Phát biểu tại Hội thảo "Tìm kiếm giải pháp đột phá thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới trong ASEAN", ông Nguyễn Lâm Thanh - đại diện TikTok Việt Nam cho biết, tổng thị trường bán lẻ Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 so với năm 2023 tăng không đáng kể, tuy nhiên trên thương mại điện tử đã tăng đến 54%. Theo ông Lâm Thanh, số liệu này cho thấy việc chuyển dịch sang thương mại điện tử đang rất mạnh mẽ.
"Như tại thị trường Việt Nam, sau hơn 1 năm đã có khoảng 3 triệu người có thu nhập từ các hoạt động thương mại trên nền tảng TikTok", ông Lâm Thanh nói.
Lý giải về sự tăng tốc mạnh mẽ của TikTok ở mảng thương điện tử, theo ông Lâm Thanh, TikTok có xuất phát điểm là nền tảng giải trí, giáo dục, sau đó triển khai thêm dịch vụ thương mại. TikTok mang đến một giải pháp trọn gói cho người sử dụng cũng như người bán hàng. Với TikTok, những sản phẩm, hàng hoá được bán qua các phiên livestream. Trong đó, giới thiệu quy trình sản xuất, câu chuyện gắn liền với sản phẩm tạo ra sự hiểu biết, sự thuận lợi trong việc mua bán hàng hoá.
Nói về hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, đại diện TikTok Việt Nam nhấn mạnh mục tiêu đưa trực tiếp sản phẩm, dịch vụ từ người sản xuất đến người tiêu dùng. Mục tiêu này không chỉ gói gọn trong từng quốc gia.
"Ví dụ là người Việt Nam, chúng ta cũng muốn sử dụng đặc sản của Indonesia, Thái Lan…, và ngược lại. Khi thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển, người dùng trong ASEAN có thể sử dụng sản phẩm một cách tốt nhất trong khu vực. Những nhà sản xuất có thể mở rộng thị trường, có thêm khách hàng là cả khối ASEAN với hơn 600 triệu dân", ông Lâm Thanh nêu quan điểm.
"Internet đã giúp rút ngắn hai câu chuyện quan trọng trong thương mại là không gian và thời gian. Tôi tin trong thời gian không xa, khoảng cách về ngôn ngữ sẽ được rút ngắn. Bước chuyển đổi thương mại xuyên biên giới bùng nổ sẽ diễn ra trong tương lai gần", đại diện TikTok Việt Nam đánh giá.
Trước đó tại Hội thảo, cùng chung quan điểm với đại diện TikTok Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - đánh giá cao vai trò của thương mại điện tử xuyên biên giới đối với phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam nói riêng và các quốc gia ASEAN nói chung.
Dẫn số liệu từ hãng thống kê Statista, bà Huyền cho biết, thương mại điện tử xuyên biên giới đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu thương mại điện tử tại các quốc gia Đông Nam Á. Điển hình là Thái Lan khi thương mại điện tử xuyên biên giới chiếm 30%, con số này của Việt Nam ghi nhận mức 37%, còn Malaysia và Singapore cao nhất khi lần lượt chiếm 44% và 60%.
"Thương mại điện tử xuyên biên giới đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế giữa các quốc gia trong khối ASEAN", bà Huyền khẳng định.
Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng, để có được điều đó là nhờ kiến chương trình ngày mua sắm trực tuyến "ASEAN Online Sale Day" được tổ chức thường niên và năm nay đã bước vào năm thứ 10.
"Việt Nam cũng là quốc gia khởi xướng sáng kiến này và cũng là một trong 10 quốc gia thành viên có tỷ lệ doanh nghiệp thuộc ứng chương trình trong nhóm các quốc gia cao nhất trong khối ASEAN với trung bình khoảng 300 doanh nghiệp tham gia và tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp tăng đều qua các năm", bà Huyền đánh giá chương trình ASEAN Online Sale Day.
Năm nay, ASEAN Online Sale Day 2024 diễn ra từ ngày 8/8 đến ngày 10/8 với sự tham gia của nhiều sàn thương mại điện tử lớn, trong đó TikTok Shop lần đầu góp mặt.