Điều tra qua thư bạn đọc

Khốn đốn vì ô nhiễm từ nhà máy Tân Hiệp Phát

Trồng cây cây chết, nuôi cá cũng chết; nhà ngập nước mỗi khi trời mưa do cống thoát nước bị tắc; tiếng ồn suốt ngày đêm;  nhà nứt do nhà máy thi công... đó là tình cảnh của các hộ dân sống quanh Nhà máy bia và nước giải khát Number One của Công ty TNHH TM- DV Tân Hiệp Phát (219 Quốc lộ 13, phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) phản ánh với báo ĐTTC.

Trồng cây cây chết, nuôi cá cũng chết; nhà ngập nước mỗi khi trời mưa do cống thoát nước bị tắc; tiếng ồn suốt ngày đêm;  nhà nứt do nhà máy thi công... đó là tình cảnh của các hộ dân sống quanh Nhà máy bia và nước giải khát Number One của Công ty TNHH TM- DV Tân Hiệp Phát (219 Quốc lộ 13, phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) phản ánh với báo ĐTTC.

Khổ sở vì ô nhiễm

Ông Võ Văn Tài, nhà ở 9/12 Hòa Long, phường Vĩnh Phú dẫn chúng tôi ra vườn cây sau nhà, nói: “Từ ngày nhà máy đi vào hoạt động, cây cối trong vườn không thể nào sống nổi do liên tục bị ngập nước. Mảnh vườn mấy trăm m2 nay chỉ còn trơ lại một số cây dại vàng úa như thế này đây”.

Phía trước nhà, ông Tài có quán giải khát nhỏ để kiếm cơm qua ngày cũng vắng khách. Vợ ông Tài cho biết nước lên quá hôi, khách đang ngồi uống nước cũng phải bỏ đi.

Khu đất nhà ông Võ Văn Tài bị ngập nước do ảnh hưởng nhà máy Tân Hiệp Phát.

Khu đất nhà ông Võ Văn Tài bị ngập nước do ảnh hưởng nhà máy Tân Hiệp Phát.

Không chỉ ô nhiễm, người dân nơi đây còn phản ánh bị “tra tấn” suốt ngày đêm bởi tiếng ồn của nhà máy. Phía trên mái nhà ông Trần Văn Hậu (4/12 Hòa Long) những ống thoát hơi của nhà máy có đường kính 0,5m “cứ “vô tư” xả hơi nóng và khí thải.

Ông Hậu đã nhiều lần phản ánh đến ban giám đốc nhà máy nhưng tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn, khiến không gian quanh nhà máy lúc nào cũng hầm hập và nặng mùi hóa chất.

Còn bà Đặng Mỹ Hạnh nhà tại 28/12 Long Hòa, cho biết bà và các anh em nhà bà (ở liền kề nhau) năm ngoái phải bỏ ra 200 triệu đồng để nâng cao nền nhà lên hơn 1m do bị ngập quá nặng. Theo bà Hạnh, nguyên nhân ngập nước là do Công ty Tân Hiệp Phát trong quá trình thi công, mở rộng nhà máy đã san lấp kênh, rãnh thoát nước tự nhiên lâu nay.

Vì thế bây giờ mỗi khi mưa, toàn bộ nước trên mái nhà máy ở phía sau đổ hết vào nhà các hộ dân, gây ngập. Nhiều hộ sống không nổi phải bán nhà, bán đất đi nơi khác.

Khắc phục không triệt để

Nhiều người dân ở đây cho biết việc nhà máy của Công ty Tân Hiệp Phát gây ô nhiễm đã được phản ánh với các cấp chính quyền từ nhiều năm nay. Các cơ quan chức năng như Sở và Phòng Tài nguyên - Môi trường đã về đây kiểm tra nhưng đâu lại vào đó.

Trong Văn bản 4018 ngày 13-12-2009 của Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bình Dương do Phó Giám đốc Võ Thị Ngọc Hạnh ký gửi Thường trực HĐND, UBND và UBMTTQ tỉnh có báo cáo về việc trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh khóa VII.

Trong đó có đề cập đến hàng loạt khiếu nại liên quan đến Công ty Tân Hiệp Phát, như tình trạng thải khói bụi gây ô nhiễm môi trường; tiếng ồn vẫn chưa khắc phục; san lấp mặt bằng lấn đất của các hộ dân xung quanh; lấn rạch gây ngập úng… Các sai phạm này đã bị cơ quan chức năng xử phạt gần 40 triệu đồng nhưng tình trạng vẫn chưa cải thiện.

Trao đổi với ĐTTC, bà Mai Thị Dung, đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương, cho biết đã nghe phản ánh của người dân về việc gây ô nhiễm của Công ty Tân Hiệp Phát. Hiện nay các cơ quan chức năng đang tiến hành kiểm tra và kiến nghị hướng xử lý khi có kết quả.

Nhiều ý kiến cũng đang đề nghị di dời nhà máy vào khu công nghiệp để tránh gây ô nhiễm khu vực dân cư. Việc ô nhiễm do Tân Hiệp Phát gây ra đã rõ ràng. Vậy nhưng đại diện Công ty Tân Hiệp Phát - bà Đặng Thị Thu Thủy - cho rằng nước có màu vàng mà người dân cho rằng ô nhiễm có thể do… màu của đất sét khi san lấp, còn việc cá chết cũng có thể do nguyên nhân nào đó chứ không hẳn là từ nhà máy?

Dư luận đang mong các cơ quan chức năng sớm kết luận để có xử lý nghiêm với những hành vi gây ô nhiễm của Công ty Tân Hiệp Phát, trả lại môi trường trong lành cho người dân nơi đây.

Các tin khác