Sáng kiến đô thị trước hết là những ý tưởng mới, sự sáng tạo mới, sau đó là những hành động cụ thể làm thay đổi TP ở bất cứ cấp độ và quy mô nào. Sáng kiến đô thị có thể là những đồ án, dự án hoành tráng nhiều tỷ USD, cũng có thể là những sáng kiến nho nhỏ nhưng hữu ích từ cộng đồng dân cư, những người dân đóng góp cho TP như bà bán hàng rong, ông thợ cắt tóc, ông giáo về hưu.
Các TP trên thế giới rất tôn trọng những sáng kiến này, trong nhiều trường hợp nó mang lại những thay đổi rất bất ngờ, tạo ra dấu ấn và linh hồn cho phố thị.
Một thí dụ điển hình cho trường hợp này là ngôi làng có tên Kampung Wonosari ở Indonesia, một khu dân cư được coi là “ổ chuột” rất lụp xụp và xấu xí. Chính quyền muốn xóa bỏ nó để xây dựng mới nhưng không có tiền.
Ông Slamet Widodo (54 tuổi), Hiệu trưởng một trường tiểu học của làng, đã khởi xướng ý tưởng sơn toàn bộ 385 ngôi nhà trong làng bằng những màu sắc đẹp mắt và trang trí những hình vẽ 3D sống động.
Chính quyền địa phương đã hỗ trợ 300 triệu rupiah (22.500USD) để biến ý tưởng này thành hiện thực. Chỉ sau 1 tháng, người dân đã chung tay phủ lên ngôi làng chiếc áo mới sặc sỡ, thu hút hàng triệu khách du lịch khắp nơi trên thế giới, góp phần làm thay đổi đời sống của người dân. Làng được gọi bằng một cái tên mới Cầu vồng, và từ mô hình này đã được nhân rộng ra nhiều nơi khác ở Indonesia, lan sang cả Malaysia, Myanmar, Mexico, Việt Nam.
Sáng kiến trong dân rất nhiều, có thể từ các nhà chuyên môn, kiến trúc sư (KTS), nhà khoa học, nhưng đôi khi nó xuất hiện từ sự mong ước hay than phiền của người dân từ một tình trạng tồi tệ nào đó. Tuy nhiên, những sáng kiến nhỏ như thế có được đón nhận và hiện thực hóa hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tài chính, điều kiện vật chất, bối cảnh kinh tế-xã hội, trong đó điều quan trọng nhất là từ thái độ của chính quyền và sự trợ giúp của giới chuyên môn.
Cách đây 6 tháng, khi nghe phong phanh lãnh đạo TPHCM cho đập hơn 10 cái thủy đài hình nấm có từ thời Pháp, trong đó có những cái tròm trèm 150 năm tuổi đời, một doanh nhân Hàn Quốc muốn biến nó thành khách sạn mini. Ông ta tin rằng với vị trí, hình dáng, diện tích 350-600m2, nếu biến nó thành khách sạn nhất định sẽ thành công.
Khách sạn được cải tạo từ một tháp nước.
Người viết bài này đưa ý tưởng của ông ta đến Hội KTS TP, được giới chuyên môn hoan nghênh, nhưng đến đó thì tắc tị, bởi từ ý tưởng thành hiện thực vô cùng nhiêu khê. Nội việc cơ quan quản lý nhà nước xem xét nó là cái gì, ai thụ lý hồ sơ, ai quyết định cuối cùng… đã đủ thấy rắc rối.
Có người nói đó là công trình nghiên cứu nên phải làm đề tài nghiên cứu thông qua Sở Khoa học - Công nghệ. Có người nói đó là dự án đầu tư kinh doanh nên phải qua Sở Kế hoạch - Đầu tư. Người khác nói đó là dự án cải tạo chỉnh trang công trình kiến trúc nên phải qua Sở Quy hoạch - Kiến trúc…
Chưa kể làm cái việc biến cái này thành cái kia trong trường hợp này phải qua Sở Tài nguyên - Môi trường để xác định chủ sở hữu, qua Sở Tài chính để xem xét giá thuê hay mua, qua Hội đồng di sản xem nó có được phép sử dụng… Cuối cùng, nhà đầu tư phải từ bỏ ý định vì không biết làm sao, phía TP cũng không biết làm thế nào vì chưa có tiền lệ.
Từ câu chuyện này mới thấy ở TP chúng ta chưa bao giờ có tổ chức, cơ quan nào có trách nhiệm tiếp nhận sáng kiến của người dân. Ở Singapore, mỗi năm 2 lần, Văn phòng Thủ tướng Lý Hiển Long cùng hội đồng cố vấn của ông tổ chức gặp gỡ với giới trẻ, sinh viên để nghe họ hiến kế phát triển quốc đảo Sư tử, truyền thống này có từ thời cha ông là Thủ tướng Lý Quang Diệu.
Năm 2018, Tổng thống Indonesia đã bổ nhiệm 1 thanh niên 26 tuổi giữ chức Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao, với mục đích tập hợp sức sáng tạo của thanh niên cho công cuộc xây dựng đất nước.
Ở Thái Lan, Trường Đại học Chulalongkorn và chính quyền TP Bangkok đã thành lập ra cơ quan với nhiều chi nhánh ở các quận, luôn sẵn sàng tiếp nhận các sáng kiến từ mọi người, mọi giới, kể cả khách du lịch nước ngoài, sau đó phân loại chuyển đến các bộ phận có liên quan nghiên cứu để thực hiện.
Tất nhiên không phải sáng kiến nào cũng có thể hiện thực hóa được, nhưng cách thức tiếp nhận, thái độ tôn trọng sẽ làm người có sáng kiến thấy phấn khởi và truyền cảm hứng cho những người khác. Ở Việt Nam hiện nay cho thấy, những sáng kiến, đề xuất thường phải được đăng ký dưới dạng đề tài, dự án mới được xem xét, còn những sáng kiến dưới dạng “ý tưởng” không được hoan nghênh, vì cho là “tào lao”.
Các cơ quan quản lý nhà nước không thích những sáng kiến mới, phá cách, khác với những quy định mang tính pháp quy, bởi họ sợ những sáng kiến đó gây khó khăn cho công tác quản lý. Chẳng hạn, việc biến làng chài ở xã Tam Thanh, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, thành làng bích họa với hơn 100 ngôi nhà được vẽ tranh tường, thu hút hàng trăm khách du lịch mỗi ngày, không phải hanh thông ngay khi đề xuất này ban đầu không được chính quyền ủng hộ.
Các họa sĩ đến từ Hàn Quốc phải thuyết phục và thử nghiệm mãi mới thành công. Ngay việc vẽ các bức tranh tường ở TPHCM gần đây mới được chấp nhận, cho dù loại hình Graphity đã xuất hiện ở TP hơn 15 năm trước, nhưng bị cấm đoán và những người thực hiện nó bị phạt vi phạm hành chính.
TPHCM luôn là nơi năng động nhất, sáng tạo, ngay cả trong những điều kiện sống ngặt nghèo nhất cũng không làm người dân thôi sáng tạo. Việc mở hẻm, làm đẹp khu phố, biến các căn nhà kho bãi bỏ hoang thành nơi giải trí lành mạnh, và gần đây nhất là các sáng kiến ATM gạo, ATM oxy, trong mùa dịch, là những minh chứng cho sức sáng tạo cộng đồng là vô hạn.
Nếu biết khơi gợi, biết đón nhận, biết huy động nguồn lực TPHCM sẽ có nhiều thay đổi bắt đầu từ các sáng kiến của người dân. |