Vốn đầu tư khoảng 30.000 tỉ đồng
UBND TP.HCM vừa có văn bản chấp thuận giao Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP (CII) nghiên cứu lập "Đề xuất dự án Đường trên cao Bắc theo hình thức đối tác công tư - PPP (Hợp đồng BOT)" lấy từ nguồn kinh phí của doanh nghiệp trong thời hạn không quá 6 tháng kể từ ngày được giao.
Trường hợp đề xuất dự án không khả thi, không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc quá thời gian 6 tháng mà chưa hoàn thành, xem như Công ty từ chối tham gia tiếp tục nghiên cứu dự án và tự chịu các chi phí đã thực hiện.
Đại diện CII cho biết trước đây, công ty đã đề nghị được tham gia nghiên cứu đầu tư tuyến đường trên cao số 1. Tuy nhiên sau thời gian khảo sát, CII nhận thấy tuyến đường này đi qua các trục đường gồm dày đặc các dự án mới, rất khó đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), nên doanh nghiệp đành tạm dừng và chuyển hướng sang nghiên cứu đường trên cao Bắc - Nam khả thi hơn.
Theo đó, đường trên cao Bắc - Nam bắt đầu từ nút giao Cộng Hòa - Trường Chinh đến đường Nguyễn Văn Linh là tuyến đường mới, kết hợp một phần tuyến đường trên cao số 1, 2 và 3 (theo quy hoạch) tạo thành hệ thống trục giao thông đô thị Bắc - Nam kết nối với đường vành đai 2, kết nối giữa khu vực nội thành và ngoại thành.
Đồng thời, kết nối khu vực phía bắc TP (quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp và Q.12), khu vực sân bay Tân Sơn Nhất với khu vực trung tâm (quận 1, 3, 4), khu đô thị Nam Sài Gòn và ngược lại.
Điểm đầu của tuyến này là nút giao Cộng Hòa - Trường Chinh, chạy dọc theo đường Cộng Hòa - Bùi Thị Xuân - Hẻm 656 (CMT8) - Bắc Hải - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - dọc kênh Ông Lớn và kết thúc tại đường Nguyễn Văn Linh.
Toàn tuyến có chiều dài 14,1 km, chiều rộng 30 m, phần đường trên cao 4 làn xe 16 m. Tổng mức đầu tư ước khoảng 30.000 tỉ đồng, được đề xuất theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng BOT.
Đánh thức đường trên cao
Trước CII, Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng IDICO cũng đề xuất tự bỏ kinh phí nghiên cứu đầu tư dự án đường trên cao số 5 giai đoạn 1 theo hợp đồng BOT. Tuyến đường dài 21,5 km, quy mô 4 làn xe, điểm đầu từ nút giao Trạm 2 trên xa lộ Hà Nội (TP.Thủ Đức) đi trùng QL1 đến ngã tư An Sương (Q.12), tổng vốn đầu tư hơn 15.400 tỉ đồng.
Dự án thuộc danh mục TP.HCM kêu gọi đầu tư năm 2021, thực hiện giai đoạn 2021 - 2030 theo hợp đồng BOT. Phương án này được Sở GTVT ủng hộ, đề nghị Sở KH-ĐT hướng dẫn lập hồ sơ đầu tư.
Theo quy hoạch phát triển GTVT được Thủ tướng phê duyệt, chậm nhất đến năm 2020, TP.HCM xây dựng xong tổng cộng 5 tuyến đường bộ trên cao với tổng chiều dài 70,7 km. Tuy nhiên từ khi lên kế hoạch vào năm 2005 đến nay đã 16 năm, TP vẫn chưa có tuyến nào được đầu tư xây dựng.
Ông Trần Chí Trung, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư (Sở GTVT TP.HCM) đánh giá việc các nhà đầu tư bắt đầu quan tâm trở lại với các tuyến đường trên cao là tín hiệu rất tốt. Bên cạnh đó, đề án tăng chỉ tiêu điều tiết ngân sách giữ lại cho TP.HCM đang được sự đồng thuận của trung ương, trong đó tinh thần của đề án là ưu tiên cho phát triển hạ tầng.
Như vậy, bên cạnh cơ hội đẩy nhanh các dự án cấp bách, trọng điểm, đối với các dự án có thể xã hội hóa được, thành phố sẽ có thêm nguồn vốn ngân sách để huy động thêm nguồn lực từ khối doanh nghiệp tư nhân, giống như phương án các doanh nghiệp đang đề xuất đối với tuyến đường trên cao số 1 và số 5.
“Hiện nay theo luật PPP, phần vốn nhà nước sẽ đóng góp vào khâu giải phóng mặt bằng hoặc xây lắp. TP.HCM đang thiên về phương án hỗ trợ doanh nghiệp phần giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư đảm nhận phần xây lắp để thu phí, phương án tài chính như vậy khả thi hơn.
Đồng thời, việc chia nhỏ các tuyến đầu tư phân kỳ như phương án CII đang đề xuất với đường trên cao Bắc - Nam cũng là một trong những cách giảm bớt gánh nặng cho nhà đầu tư”, ông Trung thông tin.