Ảnh hưởng của vốn ngoại ngày càng lớn
Khối ngoại là động lực quan trọng trong sự phục hồi của VN Index trong tháng 1 và 2 tuần đầu tháng 2. Theo HoSE, tổng giá trị giao dịch của NĐTNN trong tháng 1 đạt trên 34.344 tỷ đồng, chiếm hơn 10,2% tổng giá trị giao dịch của toàn thị trường.
Đáng lưu ý là trong 2 tuần cuối tháng 2 và tuần đầu tháng 3, khối ngoại có xu hướng rút vốn trên thị trường. Đây cũng là thời điểm thị trường khó khăn. Thống kê, khối ngoại bán ròng trở lại trong những ngày cuối tháng 2 với giá trị hơn 640 tỷ đồng trên sàn HoSE, trong khi VN Index kết thúc tháng này giảm gần 87 điểm (7,78%) và vốn hóa sàn HoSE cũng sụt giảm khoảng 350.000 tỷ đồng (khoảng 15 tỷ USD).
Mặc dù thị trường giảm mạnh nhưng không thể kích hoạt dòng tiền bắt đáy, thanh khoản nhiều phiên trong tháng 2 rơi về dưới mức 6.000 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh, thấp nhất trong hơn 2 năm qua.
Một trong những nguyên nhân khiến thị trường thiếu động lực bứt phá do sự chững lại của dòng vốn ngoại. Tuy nhiên, tình thế đảo ngược hoàn toàn từ đầu tuần trước đến nay khi VN Index đã quay đầu tăng điểm tích cực, trong đó khối ngoại trợ lực lớn của thị trường. Cụ thể, sau 3 tuần bán ròng hơn 3.000 tỷ đồng, khối ngoại đã quay lại giải ngân giúp VN Index tuần qua đi ngược với thị trường thế giới sau khi tăng gần 30 điểm.
Dòng tiền quay trở lại
Từ đầu tuần đến nay, khối ngoại vẫn mua ròng liên tục với tổng giá trị hàng trăm tỷ đồng/phiên không chỉ góp phần khiến chỉ số tăng điểm mà thanh khoản toàn thị trường cũng đã tăng lên mức 10.000-12.000 tỷ đồng/phiên (tăng 13,4% so với tuần trước).
Sự khởi sắc trở lại của VN Index được nhận định do có nhiều thông tin tích cực. Ngoài thông tin Chính phủ vừa ban hành Nghị định 08 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giúp ổn định tâm lý và thu hút dòng tiền quay trở lại thị trường, còn có thông tin hàng ngàn tỷ đồng từ khối ngoại sẽ được giải ngân trong 1-2 tuần tới.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, khối phân tích CTCK VNDirect (VNDS), cho biết sự hồi phục của VN Index còn do thông tin tích cực từ dòng vốn ngoại. Cụ thể, Quỹ ngoại Fubon ETF vừa được chấp thuận tăng vốn và việc Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn từ 15-3 đã củng cố thêm tâm lý tích cực của thị trường.Tuần này, một thông tin quan trọng nữa sẽ đến từ hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF ngoại (VNM ETF và FTSE ETF) cũng như hoạt động giải ngân của Fubon ETF sau khi gọi vốn thành công.
“Chúng tôi kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ mua ròng mạnh mẽ và là yếu tố giữ nhịp cho thị trường. Ước tính Quỹ VNM ETF và Fubon ETF có thể mua ròng hơn 6.000 tỷ đồng trên TTCK Việt Nam trong vài tuần tới”, ông Hinh cho hay.
Mặc dù vậy, nhóm nghiên cứu của CTCK Sài Gòn (SSI) cho rằng, dòng tiền từ các quỹ ETF mang đặc tính của NĐT cá nhân. Do đó, mua hay bán ròng sẽ vẫn khó đoán vì trên thực tế, kinh tế Việt Nam trong 2 tháng đầu năm, nhiều hoạt động sản xuất phải đối mặt với nhiều khó khăn từ nhu cầu bên ngoài chậm lại, áp lực về lạm phát đè nặng lên tiêu dùng trong nước.
Thêm vào đó, thị trường có thể sẽ có những phiên "rung lắc" do tác động từ những lo ngại về việc Cục Dự trữ liên bang (Fed) thắt chặt hơn chính sách tiền tệ trong cuộc họp sắp tới. Một chuyên gia chứng khoán nhận xét, thị trường có thể sẽ có những phiên điều chỉnh để chờ kết quả cuộc họp của Fed trong tháng 3, nhưng xu hướng phục hồi vẫn là chủ đạo.
TTCK Việt Nam đón nhận thông tin giảm lãi suất điều hành từ NHNN theo chiều hướng tích cực. Hàng loạt CP ngân hàng, CK tăng mạnh, trong đó nhiều mã tăng kịch trần như VCI, SSI, HCM, FTS, CTS, VIX, SHS, VND… Thanh khoản thị trường ở mức tương đối với tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn chính thức gần 11.800 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng phiên thứ 6 liên tục với tổng giá trị mua ròng trên sàn HoSE và HNX hơn 273 tỷ đồng. Đóng cửa phiên giao dịch, VN Index tăng 22,06 điểm (2,12%) lên 1.062 điểm. Chốt phiên tại sàn Hà Nội, HNX Index cũng tăng 4,46 điểm (2,2%) lên 207,01 điểm.