tính thu từ thuế và phí thì con số này là 26,3% GDP. Con số này, theo các tác giả của báo cáo, là rất cao so với các nước khác trong khu vực.

Cụ thể, trung bình trong 5 năm gần đây, tỷ lệ thu từ thuế và phí/GDP của Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan và Malaysia khoảng 15,5%, Philippines 13%, Indonesia 12,1% và của Ấn Độ chỉ là 7,8%. Báo cáo đánh giá ngoài việc chịu “thuế lạm phát” hàng năm ở mức 2 con số, những chính sách bảo hộ và thuế chồng lên thuế đang khiến người dân và doanh nghiệp gánh chịu tỷ lệ chịu thuế, phí/GDP cao gấp từ 1,4-3 lần so với các nước trong khu vực.

Chịu mức thuế cao, cộng với lãi suất ngân hàng cũng ở mức ngất ngưởng trong những năm qua khiến doanh nghiệp ở Việt Nam không còn nguồn lực và khó tích lũy để tái đầu tư, thậm chí dẫn tới suy kiệt, phá sản khi diễn biến kinh tế tiếp tục xấu đi.

Thực tế, hàng trăm ngàn doanh nghiệp ngừng hoạt động trong nửa đầu năm nay là hình ảnh khá rõ nét. Trong khi đó, một số bộ ngành, địa phương vẫn tiếp tục đề đạt nhiều loại phí mới cần phải xem xét áp dụng, bủa vây trên thu nhập ngày càng teo tóp của người dân và doanh nghiệp.

Trong đó, đáng chú ý là dự kiến thu phí hạn chế phương tiện giao thông của Bộ Giao thông - Vận tải. Khi đề xuất này được công bố, người ta đã rất nhanh chóng tính ra rằng một đầu phương tiện khi lưu thông, chẳng hạn như ô tô, ở Việt Nam phải chịu đến 7 loại phí: phí trước bạ, phí đăng ký cấp biển số, phí xăng dầu, phí bình ổn giá xăng dầu, phí đăng kiểm, phí bảo hiểm, phí bảo trì đường bộ và thêm loại mới là phí hạn chế phương tiện giao thông.

Do vậy, nước ta là nước thu nhập trung bình thấp nhưng giá mua và các loại phí ăn theo 1 ô tô đã trở thành nước giá đắt đỏ nhất thế giới.

Tăng thu ngân sách bằng thuế và phí là mong muốn dễ hiểu của các nhà quản lý, bởi nước ta đang trong giai đoạn phát triển nên cần nguồn vốn đầu tư rất lớn. Về lý thuyết, “tận thu” hay “triệt thu” sẽ không đem lại hiệu quả, bởi khi doanh nghiệp bị bóp nghẹt bởi thuế và phí, họ sẽ không thể tồn tại được chứ chưa nói đến hoạt động bình thường, có lãi để nộp thuế.

Còn trên thực tế, trong giai đoạn khó khăn trong sản xuất kinh doanh như hiện nay, áp dụng mức thuế suất cao không có nghĩa rằng Nhà nước sẽ thu được nhiều thuế mà sẽ làm triệt tiêu nguồn thu.

Tình trạng sản xuất đình đốn, doanh nghiệp phá sản tăng cao đã và sẽ ảnh hưởng tới thu ngân sách dài hạn. Vì thế, hơn lúc nào hết, cần sử dụng giải pháp về thuế để góp phần tăng sức mua, động viên thị trường và kích thích sản xuất - kinh doanh. Một thí dụ là trước đây thuế TNDN là 32% thì tổng thu ngân sách không cao hơn khi hạ mức thuế xuống 25%.

Bởi khi thuế giảm xuống mức mới, số lượng doanh nghiệp ra đời lớn hơn rất nhiều, tạo điều kiện để tăng thu ngân sách. Về dài hạn, hệ thống thuế cần được cải cách để đảm bảo các tiêu chí tạo nguồn thu bền vững, hiệu quả, công bằng và minh bạch. Gánh nặng thuế cần phải được điều chỉnh giảm một cách hợp lý. Tuy nhiên, mức độ hợp lý này phụ thuộc rất nhiều vào quá trình cắt giảm chi tiêu công và xử lý triệt để thất thoát thuế, hành vi chuyển giá…

Gánh nặng thuế quá cao còn làm hệ thống ngành thu thuế kém hiệu quả vì gián tiếp khuyến khích hành vi trốn thuế, làm méo mó sự phân bổ nguồn lực, gây bất công về nghĩa vụ nộp ngân sách trong xã hội. Hệ thống sắc thuế và phí cần được rà soát tránh sự chồng lấn lên nhau.

Các sắc thuế cần được điều chỉnh nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người thu nhập thấp, khuyến khích tiết kiệm và hạn chế tiêu dùng, đặc biệt là hàng tiêu dùng xa xỉ nhập khẩu.

Các tin khác