Khơi thông dòng vốn vào ngành thuỷ sản

(ĐTTCO) - Nhu cầu vốn hiện tiếp tục trở nên cấp thiết với ngành thuỷ sản những tháng cuối năm.
Doanh nghiệp thủy sản cần trợ lực trước cơ hội bứt tốc. Ảnh minh họa.
Doanh nghiệp thủy sản cần trợ lực trước cơ hội bứt tốc. Ảnh minh họa.

Dư nợ tín dụng các ngân hàng vào thủy sản

Gần đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, xử lý theo quy định các kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) về các giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản. Trong đó, nổi bật hàng loạt kiến nghị xoay quanh việc khơi thông dòng vốn, lãi suất cho doanh nghiệp thuỷ sản.

Cuối tuần qua, trong hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước cho biết xuất khẩu thuỷ sản là một trong những lĩnh vực ưu tiên, nên các ngân hàng luôn tập trung tín dụng cho các doanh nghiệp và đặc biệt không hạn chế khối lượng tín dụng cho vay nhóm này.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ đã có 11 ngân hàng thương mại đăng ký gói tín dụng cho vay thuỷ sản, lâm sản với tổng vốn đăng ký là 15.000 tỷ, lãi suất ưu đãi giảm 1 - 2% so với mức bình thường.

Ngân hàng Nhà nước đã thông báo để các ngân hàng thương mại trên toàn hệ thống tiếp tục đăng ký cho vay. Tính đến thời điểm tháng 5, dư nợ tín dụng dành cho ngành thuỷ sản, lâm sản tại một số ngân hàng lớn như sau: Agribank cho biết dư nợ lĩnh vực thuỷ sản là 59.000 tỷ đồng; tại BIDV dư nợ cho vay lâm sản và thuỷ sản đạt 88.000 tỷ đồng; Vietcombank là 155.000 tỷ đồng.

Nhìn vào những con số trên rõ ràng lượng vốn chảy vào ngành thuỷ sản trong thời gian qua không phải nhỏ, tuy nhiên nhu cầu vốn cho hoạt động nuôi trồng, sản xuất, chế biến thuỷ sản vẫn rất cao. Đặc biệt để chuẩn bị cho sự phục hồi của thị trường trong dịp cuối năm.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết: "Dư nợ ấy khi chúng tôi đang sản xuất bình thường thì bị tắc nghẽn ở khâu lưu thông khiến cho tồn kho tăng lên, mà lãi suất lại cao nữa nên rất khó cho các doanh nghiệp tiếp tục thu mua nguyên liệu cho người nông dân. Bở vậy tại sao chúng tôi đề xuất gói 10.000 tỷ đồng và chúng tôi mong muốn giảm lãi suất là một biện pháp trước mắt để giúp các doanh nghiệp có thêm trợ lực để thúc đẩy thu mua nguyên liệu và duy trì người lao động".

Doanh nghiệp thủy sản cần trợ lực trước cơ hội bứt tốc

Cách đây không lâu, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ dần hồi phục trong những tháng cuối năm 2023 nhờ những tín hiệu khả quan hơn ở các thị trường tiêu thụ, khi lượng tồn kho giảm và bước vào mùa đặt hàng cho tiêu thụ cuối năm, cũng như các dịp lễ hội lớn.

Dòng vốn một lần nữa lại trở nên cấp thiết với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thuỷ sản. Theo các doanh nghiệp, để khơi thông được dòng vốn chảy vào hoạt động sản xuất cần giảm lãi suất cho họ.

Mùa thu hoạch tôm đã bước vào chính vụ và đơn hàng quay trở lại là lý do khiến doanh nghiệp phải tăng sản lượng thu mua lên gấp đôi so với quý trước. Dù đã chuẩn bị dòng tiền phục vụ sản xuất cho cao điểm cuối năm, Công ty Cổ phần Thuỷ sản sạch Việt Nam cho biết, nếu có thêm vốn lưu động với lãi suất hợp lý, sẽ có thêm nguồn lực để thu mua nguyên liệu của bà con nông dân với giá cao hơn.

"Có nguồn tiền lãi suất thấp thì chúng tôi tăng cường lượng dự trữ, tăng giá mua tôm cho bà con, giúp bà con có điều kiện duy trì sản xuất", ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thuỷ sản sạch Việt Nam nói.

Mong muốn chung của các doanh nghiệp là chính sách hỗ trợ về vốn sớm được triển khai, cho doanh nghiệp mạnh dạn tiếp cận. Bởi hiện nay, lãi suất cho vay USD đa phần ở mức 4,1 - 5%/năm khiến nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay nhưng dè dặt.

Bà Hồ Hoa Đông - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Khang An Foods bày tỏ: "Mong muốn chi phí, lãi suất hợp lý, giúp nguồn nguyên liệu đầu vào hợp lý. Sản phẩm đến khách hàng cuối cùng sẽ có giá hợp lý hơn; đồng thời cạnh tranh được với các quốc gia khác".

Các doanh nghiệp cũng bày tỏ, với điều kiện cho vay hiện nay yêu cầu các khoản vay mới chỉ được giải ngân khi đã trả nợ khoản vay trước đó sẽ khiến chi phí doanh nghiệp tăng thêm. Do đó, nếu được giãn, hoãn nợ 3 - 5 tháng, doanh nghiệp sẽ có nguồn lực để duy trì dòng tiền phục vụ sản xuất cuối năm.

Thiếu vốn, người nuôi tôm dè dặt thả nuôi vụ mới

Ngoài việc giảm lãi suất, các doanh nghiệp thuỷ sản cũng kiến nghị nới lỏng điều kiện cho vay, để các hộ, hợp tác xã nuôi thuỷ sản được vay vốn duy trì nguyên liệu phục vụ sản xuất dịp cuối năm.

Ao tôm của gia đình anh Hùng - Chủ trại nuôi tôm ấp Năm Chánh, xã Lịch Hội Thượng, Trần Đề, Sóc Trăng - đã thu hoạch nhưng giá thu mua chỉ gần 80.000 đồng/kg loại 100 con. So với tháng trước là giảm gần 10.000 đồng/kg. Với giá này chỉ vừa đủ tiền trả con giống, thức ăn, nhân công. Thiếu vốn, một số hộ đã tạm dừng nuôi thả. Một số hộ khác như anh Hùng thì tìm cách duy trì dòng tiền, ưu tiên mua con giống.

Tại tỉnh Sóc Trăng, giá tôm thẻ chân trắng hiện đã giảm 40.000 - 50.000 đồng/kg so với hồi đầu năm và giảm trên 10.000 đồng/kg so với tháng trước. Với giá bán như hiện nay, người nông dân có lãi rất thấp hoặc thậm chí đang chịu lỗ. Trong khi chi phí cao, nhiều hộ đã không còn vốn để duy trì, buộc phải treo ao hoặc nuôi thả với mật độ thưa. Các hộ dân cho biết, rất cần vốn để trước mắt là mua con giống, mua thức ăn chăn nuôi, sau mới tính đến chuyện cải tiến kỹ thuật.

Mục tiêu dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành thuỷ sản năm nay là 10 tỷ USD. Ảnh minh họa.

Hợp tác xã Nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng cho biết, chỉ có gần một nửa trong tổng số 24 xã viên đang tiếp cận được vốn tín dụng từ ngân hàng, với lãi suất trên 8%/năm. Trong khi đó, nếu có vốn, bà con nông dân sẽ đầu tư chuyển từ ao đất truyền thống sang mô hình ao lót bạt, nuôi tôm mật độ cao, ít rủi ro hơn.

Vấn đề cốt lõi của ngành tôm hiện nay, theo đánh giá của giới chuyên gia là giá thành sản xuất, tức phải kéo giảm giá thành nuôi trồng. Nếu có các gói tín dụng ưu đãi đặc biệt dành cho hộ nuôi nhỏ lẻ hoặc gói kích cầu phục vụ cho ngành thuỷ sản, tạo điều kiện cho nông dân an tâm nuôi thả, tôm Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh tốt dần lên so với các đối thủ.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho hay: "Ngân hàng Nhà nước cùng với các ngân hàng thương mại có đánh giá rà soát để giúp cho các hộ nuôi, các hợp tác xã liên quan đến tài sản đảm bảo, liên quan đến công cụ rủi ro ngân hàng thì giảm bớt nó đi để họ tiếp cận nhiều hơn nguồn tín dụng của ngân hàng".

Mục tiêu dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành thuỷ sản năm nay là 10 tỷ USD, nhưng để đạt được con số này, 6 tháng cuối năm không chỉ cần sự nỗ lực các cộng đồng doanh nghiệp mà cần sự vào cuộc mạnh hơn của các cơ quan chức năng, hệ thống ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp về dòng vốn và những chính sách thủ tục hành chính thuận lợi hơn.

Các tin khác