Hàng loạt các hạng mục dự án giao thông trọng điểm như đường băng, nhà ga sân bay Long Thành hay dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 sẽ được khởi công vào cuối năm nay.
Tại hội nghị giao ban quý 3/2022 của Bộ Giao thông Vận tải sáng 27/9, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện với dự án sân bay quốc tế Long Thành, công tác thi công đất đạt được 15-16 triệu m3 nhưng vẫn chậm so với tiến độ yêu cầu do ảnh hưởng thời tiết. Trong chín tháng tới (đến tháng 6/2023), các nhà thầu phải xong toàn bộ công tác đất (110 triệu m3 đất).
Đưa ra con số đến nay, 1.545 cọc khoan nhồi của toàn bộ nhà ga cũng đã hoàn thành, Bộ trưởng chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng cần khẩn trương đẩy mạnh tiến độ dự án hơn nữa để khởi công nhà ga vào cuối tháng 11/2022 đồng thời cố gắng để trong năm nay có thể khởi công đường băng, sân đỗ của Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Với công trình nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải cho rằng không thể chậm trễ và phải khởi công vào đầu tháng 10/2022.
Quả quyết với 4 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 gồm Mai Sơn-Quốc lộ 45, Cam Lộ-La Sơn, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây) phải thông xe vào cuối năm nay, Bộ trưởng yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, nhà thầu phải phải quyết tâm vượt khó, tranh thủ thời tiết đã chuyển vào mùa khô, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”, hoàn thành đúng tiến độ.
“Riêng các Ban quản lý dự án phải đặc biệt chú ý tăng tốc tiến độ phải song hành với đảm bảo chất lượng dự án, phát huy hiệu quả đầu tư,” Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đánh giá dự án cao tốc giai đoạn 2 hiện đã bám sát tiến độ rất tốt, Bộ trưởng Thể đề nghị các Ban quản lý dự án phải cố gắng bám lộ trình đến ngày 31/10 xong thiết kế dự án, chậm nhất đến ngày 15/11 phê duyệt toàn bộ dự toán của dự án, sẵn sàng khởi công toàn bộ 12 dự án thành phần vào cuối tháng 12/2022 theo yêu cầu của Chính phủ.
Ông Thể cũng nhìn nhận chín tháng của năm nay khối lượng công việc của Bộ Giao thông Vận tải là rất lớn khi khối lượng giải ngân vốn đầu tư công được giao lớn nhất từ trước đến nay (hơn 50.000 tỷ đồng), báo cáo Quốc hội những dự án trọng điểm quốc gia để có cơ sở triển khai kế hoạch trung hạn 2021-2025.
Với sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, các cơ quan, đơn vị đã vào cuộc một cách quyết liệt, thường xuyên làm việc đến đêm nhằm hoàn thành nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng Thể bày tỏ quan điểm, đến thời điểm này, có thể nói, Bộ Giao thông Vận tải là Bộ có tỷ lệ giải ngân cao nhất nước với 53,7%’ bảo trì đường bộ không để xảy ra bức xúc; công tác phòng chống tham nhũng được thực hiện hiệu quả.
“Với tinh thần, trách nhiệm này, giai đoạn sắp tới công việc của ngành giao thông Vận tải sẽ ngày càng thuận lợi,” Bộ trưởng nói.
Dự kiến, đến hết tháng 9/2022, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân khoảng 27.027 tỷ đồng, đạt 53,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (gồm 2.933 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 60,1% và 24.094 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 53%). Từ nay tới cuối năm, Bộ Giao thông Vận tải cần tiếp tục giải ngân khoảng 23.301 tỷ đồng (46,3%) trong tổng số hơn 50.300 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công đã được Chính phủ giao trong năm 2022. |