Những dự án khởi nghiệp tiền tỷ
Hơn một tuần sau vòng chung kết cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp - Startup Kite 2022” do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB-XH) tổ chức, sinh viên Nguyễn Thị Cẩm Vân, Trường Cao đẳng Công thương TPHCM, và các thành viên vẫn còn cảm giác lâng lâng.
Cẩm Vân khoe: “Sau khi giành giải nhất cuộc thi, dự án Máy đo huyết áp thông minh - GAC của nhóm em đã được 2 doanh nghiệp đầu tư gần 1 tỷ đồng để hoàn thiện sản phẩm thương mại”.
Ý tưởng của dự án là tạo ra máy đo huyết áp và nhịp tim thông minh với thiết kế tinh gọn, giảm 50% trọng lượng so với máy đo huyết áp điện tử trên thị trường. Nhóm đã thay thế màn hình điện tử bằng cách tận dụng màn hình điện thoại di động sẵn có và sử dụng những linh kiện, cảm biến có chất lượng tương đương với các dòng máy nổi tiếng hiện nay trên thị trường, giúp đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy cho thiết bị.
Đặc biệt, giá thành 300.000 đồng/máy, chỉ bằng 25% so với giá các máy khác trên thị trường. Với giao diện đơn giản trên màn hình điện thoại thông minh, hầu hết các đối tượng đều có thể sử dụng được máy đo huyết áp thông minh GAC. Chỉ với một chạm, người sử dụng có thể đo được huyết áp, lưu lại lịch sử, phân tích, đánh giá tình trạng sức khỏe và có được các lời khuyên, gợi ý… Đồng thời, máy còn được cài đặt để có thể tự động thông báo cho người thân hoặc gọi cấp cứu 115 khi phát hiện dấu hiệu bất thường, nghiêm trọng về sức khỏe.
Tương tự, dự án Ứng dụng định vị sơ đồ vị trí, có hiển thị bản đồ tương tác - DefiMaps của nhóm 4 sinh viên Trường Cao đẳng Viễn Đông TPHCM sau khi đoạt giải nhất cuộc thi nói trên, đã được một doanh nghiệp tại Công viên Phần mềm Quang Trung đầu tư 2 tỷ đồng để phát triển và một cá nhân khác đầu tư 200 triệu đồng để góp vốn phát triển ứng dụng.
Theo sinh viên Trần Minh Tâm (Khoa CNTT, Trường Cao đẳng Viễn Đông TPHCM, thành viên nhóm dự án), DefiMaps có tính năng tìm kiếm như Google Maps nhưng chức năng DefiMaps chủ yếu là định vị người dùng tại các địa điểm công cộng. Lợi ích của DefiMaps là ứng dụng trong các khuôn viên đông người. Chẳng hạn như khi người dân đến bệnh viện thăm khám bệnh, khi mở ứng dụng DefiMaps, người dùng có thể xác định mình đang đứng ở vị trí nào của bệnh viện. Ứng dụng còn cung cấp sơ đồ khuôn viên bệnh viện, sơ đồ nhiều lớp các tòa nhà bệnh viện với từng khoa, phòng cụ thể.
Trên đây là 2 trong số nhiều dự án khởi nghiệp của sinh viên trường nghề đạt được kết quả tích cực khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Với gần 400 cơ sở giáo dục nghề nghiệp của thành phố hiện nay, mỗi cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều có câu lạc bộ, trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo… đã giúp các sinh viên, học viên thêm nhiều cơ hội thể hiện ý tưởng.
Giúp học viên thành thạo kỹ năng
Không chỉ sinh viên, nhiều thầy cô giáo trường nghề cũng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bằng những mô hình, học cụ, đặc biệt có những thiết bị dạy học giúp cơ sở tiết kiệm được hàng tỷ đồng ngân sách nếu mua hay nhập thiết bị từ nước ngoài về giảng dạy.
Thầy Lâm Đức Sinh, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM, hướng dẫn sinh viên thực hành trên mô hình máy tiện CNC mini
Mô hình máy bào ngang của các thầy Đặng Nguyễn Nhân, Nguyễn Đăng Khoa, Nguyễn Văn Vũ, Nguyễn Văn Thông (Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng) được đánh giá rất hữu ích cho kiến thức và kỹ năng của sinh viên.
ThS Nguyễn Văn Vũ, Phó Trưởng khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, chia sẻ: “Các thầy thực hiện đề tài này trong vòng 6 tháng, tập trung nghiên cứu thiết kế và chế tạo mô hình máy bào ngang nhằm mục đích làm sinh động thêm bài giảng máy cắt và phong phú hơn trong công nghệ gia công cơ tại xưởng. Máy bào ngang này dễ thao tác, có nhiều chức năng như gia công các mặt phẳng, rãnh bậc, bề mặt định hình, đồng thời gia công được với các vật liệu như nhựa, đồng, nhôm và một số vật liệu mềm khác. Máy được sử dụng trong giảng dạy các môn học lý thuyết cắt gọt kim loại, máy cắt, thực hành xưởng và có thể gia công sản xuất đơn chiếc… Vì vậy, thiết bị sẽ được nhân rộng sử dụng cho toàn bộ các tiết giảng máy cắt và thực hành xưởng”.
Trong khi đó, mô hình thực hành robot của nhóm giảng viên Trầm Tiến Thịnh, Nguyễn Kim Đăng, Hoàng Minh Hạnh (Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức TPHCM - đoạt giải nhì Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII-2022) được đánh giá rất cần thiết với sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật cơ điện tử và tự động hóa công nghiệp. Mô hình thực hành robot tạo cơ hội cho sinh viên làm quen với robot công nghiệp sát với thực tế, nâng cao kỹ năng lập trình và mô phỏng hệ thống tự động hóa với robot công nghiệp…
Không chỉ vậy, một số mô hình khác như mô hình thực hành công nghiệp 4.0 của Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TPHCM; mô hình máy ép khuôn nhựa của Trường Cao đẳng Nghề TPHCM; mô hình máy tiện CNC mini của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM (đoạt giải ba Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII-2022)... được các chuyên gia đánh giá cao trong đào tạo lý thuyết và thực hành cho nhiều ngành nghề.
Điều này giúp sinh viên tiếp cận được với công nghệ mới, đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Từ thực tế đó cho thấy đổi mới sáng tạo trong các trường nghề ngày càng khởi sắc và rất cần được tạo thêm điều kiện để phát triển.