Ông Nguyễn Hoàng Hưng, Phó Trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng; ông Lê Công Đồng, Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH), khối trưởng khối thi đua 5; ông Phạm Văn Trường, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP, đồng chủ trì tọa đàm.
Quang cảnh toạ đàm. Ảnh: ĐỨC CƯỜNG
Báo cáo đề dẫn tọa đàm, ông Nguyễn Hoàng Hưng, Phó trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng TPHCM cho biết, những năm qua, TPHCM đã tích cực triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua do Thủ tướng phát động và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước hàng năm nhằm thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của Thành phố. Ngoài ra, Thành phố đã tổ chức thực hiện nhiều phong trào thi đua chuyên đề, đột xuất, trong đó có nhiều phong trào thi đua mang tính sáng tạo được nhân rộng đến nhiều địa phương trên cả nước. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, nhiều sáng kiến, ý tưởng mới thiết thực, các công trình, giải pháp khoa học được ứng dụng hiệu quả trong các lĩnh vực.
"Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như chưa tận dụng hết nguồn lực, thế mạnh sẵn có và khơi dậy sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thành phố. Mặt khác, với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ, của nền kinh tế tri thức và xu hướng toàn cầu hóa đang đặt ra cho Thành phố nhiều thách thức, phải có các giải pháp thích hợp để từng bước xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh, sáng tạo và hiện đại", ông Nguyễn Hoàng Hưng nhận định.
Ông cũng khẳng định sự cần thiết phải huy động nguồn lực xã hội, phát huy khả năng sáng tạo to lớn trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các tầng lớp Nhân dân và đặc biệt là đội ngũ trí thức, các nhà nghiên cứu khoa học, xã hội trong và ngoài Thành phố tích cực tham gia thi đua sáng tạo. Đây cũng là giải pháp góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về đời sống vật chất, tinh thần của người dân, hướng đến xây dựng Thành phố phát triển theo xu thế hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0.
Thông tin thêm tại tọa đàm, ông Nguyễn Hoàng Hưng cho biết, thực hiện Đề án tổ chức Phong trào thi đua sáng tạo và các giải thưởng sáng tạo TPHCM giai đoạn 2021 - 2030, Sở Nội vụ đã phối hợp Sở TT-TT TPHCM, báo đài và các cơ quan liên quan tổ chức các đợt tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp để thu hút các đối tượng hưởng ứng tham gia.
Trong đó, Báo SGGP tổ chức tuyên truyền 39 số với nhiều chủ đề khác nhau. Công tác tuyên truyền đặc biệt quan tâm đến lực lượng thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sinh viên tại các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn Thành phố. Ngoài ra, Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) thực hiện tuyên truyền 3 chương trình/tuần; Đài Truyền hình TPHCM (HTV) triển khai nhiều tiết mục nhằm tuyên truyền và nhân rộng các gương điển hình về đổi mới sáng tạo.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc Thành phố đã có các hình thức tuyên truyền phù hợp, nội dung tuyên truyền được lồng ghép vào tuyên truyền các phong trào thi đua của các ngành, các cấp gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đến nay, đã có 100% quận, huyện và TP Thủ Đức và trên 90% sở, ngành, doanh nghiệp có lực lượng lớn và đối tượng đa dạng đều xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án.
Phó Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng TPHCM Nguyễn Hoàng Hưng trình bày đề dẫn toạ đàm. Ảnh: ĐỨC CƯỜNG
Thành phố tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng tổ chức phát động và xét giải thưởng hiện có của các ngành, các cấp trên địa bàn nhằm tạo sân chơi, khơi dậy tinh thần thi đua sáng tạo. Thông qua đó, lựa chọn các giải pháp sáng tạo đạt giải cao, tiếp tục tham gia Giải thưởng sáng tạo TPHCM tổ chức định kỳ 2 năm/lần. Thành phố đã tổ chức 2 lần trao Giải thưởng sáng tạo Thành phố với 102 công trình, giải pháp trên 7 lĩnh vực. Hiện Thành phố cũng đã có kế hoạch tổ chức trao Giải thưởng sáng tạo Thành phố lần 3 trong năm 2023.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Thi đua – Khen thưởng TPHCM nhận xét, còn nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị chậm triển khai kế hoạch thực hiện Đề án. Mặt khác, Đề án là một nội dung mới, nằm trong chương trình đột phá của Thành phố; nội dung Đề án liên quan đến nhiều đối tượng nhưng công tác tuyên truyền chưa được đầu tư đúng mức…
Từ đó, ông Nguyễn Hoàng Hưng gợi mở nhiều nội dung để các đại biểu cùng thảo luận và có giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện Đề án hiệu quả trong thời gian tới. Trong đó, tập trung làm rõ vai trò của cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện Đề án gắn với việc triển khai thực hiện Kế hoạch 124 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Buổi toạ đàm cũng nhằm làm rõ hơn hình thức tổ chức, triển khai phong trào thi đua sáng tạo gắn với thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI.
Tọa đàm cũng thảo luận các nội dung, tiêu chí thi đua thiết thực, phù hợp với từng cấp, từng ngành, từng địa phương nhằm thu hút được tất cả các đối tượng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội tích cực hưởng ứng tham gia thi đua. Cùng với đó là việc thảo luận một số nội dung, giải pháp, nhất là giải pháp tuyên truyền triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tổ chức Phong trào thi đua sáng tạo và các giải thưởng sáng tạo TPHCM giai đoạn 2021 - 2025.
Đề án tổ chức Phong trào thi đua sáng tạo và các giải thưởng sáng tạo TPHCM giai đoạn 2020-2030 là một trong 51 Đề án của 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ XI. Đây là một nội dung mới và chưa có tiền lệ. Vì vậy công tác tham mưu xây dựng Đề án đã trải qua nhiều công đoạn, quy trình và nhận được góp ý của nhiều lãnh đạo Thành phố, một số cơ quan, đơn vị và địa phương thuộc Thành phố.