Khởi sắc sức mua cuối năm

(ĐTTCO) - Những ngày gần đây, thị trường TPHCM gần như bừng tỉnh bởi sự xuất hiện của một số nhãn hàng đa quốc gia mở điểm bán tại Việt Nam, khiến tâm lý mua sắm cuối năm đã “lây lan” mạnh sang nhiều thương hiệu, nhiều nhóm hàng khác nhau. 

Tại một số trung tâm thương mại (TTTM), siêu thị đã rơi vào tình trạng quá tải bởi lượng khách hàng đến mua sắm đông nghẹt vào những ngày cuối tuần. 

Nhộn nhịp bán - mua 

Chiều thứ bảy 7-12, tại gian hàng Zara (TTTM Vincom Đồng Khởi) liên tục phát đi thông tin khách hàng phải tự bảo quản tiền bạc, tư trang vì lượng khách đến tham quan và mua sắm rất đông. Ở khu vực thử đồ và quầy tính tiền, khách hàng phải xếp hàng chờ khá dài, dù thương hiệu này không thực hiện khuyến mãi, giảm giá.

Gần đó, hàng trăm người khác kiên nhẫn đứng xếp hàng để chờ vào bên trong gian hàng Uniqlo (Nhật Bản) vừa khai trương trước đó. Tình trạng dòng người xếp hàng kéo dài cho đến hết ngày chủ nhật và chỉ giảm nhẹ vào những ngày đầu tuần này. Anh N.M. Trương (ngụ quận Bình Thạnh) kể lại, gia đình anh đã mắc kẹt hơn một giờ bởi dòng người và xe đến vui chơi, mua sắm ở khu vực Vincom Đồng Khởi - Parkson - Takashimaya.

Khởi sắc sức mua cuối năm ảnh 1Các thương hiệu thời trang lớn vào Việt Nam thu hút sự quan tâm, mua sắm của người dân. Ảnh: NGỌC AN

Tương tự, chị Thu Hà (làm việc tại một tòa soạn báo) cho hay bị mất nguyên buổi sáng chủ nhật 8-12 trong siêu thị Emart để chen nhau mua hàng và chờ tính tiền.

Số liệu của Ban tổ chức chương trình Online Friday 2019 vào ngày 6-12 vừa qua cho thấy, trong vòng 24 giờ triển khai, đã có trên 3 triệu đơn hàng thực hiện thành công, tăng 67% so với năm 2018. Cũng trong “24 giờ vàng” mua sắm, đã có 95.000 sản phẩm chính hãng của 3.840 doanh  nghiệp (DN) và website bán lẻ tham gia chương trình.

Từ thành công này, Bộ Công thương quyết định, chiến dịch bán hàng chính hãng cho khách hàng trên toàn quốc sẽ được thực hiện đều đặn vào thứ sáu hàng tuần trên hệ thống website www.onlinefriday.vn và app Online Friday, nhằm thúc đẩy thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến phát triển. 

Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Vissan, cho biết giá thịt heo đã tăng khá cao khiến sản lượng nhóm thịt tươi sống giảm 15%, trong khi nhóm hàng thực phẩm chế biến vẫn đảm bảo mức tăng 15%. Sức mua trên thị trường đang nhích dần từ nay đến Tết Nguyên đán 2020, ở nhóm thực phẩm chế biến, dự kiến Vissan sẽ đạt mức tăng khoảng 20% so với cùng kỳ.

Tại các DN cung ứng thịt và trứng gia cầm như San Hà, Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt cũng phấn khởi vì sức mua trong năm 2019 đã tăng khá tốt, đạt 20% - 30%. Riêng cuối năm, do nhu cầu sử dụng thịt và trứng gia cầm trong chế biến sẽ còn tăng cao nên các DN đang triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo nguồn hàng, ổn định giá bán.

Sức mua tăng nhờ giá tốt

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11-2019 ước đạt 425,5 ngàn tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của tháng 11 trong 6 năm trở lại đây. Tính chung 11 tháng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 9,3% (cùng kỳ năm 2018 tăng 8,7%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng đạt hơn 3,4 triệu tỷ đồng, chiếm 75,9% tổng mức và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 16,8%; lương thực, thực phẩm tăng 15,4%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 11,5%; may mặc tăng 12,6%; phương tiện đi lại tăng 10,6%.

Khởi sắc sức mua cuối năm ảnh 2Hệ thống siêu thị của Saigon Co.op đã chuẩn bị nguồn thịt heo an toàn và giá tốt, không lo thiếu hàng tết

Nhận định của Tổng cục Thống kê cho thấy, doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng đạt mức tăng khá nhờ sức mua tiêu dùng tăng ở nhiều nhóm hàng thiết yếu, trong khi nguồn cung hàng hóa dồi dào, mặt bằng giá ổn định, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Nhưng theo quan sát của chúng tôi, lực đẩy cho sức mua chung trên thị trường tăng còn một yếu tố quan trọng, đó là các DN đã thực hiện hàng loạt chương trình khuyến mãi giảm giá để kích cầu tiêu dùng. Chưa có năm nào các nhà bán lẻ chạy chương trình khuyến mãi cho mùa cuối năm và tết sớm như năm nay. Việc giảm giá 15% - 49% đối với hàng ngàn mặt hàng thiết yếu như hàng gia dụng, may mặc, hóa mỹ phẩm tạo cơ hội cho người tiêu dùng tăng cường mua sắm. 

Hiện các DN sản xuất, các nhà kinh doanh tiếp tục bắt tay nhau để thực hiện những đợt khuyến mãi cho mùa kinh doanh cao điểm Tết Dương lịch, nhằm duy trì sức mua từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 sắp tới. Việc giảm giá bán cũng đồng nghĩa, DN phải chấp nhận cắt giảm một phần lợi nhuận để thực hiện ưu đãi cho khách hàng. Với cách làm này, hy vọng sức mua trong mùa tết năm nay sẽ tăng khoảng 15% - 20% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài chương trình khuyến mãi, tác động từ việc đưa ra nhiều sản phẩm mới, không ngừng khai trương những điểm bán tích hợp, cũng là cách để kéo khách hàng đến trải nghiệm các loại hình kinh doanh mới. Thí dụ, tại Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), sau khi khai trương hàng loạt điểm bán mới, đơn vị này đã triển khai ngay chương trình giảm giá mạnh các mặt hàng thiết yếu, tặng điểm thưởng từ 2 đến 6 lần cho khách hàng thành viên, cũng đã làm cho doanh thu trong đợt khuyến mãi tăng 20% - 30% so với trước đó…

Các tin khác