Khối nội đánh ngược sóng ETF thắng lớn

Ngày càng nhiều NĐT nội tham gia đánh sóng trong mỗi kỳ đánh giá lại của các quỹ ETF. Tuy nhiên, bên cạnh những NĐT nương theo sóng ETF vẫn có những NĐT chọn cách đánh ngược sóng.

Ngày càng nhiều NĐT nội tham gia đánh sóng trong mỗi kỳ đánh giá lại của các quỹ ETF. Tuy nhiên, bên cạnh những NĐT nương theo sóng ETF vẫn có những NĐT chọn cách đánh ngược sóng.

Trong đợt tái cơ cấu kỳ tháng 9 vừa qua, Quỹ Market Vectors Vietnam ETF (VNM) loại mã PVF (Tổng CTCP Tài chính dầu khí), SJS (CTCP Đầu tư và Khu công nghiệp Sông Đà) và thay vào đó là DRC (CTCP Cao su Đà Nẵng) và SHB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội); còn Quỹ FTSE Vietnam Index (FTSE) loại mã IJC (CTCP Phát triển hạ tầng kỹ thuật) khỏi danh mục nhưng chưa có mã thay thế.

5 mã CK này hiển nhiên trở thành tâm điểm của giới đầu tư trong những phiên giao dịch gần đây. Nếu dòng tiền ngoại tập trung giải ngân vào những mã được thay thế như DRC và SHB, thì một số NĐT nội lại  giao dịch ngược dòng bằng cách mua vào những mã bị loại mà khối ngoại bán ra trong những ngày cuối cùng của kỳ tái cơ cấu. Điển hình là phiên giao dịch ngày 20-9.

Đợt tái cơ cấu quý III-2013, VNM phải mua vào 42,2 triệu SHB và 4 triệu DRC. Ngược lại, VNM cũng phải bán ra khoảng 4,9 triệu SJS và hơn 14 triệu PVF.

Trong phiên giao dịch 20-9, mã PVF chịu áp lực mạnh từ phía cung khi vừa bị VNM bán tháo vừa bị các CTCK bán ra giải chấp sau loạt phiên giảm trước đó. Tuy nhiên, lực cầu vào mã này vẫn không tỏ ra kém cạnh, thậm chí còn lấn át cả lực bán ra từ phía VNM và các CTCK. Nhờ lực cầu mạnh nên PVF có phiên giao dịch lịch sử với hơn 24 triệu CP được khớp lệnh (chiếm đến 8% tổng giá trị khớp lệnh của sàn HOSE).

Trước phiên giao dịch lịch sử này, PVF đã có 7 phiên giảm sàn, tương đương gần 40% giá trị. Thực tế, những NĐT tham gia đánh sóng ngược ETF đã được đền đáp xứng đáng, bởi sau khi VNM hoàn tất việc bán ra, mã PVF đã tiếp tục duy trì được phiên trần trước khi hủy giao dịch để thực hiện việc sáp nhập với WesternBank.

Dù số lượng CP này sẽ bị tạm ngưng giao dịch trong khoảng thời gian dài, nhưng với những NĐT ưa mạo hiểm, mức lợi nhuận 10% trong thời gian ngắn và bối cảnh TTCK ảm đạm như hiện tại đã là thành công. Đó còn chưa kể đến khả năng khi PVF được giao dịch trở lại với tên gọi mới PVcomBank, cộng với mức giá chào sàn có thể được xác định bằng đúng mệnh giá 10.000 đồng/CP.

Theo thống kê, khối ngoại mua vào chỉ có 1,6 triệu CP PVF trong phiên ngày 20-9. Con số này chứng tỏ dòng tiền tham gia đánh sóng ngược ETF đa phần đến từ khối nội.

Tương tự là trường hợp SJS bị loại khỏi danh mục đầu tư của VNM, do mã CK này có thanh khoản thấp nhất trong số 17 mã quỹ ETF này đang nắm giữ. Ngay sau khi VNM công bố loại SJS ra khỏi rổ, thanh khoản của mã này tăng đột biến trước áp lực bán ra từ khối ngoại.

Tuy vậy, mã này bất ngờ tăng giá trở lại trong phiên giao dịch ngày 18-9, dù chưa đến ngày cuối cùng của đợt tái cơ cấu 20-9. Tính ra, nếu đánh ngược sóng ETF trong kỳ tái cơ cấu quý III-2013, NĐT nội có thể thu được khoản lợi nhuận hơn 10% trong vòng chưa đầy 1 tuần lễ.

Ngày 6-9, FTSE thông báo loại mã IJC ra khỏi rổ trong kỳ đánh giá quý III do thanh khoản thấp hơn ngưỡng thanh toán tối thiểu. Ngay khi đón nhận thông tin, IJC đã có 8/10 phiên giảm giá trước áp lực bán ra từ FTSE. Đến phiên giao dịch ngày 20-9, mã này vẫn chịp áp lực bán ra rất mạnh.

Tuy nhiên, lực cầu vào mã này tăng đột biến sau loạt phiên giảm trước đó với hơn 10,4 triệu CP được khớp lệnh trong phiên ngày 20-9. Thực tế, những NĐT quyết định mua vào trong phiên ngày 20-9 và phiên trước đó có thể “ngồi rung đùi” vì IJC liên tục tăng giá trong những phiên giao dịch gần đây với mức tăng đạt hơn 20%.

Với những mã được ETF đưa vào danh sách thay thế, NĐT đánh ngược sóng ETF vẫn có lãi nhỉnh hơn so với NĐT đánh thuận sóng dòng tiền của khối ngoại. Cụ thể, NĐT nắm giữ mã SHB có thể bán ra SHB thời điểm sau khi VNM công bố đưa SHB vào rổ ở mức giá đỉnh cao nhất 7.100 đồng/CP sau đó mua lại với mức giá 6.200 đồng/CP ngày 20-9 (tương đương lợi nhuận gần 15%).

Tương tự, nếu NĐT bán ra DRC khi VNM mua vào ở mức giá 42.400 đồng/CP và mua lại ở mức giá 39.800 đồng/CP. Trong khi đó, những NĐT nội chạy theo sóng ngoại đa phần thua lỗ vì mức giá hiện nay của DRC còn thấp hơn mức giá trước ngày 20-9. 

Các tin khác